- Thông tin tích cực vừa được Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết sáng nay ở phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đến thời điểm này, Tổng cục Thống kê chưa công bố tình hình lạm phát tháng 4, song ông Bùi Quang Vinh đã khẳng định: “Theo báo cáo thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 sẽ chỉ dưới 0,1% là chắc chắn”.

Trên thực tế, việc tính toán các chỉ số lạm phát hàng tháng thường được chốt từ ngày 20 hàng tháng với các số liệu ước tính đến ngày 15. 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mở đầu phiên họp bằng việc báo cáo Thường vụ Quốc hội tình hình kinh tế xã hội năm 2011 và kế hoạch năm 2012.

Tín hiệu tích cực nhất là giá cả, lạm phát đang có xu hướng giảm dần, bước đầu ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, ngoại trừ 2009.

CPI tháng 3 tăng khoảng 2,55% so với tháng 12/2011 và chỉ tăng 0,16% so với tháng 2, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2 năm vừa qua (2011 là 6,12%, 2010: 4,12%).

Nguyên nhân là do tác động của các biện pháp kiểm soát tiền tệ, tín dụng, tăng cường quản lý chi tiêu của ngân sách nhà nước, đầu tư công. Kế nữa là do sức mua thị trường trong nước giảm, tồn kho tăng đã gây áp lực làm giảm giá. Việc các nông sản được mùa, nguồn cung dồi dào cũng góp phần làm giảm giá nông sản, thực phẩm….

Bộ trưởng cho hay, theo mục tiêu của Chính phủ đề ra, lạm phát năm 2012 dưới một con số. Dự kiến, con số này sẽ dao động trong khoảng 8-9%.

Cho đến nay nhiều tổ chức quốc tế cũng đã dự báo tích cực như Ngân hàng ADB gần đây vừa công bố, lạm phát năm 2012 của Việt Nam sẽ dưới một con số.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ, các chỉ số vĩ mô khác đều rất tích cực, như lãi suất tín dụng giảm, thanh khoản các ngân hàng và dự trữ ngoại hối đã được cải thiện, tỷ giá ổn định, đặc biệt thị trường chứng khoán đã khởi sắc.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, trong đó giải ngân vốn FDI, ODA đều đạt khá. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng 25% so với cùng kỳ, nhập siêu giảm mạnh chỉ còn bằng 0,9%.

Dù vậy, đi đôi với việc lạm phát giảm thì tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP cũng sẽ giảm. Đây là một điều đáng lo ngại. Vì quý I vừa qua, GDP chỉ đạt 4%,

Do vậy, việc điều hành kinh tế thời gian tới phải chủ động, linh hoạt, đặt mục tiêu hiệu quả hàng đầu. CÁc công cụ chính sách tiền tệ như lãi suất, tiền cung phải đạt hiệu quả kiểm soát lạm phát. Dự kiến, Chính phủ sẽ kiểm soát tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng năm nay 15-17%. Mục tiêu nhập siêu cả năm nay sẽ giảm 11-12% so với tổng kim ngạch xuất khẩu và tiến tới phấn đấu giảm tiếp dưới 10%.

Phạm Huyền