- Để cấu trúc chặt chẽ luật Hải quan, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị làm rõ quy định về vùng biển để luật chặt chẽ với quy định về vùng biển nêu trong luật Biển.

Ý kiến Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu tại phiên họp thảo luận ở tổ về dự án luật Hải quan (sửa đổi) chiều nay 4/11.

Về dự án luật, Bộ trưởng Minh đánh giá những sửa đổi của dự luật đã phù hợp với các quy định trong ASEAN và một số quy ước của Việt Nam với các nước. Liên quan đến hợp tác quốc tế, dự thảo cũng nêu một số điều khoản để thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan.

{keywords}
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp thảo luận tổ của Quốc hội chiều 4/11. Ảnh: Lê Anh Dũng

Xung quanh điều 7 của dự thảo về địa bàn hoạt động hải quan, liên quan đến vùng biển, quy định chỉ rõ “các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu ở trong lãnh thổ và trên vùng biển thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam và các địa bàn khác theo quy định của pháp luật”.

Theo Bộ trưởng, quy định như trên “chưa chính xác” vì theo luật Biển đã thông qua có quy định vùng kiểm soát là vùng nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải.

“Nói vùng biển thế này là rất rộng, có thể hiểu thành 200 hải lý thì không được. Tất nhiên theo công ước luật biển thì đó là vùng đặc quyền kinh tế nhưng ta chỉ kiểm soát trên vùng nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải. Trong điều 7 này chúng tôi đã có ý kiến nhưng chưa sửa, mặc dù trong các điều 92-93 đã bổ sung ý là khi truy đuổi trong các vùng nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải là đúng” – ông phát biểu.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị điều 7 phải quy định rõ địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu là “trong vùng nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải, hoặc là trong vùng biển theo quy định của luật biển”.

Xung quanh điều 91-92-93 quy định về phạm vi, trách nhiệm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng như thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng các biện pháp, trong đó có biện pháp “truy đuổi”.

Về điều này, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, áp dụng biện pháp “truy đuổi” chỉ thực hiện trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, còn ra đến vùng biển quốc tế là phải “hợp tác quốc tế”.

Nhưng ngay cả trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, theo Bộ trưởng, cũng phải quy định rõ là các cơ quan hải quan chỉ "truy đuổi" trong vùng nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải, còn ra đến vùng biển quốc tế thì theo luật Biển đã thông qua thì không áp dụng biện pháp “truy đuổi”.

“Nên làm rõ trong điều này cho phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như luật Biển của chúng ta” – Bộ trưởng kiến nghị.

Chung Hoàng