- Nếu người dân không tin cơ quan chức năng, thì chỉ có cách tìm đến người đứng đầu thành phố, ai đến thì tôi sẽ tiếp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói.
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về việc đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu thông tin “bôi trơn" 8 triệu đồng để làm sổ đỏ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, đến nay chưa có người dân nào đến gặp ông để tố cáo vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Dân trí
|
Thực tế, người dân muốn gặp lãnh đạo cấp phường, xã để làm việc cũng đã rất
khó, chứ chưa nói đến gặp người đứng đầu thành phố như ông để tố cáo?
Tôi biết việc gặp chính quyền cấp xã, phường không khó. Bây giờ có cơ chế một
cửa ai đến đó cũng được tiếp cả.
Nhưng người dân Hà Nội có kênh nào chuyển thông tin “bôi trơn” đến ông dễ
nhất không?
Hàng ngày tôi vẫn nhận được rất nhiều loại đơn. Điều đó có nghĩa là những thông
tin cần đến tôi là được. Không có bất kỳ một kênh nào ngăn chặn thông tin đến
tôi cả. Hay như đang đi công tác nước ngoài, người ta vẫn nhắn tin vào điện
thoại của tôi đang thi công chức chỗ này, chỗ kia có hiện tượng thế này, thế
khác.
Có thể vì tâm lý còn e ngại nên người dân không đến Thành ủy gặp Bí thư. Vậy nếu không có ai đến, ông có định trực tiếp xuống tiếp cận dân để lấy thông
tin không?
Tôi cũng có dự định là nếu không có thông tin nào thì có thể đến thẳng khu dân
cư đó để gặp dân. Vào ngày giờ cụ thể tôi đến đó, ai đưa thông tin gì tôi sẽ xác
nhận. Còn bây giờ thì cứ để thanh tra họ làm đã, chứ không thể việc gì tôi cũng
làm thay cơ quan chức năng ngay được.
Làm triệt để, không phải nói chỉ để khơi ra
Hơn một năm trước, ông đã đưa ra thông tin doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
“bôi trơn” để thủ tục hành chính liên quan đến họ được giải quyết nhanh hơn. Đến
thời điểm này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đưa ra thông tin “bôi trơn” 8 triệu
đồng để được cấp sổ đỏ. Xâu chuỗi hai sự việc đó, vậy ông có tin thông tin của
đại biểu đưa ra là có cơ sở hay không?
Tôi nghĩ rằng chuyện đó có thể có, vì không thể nói một cách tuyệt đối là không
có tiêu cực. Không ai dám nói như thế nhưng để xử lý được thì phải có bằng
chứng.
Nếu không tìm được ra đối tượng để xử lý thì ít nhất đó cũng là sự cảnh
báo, nhắc nhở, răn đe chứ không phải là không được gì. Như chuyện thi công chức,
tuy không tìm được ra ai nhưng vừa qua thành phố đã chỉ đạo chuyện này rất
nghiêm. Thi như vừa rồi Hà Nội làm rất khách quan, vô tư, không ai can thiệp
được vào. Vậy nên tuy không bắt được ông A, ông B nhưng điều đó lại yêu cầu bộ
máy phải đổi mới, nếu không thì sẽ mang tiếng oan.
Đến nay, Hà Nội đã tìm ra manh mối nào liên quan đến việc “bôi trơn” 8 triệu
đồng để được làm sổ đỏ chưa, thưa ông?
Tôi đã chỉ đạo thanh tra gặp đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - đại biểu cung cấp cái gì
thì họ sẽ thông báo sau. Tôi cũng đã giao thanh tra gặp trực tiếp hoặc phát
phiếu cho hơn 40 hộ dân đã được cấp sổ đỏ ở Mễ Trì Thượng xem vừa rồi có ai phải chi tiền hay không và nếu có chi thì chi cho ai, chi
bao nhiêu.
Đợt này tôi cũng chỉ đạo gặp luôn những hộ đã nộp hồ sơ nhưng chưa được cấp sổ
đỏ. Trong những hộ đấy có phải là gợi ý đưa tiền nhưng chưa đưa nên chưa được
cấp sổ đỏ hay không hoặc vì lý do nào khác.
Trường hợp người ta đưa tiền rồi nhưng không có bằng chứng nên ngại nói ra
thì sao?
Về mặt pháp luật mà nói miệng với nhau thì ai dám xử. Liệu ghét nhau người ta
bảo có, yêu nhau người ta bảo không thì mình xử lý thế nào?
Để làm rõ sự việc, thời gian tới ông có chỉ đạo thanh tra thành phố và các sở
ngành làm việc này quyết liệt hơn không?
Tôi cũng muốn làm việc này một cách triệt để - gọi là đến đầu đến đuôi chứ không
phải nói chỉ để khơi ra. Nên nếu người dân không tin cơ quan chức năng, thì chỉ
có cách tìm đến người đứng đầu thành phố, ai đến thì tôi tiếp. Còn đến tôi mà họ
cũng ngại thì họ có thể đến gặp báo chí, cung cấp tài liệu, chứng cứ đưa tiền
cho người này, người kia rồi công bố ra cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm xác
minh.
H.Nhì ghi