- Để giảm nghèo bền vững, một trong những vấn đề quan trọng là làm sao giúp người nghèo tránh được “bẫy nghèo” vì bệnh tật.

 {keywords}

ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình). Ảnh: Minh Thăng

Thảo luận chiều 7/6 về chính sách xóa đói giảm nghèo, ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) đánh giá chi phí cho ốm đau, các bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo chính là chi phí chiếm phần lớn trong thu nhập của người nghèo. ĐB Siu Hương (Gia Lai) nhận định ngoài các vấn đề về việc làm, BHXH, giáo dục, nhà ở, nước sạch, trợ giúp pháp lý và thông tin thì vấn đề hỗ trợ y tế đối với người nghèo là rất quan trọng để đảm bảo an sinh tối thiểu cho họ.

Nhiều ĐB cho rằng làm sao để người nghèo tiếp cận được các dịch vụ y tế nhưng không để họ vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn, dễ dàng khiến họ “tái nghèo” hoặc không thể thoát nghèo. Vai trò của Bộ Y tế trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững cũng được các ĐBQH nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Phát biểu trước QH về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Đối người nghèo nếu bị ốm thì sẽ rất khó khăn trong thoát nghèo, gây ra một hậu quả có thể là thảm họa. Nếu người cận nghèo ốm một trận thì có thể thành người nghèo, như vậy một vùng cộng đồng để nhiều bệnh tật và nghèo đói thì khó có thể phát triển được kinh tế - xã hội.

Vì thế, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế sử dụng 3 “giải pháp” gồm tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính (đặc biệt là BHYT) để thúc đẩy người nghèo sử dụng và tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng tốt nhưng vẫn tránh được “bẫy” đói nghèo do chi phí y tế mang lại.

Trong đó, người đứng đầu ngành y tế đặc biệt nhấn mạnh tới BHYT như một giải pháp hữu hiệu với những cải cách trong luật BHYT (sửa đổi) để tạo điều kiện tối ưu cho người nghèo như: Không phải đồng chi trả (trước đây người nghèo phải đồng chi trả 5%); mua thẻ BHYT mệnh giá 100%...

Đối với người cận nghèo sẽ được nhà nước hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ và chỉ đồng chi trả 5% (thay vì 20% như luật cũ). Người nghèo, cận nghèo ở vùng khó khăn có thể được vượt tuyến trong vi phạm tuyến tỉnh vẫn được thanh toán 100%…

Liên quan đến kết dư quỹ BHYT, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu thực tế các tỉnh thuộc các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước lại là tỉnh có kết dư quỹ BHYT cao. Điều này đồng nghĩa với việc BHYT đối với người nghèo chỉ mới được thực hiện trên thẻ BHYT.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế cho biết Bộ đã đề nghị UBTV QH xem xét trong luật BHYT (sửa đổi) lần này cho phép trong phần Quỹ BHYT kết dư thì trích lại 20% cho các địa phương, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa để tăng cường thêm dịch vụ chất lượng y tế, đặc biệt ở tuyến trạm y tế xã.

Đề nghị ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH tuyến biên giới Việt - Trung

ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) đề nghị Chính phủ và Bộ Quốc phòng nên có giải pháp đồng bộ vừa đầu tư cho biển đảo vừa có chính sách tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế xã hội trên tuyến biên giới Việt - Trung, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, xây dựng biên giới ổn định, hữu nghị hợp tác cùng phát triển vì đây là tuyến biên giới trọng yếu, phải tập trung ưu tiên nguồn lực, trước hết là hoàn thiện tuyến đường tuần tra biên giới để xử lý các tình huống nhanh chóng, kịp thời. 


Cẩm Quyên