Để có tem hợp chuẩn dán vào mũ bảo hiểm dởm nhập từ Trung Quốc, hàng giả, những kẻ kinh doanh đặt in tem giả tại các cơ sở in tư nhân dễ như trở bàn tay.
Trong vai người đi đặt in tem mũ bảo hiểm (MBH), PV tìm đến một cửa hàng in tư nhân tại đường Quang Trung (Hà Đông). Những cửa hàng in này nhận in đủ các kiểu mẫu từ catalog, thiệp cưới, nhãn mác hàng hóa, card virit… PV có mối quen cần in một vài catalog để giới thiệu sản phẩm. T chủ cửa hàng in cho biết. Anh phải chuyển cho em mẫu… sau khi hỏi han về công nghệ in, in ra sao? PV đề cập đến muốn in tem mũ bảo hiểm. Tùng không đắn đo cho biết: Các loại nhãn mác hàng hóa, tem mũ bảo hiểm chúng em có mối hàng đặt các cơ sở in hết. Anh cần in số lượng bao nhiêu, mẫu như thế nào?...”
Đến một số cơ sở in dịch vụ tư nhân khác tại khu vực Thanh Xuân (Hà Nội) khảo sát, và đặt vấn đề in tem MBH, một số chủ cơ sở ngần ngại, dò xét PV rồi lắc đầu không dám nhận vì sợ cơ quan chức năng phát hiện.
Tìm về Chương Mỹ, Hà Nội, trong vai người cần in tem MBH chúng tiếp cận một cơ sở in của ông chủ D. Vừa bước vào cửa mùi mực, mùi sơn các loại cùng nước thải bẩn quá trình sản xuất xộc thẳng vào mũi, rất khó chịu. Chỉ đứng khoảng 10 phút quan sát, hỏi han một số công nhân PV vội bước ra ngoài vì không thể chịu được mùi mực, mùi hóa chất các loại…
Theo quan sát của PV, xưởng của D chỉ rộng chừng 100m, các công đoạn in ấn còn khá thủ công, chỉ vài chiếc máy cắt giấy sơ sài, cùng 5 - 6 công nhân miệt mài sản xuất. Cùng các loại tem, nhãn mác hàng hóa của các đại lý khác đặt in, thậm chí cả hóa đơn bán hàng… bầy kín lối đi.
Một công nhân in thủ công ở đây cho biết, ngày nào cũng như ngày nào, sáng làm việc từ 7h đến 6h chiều. Tiền công in theo số lượng, in nhiều thì công cao, và ngược lại.
Chủ cơ sở tên D cho biết, dạo này cơ quan chức năng “truy” ráo riết quá, nên mình cùng mấy người bạn cơ sở khác chuyển chỗ liên tục. Theo D hiện đang in tem mũ bảo hiểm các loại có 2- 3 đại lý, tùy loại to nhỏ, mẫu thiết kế, mầu mực… nhưng giá in phổ biến là 700 ngàn đồng/sấp.
Theo D, loại tem CR này làm tương đối khó, phải qua nhiều công đoạn làm maket, chọn giấy phù hợp, pha mực, hóa chất có màu phù hợp… Sau đó mới in thử. Nếu thấy chuẩn thì cho chạy đồng loạt, còn chưa chuẩn đoạn nào thì chỉnh công đoạn đó…
Sau khi in xong, được đóng gói kỹ càng, sẽ có người chuyển hàng đến tận đại lý đã đặt hàng. Theo D, sau khi có tem, những đại lý này sẽ dán vào mũ bảo hiểm rồi xuất xưởng bán cho người tiêu dùng…
PV ngỏ ý đang có một mối hàng cần in tem CR mũ bảo hiểm số lượng lớn, cần xưởng D giúp đỡ in ấn. Nghe xong, D lý giải: “In ấn lậu loại tem như vậy phải cẩn thận, không mất nghiệp như chơi! Dạo này cơ quan chức năng để ý nhiều, nên không dám nhận những mối hàng của người lạ! Chỗ người quen biết tôi mới dám nhận đấy!”
Sau đó D hỏi tôi, mối hàng của ông in số lượng bao nhiêu? Khổ rộng như thế nào? Rồi mầu mè, chất lượng mực, giấy…. thì tôi mới định được giá? Tóm lại nếu mối của ông cần in thì chuyển maket xuống đây, tôi sẽ định giá cho… D cho biết thêm, hiện nay tôi đang in cho hai cơ sở mối hàng quen cũ, giá không dưới 700 ngàn đồng/sấp…
Để chống chế, PV giải thích có mối quen nhờ hỏi in ấn tem CR, giá cả nếu hợp lý họ sẽ làm. Để tôi về hỏi lại thêm cho rõ! D không nghi ngờ cho biết thêm, đối với loại tem CR này in ấn quá đơn giản, thậm chí ông thích in tiền giả tôi cũng in cho, nhưng vấn đề là ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…
Theo tìm hiểu của PV, mối hàng của D gần như khắp cả nước. Và khi mỗi lần D in xong những đợt tem, nhãn mác hàng hóa các loại sau đó tìm cách thuê địa điểm khác để chuyển cơ sở in của mình đi, càng bí mật càng tốt. Vì vậy, mỗi địa điểm D thuê làm ăn dài nhất cũng chỉ 1 năm, còn thấy động chỉ hoặc cảm thấy bất ổn thì vài tháng là di tản…
Vì theo D, nếu cơ quan chức năng “nhỡ” có bắt được cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm rởm, gắn tem, nhãn mác do cơ sở D sản xuất thì sớm muộn gì cũng bị lần ra. Mỗi khi có mối hàng in tem như vậy, để ăn chắc D ký hợp đồng với người đặt in và trong đó có điều khoản: “ Bên A phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về hành vi, tiêu thụ…”.
Hợp đồng ký kết D cho công nhân sản xuất ngày đêm, khi xong hàng, D gọi điện hẹn đối tác cho người chở hàng đến một địa điểm đã hẹn trước, và thường giao hàng chập choạng tối để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng… Khi giao hàng xong, đối tác sẽ chia nhỏ từng lô giao cho các đại lý, hoặc cơ sở làm mũ bảo hiểm rởm để gắn nhãn mác vào MBH đưa ra thị trường tiêu thụ…
(Theo Infonet)