Hội thảo "Góc khuất du học Mỹ" diễn ra vào chiều ngày 13/8 |
Là người Việt đầu tiên đạt điểm SAT tuyệt đối 2400/2400 chỉ trong một lần thi, nhận học bổng trị giá 310.000 USD cho 4 năm học tại ĐH Duke (Mỹ), những chia sẻ của Hoàng Minh Tuệ cho thấy “chiến thuật” duy nhất em sử dụng trong bộ hồ sơ chỉ là: thể hiện chính con người mình.
Sở hữu thành tích học tập xuất sắc, nhận thấy tiềm năng trúng tuyển đại học Mỹ khá tốt của Tuệ, nhiều trung tâm tư vấn du học đã từng cấp học bổng tư vấn cho em. Tuy nhiên, vì mâu thuẫn trong cách thể hiện bản thân, cách ôn luyện với trung tâm mà Tuệ đã bỏ dở những gói học bổng rất giá trị này để tự chuẩn bị hồ sơ theo cách của mình.
“Có trung tâm tư vấn cho mình là phải xây dựng bản thân là một người am tường về lịch sử, địa lý, xây dựng hình ảnh bản thân như một đại sứ. Mình thấy chuyện đó rất buồn cười, bởi sự thật là mình không thích tìm hiểu về những lĩnh vực đó. Cũng có trung tâm nói, vì mình học giỏi toán nên xây dựng hình ảnh là một người thích toán, đam mê toán học và thực hiện rất nhiều hoạt động liên quan đến toán. Nhưng mình cũng không hứng thú với chiến lược mà trung tâm đưa ra. Rồi trung tâm yêu cầu mình phải đi học SAT dạng một thầy một trò, đề nghị khai hồ sơ tài chính 10 nghìn đô mỗi năm, trong khi gia đình mình chỉ có thể chi trả khoảng 5 nghìn đô… Những mâu thuẫn đó khiến mối quan hệ giữa mình và các trung tâm rạn nứt. Mình quyết định tự làm hồ sơ” – Tuệ kể.
Hoàng Minh Tuệ - sinh viên ĐH Duke, người đạt điểm SAT tối đa 2400/2400 |
Nếu như bài luận vẫn thường được khuyên là nơi thể hiện sự sáng tạo trong cách viết, sự riêng biệt trong cách tư duy và là nơi kể những câu chuyện cho thấy tính cách, mối quan tâm của ứng viên, thì Tuệ thừa nhận “bài luận của em không có gì sáng tạo, chỉ đơn giản là nói về tính cách, khả năng của bản thân…”
Trong khi thư giới thiệu Tuệ nhờ thầy dạy văn và thầy dạy tiếng Tây Ban Nha năm cậu học lớp 10 ở Mỹ viết và gửi cho trường. “Mình cũng chưa từng đọc những bức thư này và không biết các thầy viết gì về mình”.
Ở vòng phỏng vấn, cậu từng phỏng vấn với một số trường Ivy nhưng trường nào cậu cũng cảm thấy mình trả lời rất dở. “Vòng phỏng vấn luôn khiến mình giằng xé giữa 2 việc: làm hài lòng trường hay là nói thật suy nghĩ của bản thân”.
“Thậm chí có câu hỏi mình không biết trả lời thế nào và có câu còn nói sai thông tin về trường. Nói chung, lúc đó cảm thấy phần phỏng vấn của mình rất be bét” – Tuệ chia sẻ.
Tuy nhiên, sau đó cậu nghĩ rằng ban tuyển sinh không quá quan trọng mình nói gì, mà họ quan sát thái độ trả lời và quan sát phản ứng của mình với câu hỏi đó nhiều hơn.
Nam sinh ĐH Duke cho rằng, việc ép buộc bản thân phải thay đổi để làm đẹp hồ sơ là điều phản khoa học.
Bất kỳ ai sống 17 năm trên đời đều có chuyện để kể
Nguyễn Chí Hiếu - Thạc sĩ ĐH Oxford, TS. ĐH Stanford, người từng đạt các danh hiệu 'Sinh viên giỏi nhất nước Anh', "Top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới" |
Nguyễn Chí Hiếu - Thạc sĩ ĐH Oxford, TS. ĐH Stanford, người từng nhận nhiều học bổng của các trường hàng đầu thế giới – đã có những chia sẻ rất chân thành với các phụ huynh tới tham dự buổi trò chuyện.
Là người từng đào tạo và hướng dẫn cho hàng nghìn học sinh tìm kiếm cơ hội du học, anh chứng kiến rất nhiều học sinh và phụ huynh đến với các trung tâm tư vấn du học để cho con ôn luyện, tư vấn làm đẹp hồ sơ. Anh thừa nhận, du học Mỹ cần tới điểm TOEFL, SAT… nhưng điểm số là thứ có thể đạt được qua thời gian, hồ sơ không thể hoàn thành trong 1 tuần, 2 tuần thì có thể làm trong 1 tháng, 2 tháng. Nhưng có thứ mà các bạn không thể tìm thấy ở đâu hay nhờ sự giúp đỡ của bất cứ ai, đó là thương hiệu cá nhân.
“Trước khi cho con ra nước ngoài, đứa trẻ cần có hệ giá trị bên trong con người” – Chí Hiếu khẳng định.
“Thời gian học cấp 3, các bạn nên dành thời gian để đọc sách, để trải nghiệm, chiêm nghiệm cuộc sống, chứ không phải chỉ chăm chăm vào điểm số…. Có nhiều bạn ngoài điểm ra thì không có một cái gì hết. Tôi gọi vui đó là những con gà công nghiệp. Điểm số của các bạn thì rất sáng nhưng các bạn không biết nói chuyện gì với người đối diện, không thể hiện cảm xúc khi nói chuyện, không biết thể hiện quan điểm cá nhân. Chính các bạn còn không hiểu mình thì làm sao các bạn làm cho người khác hiểu được mình, cảm được tư duy của mình”.
“Khi các bạn dành quá nhiều thời gian cho luyện thi, các bạn sẽ không có thời gian để làm những việc khác…. Đọc sách không phải để lấy thông tin từ cuốn sách đó. Mà khi các bạn tạo được thói quen, duy trì thói quen, tư duy với những vấn đề trong đó… những điều đó sẽ giúp bạn trưởng thành” – anh nói.
Anh đẩy vấn đề về phía phụ huynh: “Trong 17 năm sống trên đời của đứa trẻ, liệu các phụ huynh đã cho con mình cơ hội để trải nghiệm cuộc sống, đã để con sống với đam mê, sở thích của mình hay chưa? Hay chúng ta đang sống hộ, làm hộ con quá nhiều, để rồi đến lúc nhìn lại thì chẳng thấy có gì để câu chuyện của mình đủ sức thuyết phục”.
“Bất kỳ ai sống 17 năm trên đời đều có rất nhiều câu chuyện để kể, không phải đến lúc nộp đơn mới phải tạo ra, nghĩ ra nó”.
Theo anh, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở việc các bạn trúng tuyển một trường đại học top 10, top 20 hay 50. Bởi sau này, các bạn còn phải dùng những kỹ năng của mình để học tập trong trường, để làm việc chung với người khác, để bước ra ngoài cuộc sống. “Có bạn đỗ đại học hàng đầu thế giới vẫn còn gửi bài luận về cho trung tâm tư vấn để sửa. Tôi không hiểu các bạn học để làm gì?” – anh nêu ví dụ.
Phụ huynh đặt câu hỏi cho các diễn giả |
Trước câu hỏi của một phụ huynh: “Làm thế nào để dạy một đứa trẻ bình thường thành một đứa trẻ xuất sắc?”, Chí Hiếu đã chia sẻ câu chuyện của chính mình: “Tôi chưa bao giờ là học sinh xuất sắc hay thông minh nhất trong lớp. Trước bất kỳ vấn đề nào, tôi chưa bao giờ nằm trong top 3 người phát hiện ra vấn đề nhanh nhất. Hồi đỗ chuyên Anh, tôi cũng nằm ở top dưới trong danh sách trúng tuyển. Tất cả những bài kiểm tra IQ mà tôi làm đều cho ra kết quả ở ngưỡng trung bình. Tôi từng bị Harvard từ chối 2 lần. Nhưng tôi không thấy phiền lòng bởi điều đó".
"Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng thông minh hơn người. Chỉ cần bạn giúp đứa trẻ đó đạt đến ngưỡng giới hạn tối đa của nó đã là quá tốt rồi. Rốt cuộc, thông minh hay không thông minh thì ai cũng đều đi tìm hạnh phúc. Mà hạnh phúc thì không phụ thuộc vào việc IQ bạn bao nhiêu, bạn học trường top 10 hay top 100”.
- Nguyễn Thảo