Câu chuyện về cuộc sống thiên đường nơi đất khách đã khiến nhiều người đàn bà lạnh lùng dứt tình với chồng để tìm cuộc sống mới. Bị bỏ lại trong căn nhà hoang dại với đứa con thơ, không ít người đàn ông đã chìm trong cơn say bất tận để quên đi nỗi đau mất vợ.

TIN BÀI KHÁC


Cốc Mỳ là một xã thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai nổi lên là một điểm nóng vùng biên với nạn “mất người”. Những câu chuyện truyền tai về cuộc sống sung túc nơi xứ người đã khiến nhiều người phụ nữ nơi đây sẵn sàng từ bỏ gia đình để vượt biên sang nơi mà họ coi là thiên đường.

Trong số họ có người ngoài 20, 21, thậm chí có người ngót nghét 50 tuổi cũng rũ bỏ người chồng đầu ấp tay gối mấy chục năm trời để đi theo tiếng gọi giàu sang. Tính riêng trong 2 năm 2009, 2010, cả xã đã có khoảng hơn 30 người đàn ông “đột nhiên mất vợ”. Người ta chua chát gọi Cốc Mỳ là làng “mồ côi vợ”.
Làng ‘mồ côi vợ’ ở Lào Cai

Ngôi làng được mệnh danh "làng mồ côi vợ".

Nỗi đau của những người chồng “mồ côi”


Chỉ cho chúng tôi căn nhà chêch chếch nơi sườn núi, anh Vũ Hồng Sơn, Trưởng Công an xã Cốc Mỳ cho hay: “Nhà của Lầu A Páo đấy! Nó mới mất vợ và con gái một tháng nay. Chiều chiều, dân bản vẫn thấy Páo ôm trong lòng đứa con nhỏ ngồi ở con dốc đầu làng để ngóng vợ”.

Trong căn nhà trống hua, trống hoác, A Páo thần người khi chúng tôi hỏi về vợ con. Dường như vẫn chưa hết bàng hoàng, đôi mắt đờ đẫn ngân ngấn lệ, A Páo mếu máo: “Con Sùng Thị Mẩy (tên vợ A Páo) đi rồi, chắc nó sang Trung Quốc rồi. Nó nghe dụ dỗ bên đấy sống sung sướng nên nó lôi cả con đi rồi. Giờ cũng không biết nó đi đâu, đang sống ở đâu nữa”.

A Páo trong căn bếp tốc mái của gia đình.

Páo bảo, từ ngày mất vợ, một mình Páo phải làm nương làm rẫy rồi chăm hai đứa con nhỏ. Nỗi chua chát bị vợ bỏ khiến không đêm nào Páo ngủ tròn giấc. Khuôn mặt sạm đi, nom già hơn tuổi rất nhiều, Páo cúi đầu kể: “Trước đây ở làng cũng nhiều người mất vợ nhưng chẳng ngờ rằng, vợ mình ở tuổi sắp lên bà cũng dứt tình bỏ mình mà đi…”. Nói đến đây, Páo ôm mặt khóc nức nở. Nước mắt cứ giàn giụa trên khuôn mặt khắc khổ.

Rời nhà A Páo, chúng tôi theo chân anh Sơn đến nhà ông Giàng A Lù cách đó một đoạn. Theo lời anh Sơn, vợ A Lù bỏ đi vào đúng vào ngày 9 Tết năm 2010. Kể từ đó đến nay, A Lù luôn chìm trong men rượu để quên đi nỗi xót xa đời mình.

Khi chúng tôi đến, A Lù đang ngồi trên chiếc chõng tre đặt trước cửa, bên cạnh là chai rượu đã vơi một nửa với bát măng ngâm ớt. Bằng cái giọng ngà ngà của kẻ nửa tỉnh nửa say, A Lù một tay ôm chai rượu, một tay chỉ sang bên kia ngọn núi xa xa. “Bà ý bỏ sang bên ấy rồi, 1 năm rồi”.

A Lù bảo, có lẽ ông không bao giờ quên cái ngày vợ ông khăn gói dứt tình với ông. Hôm ấy là 9 Tết, khi cả bản còn đang say sưa trong men rượu mừng năm mới, A Lù về nhà không thấy vợ đâu.

Ông chạy ra rẫy, í ới gọi vợ nhưng chỉ có tiếng ông vọng lại. Chột dạ nghĩ có thể vợ mình đã bỏ sang Trung Quốc nhưng ngay lập tức A Lù dập ý nghĩ ấy đi. Ông bảo, bà ấy cũng đã 48 tuổi, với 7 bận sinh con, cái da mặt đã nhăn như quả táo khô, sao có thể bỏ đi lấy chồng khác được.

Mang niềm hy vọng mong manh, ông chạy vào nhà thì bàng hoàng nhận thấy không còn quần áo, tư trang của vợ đâu. “Bà ấy đi thật rồi, thật rồi”, A Lù lại rên rỉ. Ngửa cổ lên trời tu òng ọc chai rượu, A Lù buồn bã: “Mấy chục năm sống với nhau, dù có lúc cãi nhau thế này thế khác, nhưng vợ chồng tôi vẫn rất yêu thương nhau. Không hiểu vì sao bà ấy lại đối xử với tôi như thế”.

Ông bảo, kể từ cái ngày vợ đi đến giờ, ông lúc nào cũng như người mất hồn. Lúc tỉnh thì say, lúc ngủ thì lại bị giật mình ú ớ mơ gọi tên vợ. Cũng mấy lần ông định bụng sang đó tìm vợ, nhưng phần vì không có tiền, phần vì không hiểu ngôn ngữ nên lại thôi. Giờ ông chỉ biết làm bạn với chai rượu để quên đi xót xa.

Đau đáu "nạn dịch" bỏ chồng vượt biên

A Páo và A Lù chỉ là hai trong số rất nhiều người đàn ông chịu cảnh mất vợ ở xã Cốc Mỳ này. Theo ông Đặng Đức Cần, Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ cho biết, “cơn lốc mất tích” hiện đang tàn phá dữ dội ở miền quê nghèo vùng biên.

Nhiều đứa trẻ "bỗng nhiên mất mẹ".

“Cho đến nay, theo số liệu thông kê chưa đầy đủ xã Cốc Mỳ đã có hơn 30 trường hợp phụ nữ rời xa tổ ấm để đi tìm “thiên đường” mới cho mình. Theo nhận định của chúng tôi, phần lớn họ vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Trong số những chị “một đi không trở lại”, nhiều người đã có gia đình, thậm chí, có người lấy đã lấy chồng cả mấy chục năm, con cái đề huề đông đúc… Chúng tôi đang phải tìm mọi cách để chống lại “nạn dịch” đau lòng này”, ông Cần nói.

Rời ngôi làng được gọi bằng cái tên chua chát kia, hình ảnh những người đàn ông vật vã trong nỗi đau mất vợ không khỏi ám ảnh tôi. Thiết nghĩ, sau khi dã từ người chồng đầu ấp tay gối, bỏ lại cả những đứa con thơ dại những người phụ nữ đang dằng dặc nơi xứ người kia liệu có tìm được hạnh phúc như họ hằng mong? Thế nhưng, qua những câu chuyện, những cảnh ngộ bi thương mà chúng tôi góp nhặt ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Lào Cai thì dường như con đường dẫn đến "thiên đường sung sướng" của họ hẳn còn xa lắm!

(Theo Bưu Điện Việt Nam)