Năm 2022, Lạng Sơn có 9/11 huyện, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với 26 sản phẩm của 22 chủ thể tham gia trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Kết quả, 26 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh. Trong đó, 3 sản phẩm đạt 4 sao, gồm hoa hồi khô và tinh dầu hồi đến từ huyện Chi Lăng và chè Ngọc Thúy đến từ huyện Đình Lập. 

Lạng Sơn tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho 26 sản phẩm OCOP cấp tỉnh - Ảnh: Báo Lạng Sơn

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã trao giấy chứng nhận cho đại diện 22 chủ thể sản phẩm OCOP. Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP này sẽ có giá trị trong 36 tháng.

Được biết, đề án chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt ngày 13/8/2019. Để triển khai chương trình, UBND tỉnh đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và tổ tư vấn giúp việc nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình. Thời gian qua, công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai chương trình OCOP được chú trọng, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP cũng được đẩy mạnh.

Từ năm 2018 đến 2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh đạt trên 8,6 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách Trung ương trên 8,5 tỷ đồng, vốn của các chủ thể tham gia chương trình 110 triệu đồng), riêng trong năm 2021 là trên 2,2 tỷ đồng để hỗ trợ chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại sản phẩm…

Tính đến nay, tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh có tổng số 87 sản phẩm (trong đó có 67 sản phẩm đạt 3 sao và 20 sản phẩm đạt 4 sao).

Nhằm nâng tầm nông sản Lạng Sơn, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tập trung phát triển các loại sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao gắn với Chương trình OCOP. Việc phát triển các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa được cũng tập trung chỉ đạo. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái. 

Để phát triển các sản phẩm OCOP có tính bền vững, Sở Công thương Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp để kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường. Hằng năm sở cũng thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm, mở và tiếp tục mở rộng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn… Ngoài đẩy mạnh việc đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, các sàn giao dịch điện tử, sở cũng phối hợp với các sở ban ngành thành lập các trang web để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Hiện Lạng Sơn đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh tiêu chuẩn hóa trên 80 sản phẩm OCOP, trong đó có 40 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn.

M.M