Nhắc đến tơ lụa nổi tiếng của Việt Nam không thể không nhắc tới lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Một tấm lụa Việt theo năm tháng đi vào huyền thoại và thơ ca nhạc họa.

Người Bắc vẫn luôn tự hào rằng sở hữu làng lụa trứ danh, nơi vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng vốn có của vùng quê Việt ngay giữa lòng thủ đô đang phát triển và đô thị hóa.

Làng Lụa Vạn Phúc (hay có tên gọi khác là làng lụa Hà Đông) thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km.

Nét đẹp truyền thống ngay giữa lòng thủ đô

Được coi là "đặc sản" của người dân Hà Đông, làng lụa Vạn Phúc luôn thịnh tình đón khách thập phương ghé chơi và mua sắm. Ngay lối vào làng lụa, cổng chào to lớn, sừng sững rất nổi bật trên trục đường Tố Hữu.

Tiếp xúc với các nghệ nhân ở làng lụa Vạn Phúc mới giúp bạn cảm nhận được người dân nơi đây yêu và quý tấm lụa đến thế nào. Theo cô Thương (một nghệ nhân ở làng lụa Vạn Phúc) chia sẻ, để tạo ra được một tấm lụa tơ tằm truyền thống cần rất nhiều công đoạn cũng như thời gian và công sức.

Các bước mới nghe qua có thể khiến mọi người cảm thấy đơn giản nhưng thực hiện thành thạo và tạo ra được sản phẩm chất lượng thì cần sự tâm huyết và tình cảm. Từ kéo kén, guồng tơ, dệt tơ, nhuộm tơ,... trong bất cứ công đoạn nào đều phải hết sức tỉ mỉ và cẩn thận. Những người nghệ nhân luôn phải túc trực theo dõi 24/24 ngay cả ở những công đoạn máy móc thực hiện.

Là cái nghề, cái nghiệp mà "ông tổ" để lại nên đối với mỗi người dân ở làng Vạn Phúc, tấm lụa là kết tinh của trời đất, thắm đượm công sức, tài hoa của một người nghệ nhân. Chính vì thế, văn hóa và tấm lụa gắn chặt với tình cảm, lối ứng xử của người dân nơi đây.

{keywords}
Đây là những hoa văn mẫu sẽ được in và dệt trên những tấm vải của làng Lụa.

Chợ lụa Vạn Phúc "cần gì có đó"

Ghé làng lụa Vạn Phúc, sẽ thật thiếu sót nếu không dạo hết các gian hàng trong chợ lụa. Đây là nơi giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm lụa Vạn Phúc.

Theo quan sát, mỗi một cửa hàng lại có cách bài trí sáng tạo và không khí riêng, thế nhưng điểm chung tại khu chợ này đó là màu sắc luôn rực rỡ, tươi mới, các mẫu mã sản phẩm từ khăn, áo, quần, áo dài, cũng như rất nhiều sản phẩm trang trí được làm từ lụa.

{keywords}
Chợ lụa Vạn Phúc.

Ngày xưa, lụa Vạn Phúc chỉ may được áo cánh, áo sơ mi. Nhưng hiện tại, người nghệ nhân đã sáng tạo hơn khi biết kết hợp để may vest, các bộ váy hiện đại, hợp thời…

Chất liệu chính vẫn là tơ tằm nhưng để phong phú hơn thì đã có sự kết hợp với nhiều chất liệu vải khác để cho ra các dòng sản phẩm mới, có sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các kiểu sản phẩm mới mẻ được sáng tạo thêm kiểu dáng mà bạn có thể bắt gặp ở chợ lụa Vạn Phúc như khăn quàng, túi, chăn… với đa dạng mẫu mã.

{keywords}
Áo dài chắc chắn là sản phẩm không thể quên nhắc tới khi nói tới lụa Vạn Phúc. Các sản phẩm áo dài ở làng lụa khá đa dạng, có mẫu vài trăm nghìn nhưng có mẫu tới cả triệu. Tùy thuộc vào chất vải và độ tỉ mỉ trong hoa văn
{keywords}
Đơn cử như mẫu áo dài truyền thống được dệt hoa đào này có giá bán gần 20 triệu đồng và chỉ có duy nhất 1 chiếc.
{keywords}
Nón lá bọc lụa có giá bán 370.000 đồng/chiếc.
{keywords}
Túi lụa nhiều kiểu dáng. Loại nhỏ xách tay hoặc đựng tiền có giá dao động từ 112 - 650.000 đồng/chiếc. Loại to, vải đẹp, hoa văn thêu tay tỉ mỉ có thể lên tới hàng triệu.
{keywords}
Khăn lụa mỏng với cách thiết kế cực độc đáo. Có giá bán là 450.000 đồng/chiếc.
{keywords}
Thú cưng trang trí có giá khá rẻ, chỉ từ 30 - 120.000 đồng, tùy kích thước.

Đa dạng nhưng nổi tiếng nhất vẫn là lụa Vân

Loại lụa đắt tiền và cũng nổi tiếng nhất ở làng Vạn Phúc chính là lụa Vân. Theo cô Thương, loại lụa Vân này được chuộng bởi chất liệu mỏng mịn, không nhăn, không dạt sợi, có cả hoa nổi và hoa chìm.

"Dân gian vẫn có câu vải mịn mặt mát tay chính là để nói về vải Vân. Hoa nổi thì bóng mịn dễ nhìn thấy. Hoa chìm thì phải soi ra sáng mới nhận ra. Sắc màu trên vuông lụa Vân luôn biến đổi lung linh, đa chiều, đa sắc. Ðiều đặc biệt là để dệt lụa Vân, người thợ phải thao tác hoàn toàn thủ công với hai loại go dây và go võng thay cho một loại go dây như các loại lụa thường. Đây chính là điểm đặc biệt khiến lụa Vân nổi tiếng gần xa, là tinh túy của nghề lụa Hà Ðông", cô Thương cho biết.

{keywords}
Lụa Vân là tinh túy của làng lục Vạn Phúc.

Loại lụa Vân đang được bán ở làng lụa Vạn Phúc với giá 460.000 đồng/mét. Ngoài ra, ghé tới đây bạn cũng có thể mua được lụa ST tằm bóng, lụa se tằm, lụa tơ tằm đũi. Các sản phẩm đều dao động từ 230 - 550.000 đồng/mét.

Với chất lượng đã được khẳng định qua hàng trăm năm, lụa Vạn Phúc đã trở thành cái nôi trong làng lụa gấm trên cả nước. Vượt qua giá trị hàng hóa đơn thuần, nó trở thành biểu tượng của văn hóa, của vùng đất Hà Đông và của người dân Việt.

{keywords}
Một vài cửa hàng lụa cũng có chương trình giảm giá, đồng giá với những sản phẩm như áo lanh, áo dài đồng màu, đồ bộ. Chị em có thể quan sát để lựa chọn những sản phẩm ưng ý với giá tiền phải chăng.
{keywords}
 

 

Một số lưu ý khi bạn ghé tới làng lụa Vạn Phúc:

Ngoài phương tiện xe máy, thì bạn có thể đến thăm làng bằng xe buýt, Các tuyến xe buýt đến Làng lụa Vạn Phúc: 03, 07, 14, 20c, 25, 26, 31,32, 36, 50, 55, 79.

Thời điểm thích hợp nhất để bạn đến làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông mua sắm là vào buổi chiều tối những ngày cuối tuần. Khi đó, không khí cả khu phố sẽ rộn ràng, nhiều màu sắc hơn và cũng là một điểm gợi ý siêu tuyệt vời dành cho các bạn trẻ thích check-in.

Vào những ngày mồng một hay rằm hàng tháng, khi bạn đến tham quan mua sắm thì nên hạn chế mặc cả, vì nó mang ý nghĩa không hay với những người dân buôn bán.

Qua cổng làng vài mét có một điểm trông xe khá rộng, giá cả phải chăng 5,000 đồng/xe máy; 30,000 đồng/ô tô… Các bạn có thể gửi xe, đi bộ để tham quan mua sắm được thoải mái.

(Theo Nhịp Sống Việt - Tổ quốc)