Phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam 2003 - 2010 sáng nay (24/2) ở Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân nhắc nhở điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay khác trước rất nhiều nên những đòi hỏi của thanh niên cũng đang rất khác.
"Thanh niên bây giờ sống không thể thiếu môi trường giao lưu trên Internet, nếu lãnh đạo ít sử dụng Internet thì sẽ khó mà nắm bắt được suy nghĩ của thanh niên", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Cần có một "giao diện" mới nối Chính phủ với thanh
niên. Ảnh: CN |
“Nếu khoảng cách suy nghĩ đang ngày càng xa, có nghĩa là chính phủ đang ngày càng gặp bất lợi và không phát huy được sức mạnh của thanh niên cho công cuộc xây dựng đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới, Đoàn thanh niên cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào các diễn đàn trên mạng, cung cấp thông tin, giao lưu và chia sẻ để gần gũi và nắm bắt được những yêu cầu, đòi hỏi của thanh niên.
“Chúng ta cũng cần có một "giao diện" mới nối Chính phủ với thanh niên, phải có những cơ chế đối thoại hiệu quả hơn để Chính phủ nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của thanh niên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định, sau 7 năm triển khai, chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đã tạo chuyển biến tích cực trong tầng lớp thanh niên. Nhiều chương trình, dự án phát huy vai trò thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường cho họ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như việc xây dựng các chỉ tiêu phát triển thanh niên ở địa phương, bộ, ngành chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển thanh niên và điều kiện của địa phương, đơn vị nên tính khả thi còn hạn chế.
Ngoài ra, các giải pháp, lộ trình thực hiện còn chung chung nên kết quả đạt được chưa cao, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt, một số vấn đề bức xúc của thanh niên chưa được quan tâm giải quyết hiệu quả như tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, các điều kiện vui chơi giải trí của thanh niên còn thấp.
Ông Dĩnh cũng cho biết Bộ Nội vụ cùng Đoàn thanh niên sẽ sớm nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của thanh niên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng cũng đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành liên quan đầu tư lồng ghép triển khai, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong kế hoạch, mục tiêu các chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực mình quản lý.
Ngoài ra, cần tăng đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí để xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho thanh niên, tạo môi trường văn hoá lành mạnh cho thanh niên phát triển.
Theo ông Thưởng, thời gian qua, Đoàn thanh niên các cấp đã chủ động hơn trong việc tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với chính quyền để tạo cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của thanh niên.
“Thông qua việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn đã góp phần tạo nguồn cán bộ trẻ bổ sung vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Cao Nhật