Những khẳng định về động đất và an toàn đập thuỷ điện Sông Tranh 2 đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của lãnh đạo, chính quyền tỉnh Quảng Nam tại buổi báo cáo kết quả khảo sát động đất ở Bắc Trà My của đoàn khảo sát Viện Vật lý địa cầu và Bộ Xây dựng tổ chức chiều 12/9 tại TP Tam Kỳ.
Ông Trần Xuân Thọ - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam |
Buổi làm việc kéo dài hơn 4 tiếng với sự có mặt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam và các sở ban ngành, chính quyền các huyện hạ du đập thủy điện Sông Tranh 2 cũng như đông đảo cơ quan thông tấn báo chí.
TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, trưởng đoàn công tác thông báo kết quả khảo sát tại Bắc Trà My sau 5 ngày làm việc (từ ngày 8 đến 12/9).
Theo đó, từ ngày 17/8 đến 7/9, các trạm động đất ở TT- Huế và Bình Định và các máy gia tốc của BQL dự án Thủy điện 3 (đặt tại khu vực đập Sông Tranh 2) ghi nhận được 15 trận động đất, hai trận mạnh nhất vào 20h46 ngày 3/9 (4,2 độ Richter) và trận 9h27 ngày 7/9 (3,2 độ Richter).
Tại khu vực 5 huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Phước Sơn, đoàn khảo sát xây dựng được đường đẳng chấn động động đất. Theo TS Minh, các trận động đất mạnh đã gây nên chấn động cực đại là cấp 6 (theo thang MSK64).
Vùng chấn động cấp 6 (mạnh nhất đo được) kéo theo phương Tây Bắc - Đông Nam dài khoảng 20km, rộng khoảng 10km, bao cả khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2.
Vùng chấn động cấp 5 kéo dài khoảng 40km và rộng khoảng 20km, bao gồm các xã thuộc huyện Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức. Vùng chấn động cấp 4, bao gồm một số xã ở Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn.
Trận động đất lớn nhất 4,2 độ Richter ngày 3-9 gây chấn động lớn nhất là cấp 6, tương đương chấn động cực đại bởi trận động đất 3,4 độ Richter hồi tháng 11/2011.
Độ động đất lớn hơn, vùng chấn động rộng hơn. Gia tốc lớn nhất đo được ở vai trái của đập Sông Tranh 2 là 88,3cm/s2 trong khi ngưỡng gia tốc thiết kế của đập thủy điện Sông Tranh 2 là 150cm/s2. Đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu kết luận: “Các trận động đất không gây ảnh hưởng đến đập thủy điện Sông Tranh 2”.
Ông Lê Quang Thanh, Vụ phó Vụ Khoa học tự nhiên (Bộ KH&CN), khẳng định: “Khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 sẽ tiếp tục có động đất nhưng không thể vượt quá ngưỡng 5,5 độ Richter.
Bộ KH&CN đã có quyết định phê duyệt việc triển khai đề tài Nghiên cứu động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh và sắp tới sẽ lắp đặt 5 trạm địa chấn để theo dõi tình hình động đất, đánh giá xu thế hoạt động của động đất kích thích trong khu vực.
Phải mất 3-4 năm để triển khai nghiên cứu đề tài, xác định nguyên nhân cụ thể. Phải có một quá trình nghiên cứu dài lâu mới phân tích, so sánh đối chiếu và kết luận được.
Theo Viện Vật lý địa cầu, động đất khu vực thủy điện Sông Tranh chưa có dấu hiệu suy giảm về độ lớn cũng như về tần suất. Diễn biến này là bình thường như ở các khu vực thủy điện khác.
TS KH Ngô Thị Lư, thành viên đoàn khảo sát nói: “Sự hoang mang là do sự cộng hưởng của 3 yếu tố, rò rỉ nước, người dân kém hiểu biết và báo chí sử dụng thuật ngữ không chính xác”. Phát ngôn của bà Lư lập tức bị đông đảo lãnh đạo, cán bộ các huyện vùng hạ du đập Sông Tranh 2 kịch liệt phản đối.
Không thể chờ dân chết rồi đổ lỗi cho động đất
Theo chính quyền Quảng Nam, việc các nhà khoa học khẳng định động đất không ảnh hưởng đập Sông Tranh 2 là quá nhanh.
Đoàn chỉ khảo sát trong vòng 5 ngày, các trạm đo động đất chưa được lắp đặt và chỉ dựa trên số liệu trong thời gian ngắn từ các trạm của đập Sông Tranh 2. Trong khi đó, các thiết bị của đập Sông Tranh 2 chất lượng chưa đảm bảo, không đáng tin.
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, bức xúc: “Tôi khẳng định động đất ở đây là bất bình thường. Đến giờ chưa có trạm đo động đất ở Bắc Trà My mà khẳng định đập Sông Tranh 2 không ảnh hưởng là không thể tin được. Thiết bị của thủy điện Sông Tranh 2 thì chính người của đoàn khảo sát nói là vài chục triệu đồng không đạt chuẩn, rẻ tiền lại được đưa vào để đánh giá”.
Cùng quan điểm, ông Đào Bội Thuyên, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, cho rằng, không thể vội vã khẳng định đập an toàn được. Ngay như ở Hiệp Đức, xa công trình này vẫn cảm nhận rung chấn rõ ràng, người dân hoảng loạn; nếu xảy ra vỡ đập, Hiệp Đức không có lối thoát vì chỉ nằm ở cao trình 32m. Vấn đề đập đảm bảo phải có cơ sở khoa học nhất, chính xác nhất. “Nếu xảy ra sự cố vỡ đập thì người dân Hiệp Đức chỉ có nước trôi ra biển”, ông Thuyên nói.
Ông Trần Xuân Thọ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, cho rằng, niềm tin của chính quyền và nhân dân vào các nhà khoa học là có, nhưng tỏ ra lo sợ trước kết luận và những thông tin mà họ đưa ra.
“Những kết luận của các nhà khoa học hôm nay là rất khó tin vì chỉ mới khảo sát sơ bộ đã sớm kết luận. Việc nghiên cứu đề tài phải mất 3-4 năm mới hoàn thành, giờ nói đây là vội vàng quá. Động đất và đập thủy điện trên đầu hàng ngàn người dân làm sao yên được. Hãy đặt mình vào trường hợp là người dân cũng như cán bộ các huyện vùng hạ du xem có hoảng hốt không?”
Ông Thọ đặt câu hỏi: Tại sao công trình hàng ngàn tỷ xây xong lại có sự cố, rồi động đất mạnh, nay bảo đập Sông Tranh bình thường, lỡ mai này có chuyện ai chịu trách nhiệm? “Tôi khẳng định có sự thiếu trách nhiệm ở Sông Tranh 2. Chất lượng công trình đến đâu, an toàn mức độ nào phải nói dứt khoát. Đừng để đến khi dân chết lại đổ lỗi hết cho động đất. Dân hoang mang là đúng, báo chí thông tin lên tiếng kịp thời, đừng vội đem kiến thức của mình mà áp đặt lên người dân” ông Thọ nói.
Ông Thọ dẫn chứng trận lũ lịch sử năm 1964 làm chết hàng ngàn người sống dọc sông Thu Bồn để cảnh báo các nhà khoa học, các bộ ban ngành về việc thủy điện nằm trên thượng nguồn con sông này, phía dưới là hơn 1,5 triệu dân.
Ông Thọ cũng quả quyết nếu chưa đủ điều kiện, đề nghị UBND tỉnh kiến nghị không cho tích nước, nếu cần thiết chờ 3 năm nữa khi đề tài nghiên cứu xong xuôi có kết luận rồi mới cho tích nước. Thủy điện Hòa Bình mất 5 năm tranh cãi, hết một nhiệm kỳ Quốc hội rồi mới quyết định cho phép xây dựng.
Trả lời những thắc mắc, ông Lưu Thế Biểu, Phó trưởng BQL Xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khẳng định: “Đập không có vết nứt mà nước chỉ thấm qua khe nhiệt là hoàn toàn bình thường. Chúng tôi đã xử lý chống thấm tại các khe nhiệt được 99,9%. Động đất và việc sắp tới tích nước không ảnh hưởng đến an toàn đập”. Theo ông Biểu, trong ngày hôm nay (13-9), EVN, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng sẽ có buổi làm việc cuối cùng trước khi báo cáo Thủ tướng.
1% không an toàn cũng không cho tích nước
Ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nói rằng, việc các nhà khoa học đưa ra kết luận ban đầu là chưa thể khiến chính quyền địa phương an tâm và tin tưởng.
“Ai hỏi tôi đã tin chưa, tôi sẽ trả lời: Chưa tin. Mình không tin làm sao dân tin được, làm sao an được dân lúc này. Năm ngày khảo sát là quá ngắn để kết luận vấn đề lớn ảnh hưởng đến đông đảo người dân. Phải thật bình tĩnh, không được vội vàng kết luận. Nếu có gì sai sót phải nói rõ cho dân biết, càng sớm càng tốt”.
Ông Hải đề nghị các bộ ban ngành sớm làm rõ trách nhiệm việc thiếu thiết bị quan trắc động động dẫn đến chậm trễ trong khi mùa mưa lũ đang đến gần. Yêu cầu chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải có trách nhiệm và thái độ cầu thị khắc phục những thiệt hại ban đầu cho người dân.
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định: “Trách nhiệm với dân phải là hàng đầu. Nếu còn 1% không an toàn tỉnh sẽ kiến nghị không cho tích nước. Phải khẳng định 100% đập an toàn và động đất không ảnh hưởng, dân và chính quyền tin tưởng mới cho phép tích nước trở lại”.
Theo Tienphong