Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Giữa bối cảnh căng thẳng với Nhật và các quốc gia châu Á khác xung quanh tuyên bố chủ quyền hàng hải, ông Tập đã vạch ra một số nguyên tắc có khả năng định hình chính sách ngoại giao Trung Quốc, đồng thời tìm cách cân bằng giữa cam kết hòa bình và lời cảnh báo về sự "bất khả xâm phạm" tới Bắc Kinh.
Trọng tâm bức thông điệp là tuyên bố "các lợi ích quốc gia cốt lõi" của ông Tập - một kiểu sử dụng ngôn từ mang phạm vi rộng và khó xác định mà ông và nhiều quan chức cấp cao khác của Trung Quốc sử dụng để nói về lợi ích chủ quyền và an ninh.
“Không một quốc gia nào nên nuôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ thương lượng các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình", Tân hoa xã hôm thứ ba dẫn lời ông Tập nói trong cuộc họp bộ Chính trị Trung Quốc. “Họ cũng không nên nuôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ chấp nhận quả đắng trong việc làm tổn hại tới các lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển của mình".
Tuyên bố của ông Tập không đề cập tới tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông hay bất kỳ vấn đề đối ngoại cụ thể nào khác. Nhưng theo giới phân tích, thông điệp ông đưa ra có thể củng cố những khát khao chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc và khiến nước ngoài lo ngại rằng, ông sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề chủ quyền so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ông Hồ Cẩm Đào hiện vẫn là Chủ tịch Trung Quốc cho tới tháng 3, khi quốc hội nước này nhóm họp và thông qua đội ngũ lãnh đạo mới.
“Đúng, đó là một chính sách cứng rắn hơn, rằng chúng tôi không kinh doanh các lợi ích cốt lõi của mình", Thẩm Định Lực, giám đốc trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán Thượng Hải nói.
Bình luận của ông Tập không nói nhiều về chính sách của Trung Quốc, nhưng dường như ông "sẵn sàng" hơn so với người tiền nhiệm trong việc thể hiện lập trường về vấn đề lãnh thổ, Kim Can Dung, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc đánh giá.
Trong chuyến thăm Mỹ một năm trước đây, ông Tập cũng đã yêu cầu Washington "tôn trọng những lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc. Có nhiều tranh cãi những năm gần đây về việc xác định thế nào định nghĩa lợi ích cốt lõi liên quan tới chuyện Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan. Kể từ năm 2009, một số quan chức cấp cao Trung Quốc yêu cầu định nghĩa về các lợi ích này bao gồm các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng lớn hơn, trong khi những nhà cố vấn chính sách thì lập luận rằng, mở rộng khái niệm sẽ khiến Bắc Kinh vướng vào các tranh chấp vô ích và tốn kém.
Một vài tháng trước khi ông Tập trở thành lãnh đạo Trung Quốc, tranh chấp giữa Nhật Bản và Bắc Kinh ở Hoa Đông trở nên căng thẳng hơn. Đặc biệt kể từ tháng 9, nhiều cuộc biểu tình bạo động đã diễn ra ở các thành phố Trung Quốc kể từ khi Tokyo tiến hành mua một số đảo trong nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đề xuất gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc để tháo gỡ căng thẳng. Tuy nhiên, ông Abe khẳng định "không có thương thảo" về quyền kiểm soát hiện tại của Nhật với quần đảo tranh chấp.
Nhật Bản đã quản lý quần đảo này hơn một thế kỷ nhưng Trung Quốc cũng đưa ra khẳng định chủ quyền, và gần đây điều động nhiều tàu, máy bay chính phủ ra khu vực tranh chấp. Trung Quốc còn có tranh chấp với một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông.
Thái An (theo New York Times)