“Khi biết tin tôi lấy vợ, mọi người dị nghị ghê lắm, nhiều lời bàn ra tán vào. Có người còn bảo tôi đã già thế mà còn thế này thế khác. Tôi già rồi, còn ham muốn gì nữa. Tôi lấy vợ vì lương tâm thì đúng hơn”, ông Nguyễn Văn Thành (72 tuổi, trú tại Bãi Giữa sông Hồng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), người đàn ông “nhặt” được vợ kể.


Vượt qua dư luận

Chuyện ông Thành đi đánh cá rồi bỗng nhiên “nhặt” được vợ đã trở thành một sự kiện đặc biệt nhất của xóm Bãi Giữa ven sông Hồng này.

Cụ Trần Thị Thanh (81 tuổi), hàng xóm với ông Thành cho biết. “Thương nhau mà đến ở với nhau rồi nên vợ nên chồng không cưới xin gì ở xóm Bãi Giữa này từ trước đến nay đã nhiều trường hợp lắm rồi. Nhưng chủ yếu là người trẻ tuổi, chứ già ngoài 70 mà đi lấy vợ trẻ hơn mình đến mấy chục tuổi đầu như ông Thành thì ở xóm Bãi này mới là lần đầu”.

c
Ông Thành hơn bố vợ (ngồi ngoài cùng bên phải) 13 tuổi

Cũng theo cụ Thanh, xóm Bãi Giữa sông Hồng có hơn hai chục gia đình, trong đó phần lớn là những gia đình sống trên bãi, sống dưới nhà nổi ở sông chỉ có vài gia đình. Những gia đình sống ở nhà nổi gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống lênh đênh như con nước. Rất ít những cặp vợ chồng ở đây có đăng ký kết hôn hay cưới xin, mà chủ yếu là thương nhau rồi đến ở với nhau mà nên vợ nên chồng.

“Vợ chồng tôi sống với nhau có ba mặt con nhưng cũng chẳng có cưới xin gì. Thương nhau thì sống với nhau thôi. Ông nhà tôi đã mất cách đây hơn chục năm. Người ta thường bảo “bèo dạt thì dựa vào nhau mà sống”, ngẫm ra cuộc đời của chúng tôi như vậy thật.

Trường hợp ông Thành, người xóm Bãi này ban đầu bàn tán, dị nghị ghê lắm. Thậm chí có người “độc miệng” còn bảo: Sắp xuống đến miệng lỗ rồi mà còn… dê ”.

“Nhưng đó chỉ là hồi đầu thôi, sau thì mọi người cũng quen dần và không còn bàn tán. Ông Thành về ở xóm Bãi Giữa này cũng đã chục năm nay. Tuổi già, sớm hôm lủi thủi một mình kể cũng tội. Được cái ông ấy tốt tính, sống hòa đồng với mọi người nên ai cũng quý, mọi người cũng dần hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của ông” - cụ Thanh kể.

Bố vợ: “Cũng là do cái duyên cái số”

Hôm chúng tôi đến thăm cũng là lúc nhà ông Thành có khách. Vị khách hôm nay khá đặc biệt, chính là… bố vợ ông Thành. Đây là lần đầu tiên bố vợ đến thăm nhà con rể kể từ khi ông Thành và chị Thơm ở với nhau.

Nhìn ông Nguyễn Văn Thích, 59 tuổi (kém con rể Thành… 13 tuổi), quê ở xã Yên Sơn (Thanh Sơn, Phú Thọ) ngồi uống nước chuyện trò thân mật cùng con rể ít ai có thể nghĩ rằng trước kia chính ông là người phản đối “cuộc hôn nhân trái khoáy” này nhất.

Đôi chó bố vợ mang làm quà cho vợ chồng ông Thành

Ông Thích kể: Mới đầu, khi Thơm về nhà thưa chuyện và quyết định sống chung với Thành, ông đã tuyên bố thẳng thừng: “Từ nay mày đừng có bố con gì nữa cả. Tao không có đứa con gái hư hỏng như mày”. Nhưng sau khi biết chuyện “tác giả” của đứa trẻ trong bụng Thơm không phải là ông Thành và chính ông Thành đã cứu mạng sống con gái ông thì ông đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, ông đã đồng ý.

“Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều, bà con làng xóm cũng không ít người dị nghị. Nhiều người còn bảo con gái đôi mươi lấy ai không lấy lại đi lấy một ông già thuyền chài bằng cả tuổi ông mình. Thế khác gì là bông hoa lài cắm không đúng chỗ... Nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu được thôi. Cuộc đời con người cũng là do cái duyên cái số cả”, ông Thích tâm sự.

Lần đầu tiên xuống thăm cháu, ông Thích mang cho vợ chồng Thơm – Thành một đôi chó con để làm quà và “lấy cái giữ nhà”.

“Mấy lần trước có bà nó với hai chị gái cái Thơm xuống vì nghe tin cháu nó sinh. Bà nó xuống đỡ đần cơm nước với giặt giũ quần áo hơn một tháng rồi mới về, tôi phải ở nhà trông nhà, không đi được”, ông Thích nói như để giải thích cho lý do chậm trễ của mình.

Chiếc “nhà” nổi rộng khoảng gần 20m2 được ngăn ra làm ba gian: một gian làm phòng khách, một gian buồng ngủ và một gian bếp. Phía bên trong buồng, có tiếng trẻ con khóc và tiếng chị Thơm đang vỗ về nựng con.

Lúc tiễn chân chúng tôi lên bờ, ông Thành chỉ tay vào đám rau cải đang lên xanh non mơn mởn trên bãi khoe: “Trước kia chỗ này bỏ hoang, tôi già với lại cũng ngại làm. Từ ngày có nhà tôi về chỉ một mình nhà tôi làm đấy. Tự tay cuốc xới đất, gieo trồng, tưới tắm. Nay thành ruộng rau ngon lành rồi”.

Người đàn ông đã ngoài 70 tuổi nở một nụ cười độ lượng. Ẩn chứa trong nụ cười ấy là biết bao niềm vui, nỗi buồn và cả niềm hạnh phúc đi cùng với năm tháng thăng trầm của cuộc đời ông.

Theo Bee.net