Để nội lực trở thành năng lực nội sinh của nền kinh tế, cần có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế theo hướng bền vững phù hợp với sự phát triển kinh tế thế giới. Các khu công nghiệp, khu kinh tế - cửa khẩu đã góp phần rất lớn trong việc định hướng nền kinh tế quốc gia hòa nhập với xu hướng kinh tế thế giới.

Lào Cai là tỉnh biên giới phía bắc, việc phát triển kinh tế cửa khẩu góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Là một địa phương giàu tiềm năng về khoáng sản của cả nước, Lào Cai đã phát triển công nghiệp khai khoáng gắn với công nghiệp chế biến. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiêp, kinh tế cửa khẩu đã góp phần tạo đà cho Lào Cai phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch. Sự gắn kết khai khoáng với chế biến và xuất khẩu đem lại cho Lào Cai sự phát triển cân đối kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững. Tỉ trọng các ngành kinh tế trong tỉnh ngày càng hợp lý: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,32%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 40,44%; ngành dịch vụ chiếm 37,20%; thuế sản phẩm 9,04%.

Ảnh minh hoạ

Với thế mạnh là tỉnh có nhiều khoáng sản, năm 2022 giá trị sản xuất của ngành khai khoáng đạt trên 3 nghìn tỷ đồng, giá trị công nghiệp chế biến đạt trên 28 nghìn tỷ đồng. Đại hội đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI đã xác định sản xuất công nghiệp, chế biến và kinh tế cửa khẩu là 2 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025. Hoạt động của khu kinh tế và cửa khẩu Lào Cai những năm qua thực sự đã trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của tỉnh. Xác định tầm quan trọng trong sản xuất và xuất nhập khẩu, tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển hệ thống tập trung vào đầu tư thực hiện quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng, phát triển các dự án logictis tại khu kinh tế cửa khẩu.

Tính đến tháng 6 năm 2023, Khu kinh tế cửa khẩu và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thu hút được khoảng 190 dự án đầu tư (KCN Bắc Duyên Hải 64 dự án; KCN Đông Phố Mới 42 dự án; KCN Tằng Loỏng 29 dự án; Khu cửa khẩu Kim Thành 29 dự án; Khu Kinh tế 26 dự án) với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 31.000 tỷ đồng; Trong đó có 148 dự án đi vào hoạt động, 08 dự án đang triển khai xây dựng, 34 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định. Tạo việc làm ổn định cho 8.875 lao động trong các KCN với mức lương trung bình từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tính đến hết tháng 05/2023 đạt 8.241 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9.782.080 tỷ đồng, đạt 34% so với kế hoạch giao (kế hoạch là 28.400 tỷ đồng). Tổng trị giá hàng hóa xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu tính đến hết 31/5/2023 đạt 542,06 triệu USD, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 305,9 triệu USD, nhập khẩu đạt 158,6 triệu USD, các loại hình khác đạt 78,11 triệu USD) (Giá trị xuất nhập khẩu chưa bao gồm giá trị xuất nhập khẩu do doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện XNK tại các cửa khẩu khác ngoài địa bàn tỉnh và giá trị hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới), 6 tháng đầu năm ước đạt 651,43 tỉ đồng.

Tuy nhiên bên cạnh những yếu tố khách quan như: Ảnh hưởng của đại dịch covid-19, chính sách biên mậu, xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia... thì việc phát triển khu kinh tế công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu vẫn còn những khó khăn vướng mắc, như: Việc phân cấp, ủy quyền, phân định trách nhiệm cho Ban Quản lý khu kinh tế và khu kinh tế cửa khầu còn chưa rõ ràng từ phạm vi, ranh giới đến thẩm quyền giải quyết, do vậy dẫn đến còn chồng chéo chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm giải quyết giữa các ngành với Ban quản lý; Cơ chế thu và để lại phát triển khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp chưa thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Do vậy, để phát huy năng lực nội sinh của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu cần có những giải pháp căn cơ đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.

Trước hết, cần xây dựng đồng bộ luật về Khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu với các luật có quy định về Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu kinh tế - cửa khẩu cần phải hoàn thiện và đồng bộ, đảm bảo phân cấp cho các khu vực này thẩm quyền quyết định những vấn đề trong phạm vi giải quyết của các Ban quản lý; phân định rạch ròi giữa nhiệm vụ của các ngành, các cấp với nhiệm vụ của các Ban quản lý; Cần có quy định về tỉ lệ % để lại đầu tư phát triển hạ tầng khu vực cửa khẩu trong tổng mức thu của cửa khẩu, nhằm tạo động lực cho phát triển khu vực kinh tế năng động này. Việc phát triển bền vững cần chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất, đặc biệt có chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển các ngành công nghệ, giảm tỉ lệ gia công trong tỉ trọng sản xuất công nghiệp...

Phát huy năng lực nội sinh, tự bản thân nó đã trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo sự cân bằng trong tỉ trọng phát triển kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững. Các yếu tố nội sinh được khuyến khích, trong đó yếu tố sáng tạo là quan trọng nhất. Sức sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của thời đại ngày nay là phát triển công nghệ, nhất là công nghệ điện tử, công nghệ thông tin. Do vậy, cần có những chính sách, cơ chế để phát triển các ngành công nghệ hướng đến xuất khẩu, đó chính là sự đảm bảo cho phát triển bền vững của kinh tế - xã hội trong tương lai.

Ngô Quyền (Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai)