- Tết Nguyên đán đang cận kề, nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày và những khoản nợ khiến cuộc sống của những gia đình có lao động trở về từ Libya càng thêm khốn khó. Nhiều lao động về nước từ Lybia vẫn đang khắc khoải chờ đợi những đồng lương chính đáng mà họ vắt sức lao động suốt 3- 4 tháng trước khi xảy ra chiến sự...

Cuộc “Giải cứu lao động Lybia” đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành LĐTBXH năm 2011 với nhận định: sự thành công của chiến dịch đã bảo vệ an toàn tính mạng của người lao động.

Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTBXH cùng các doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động Lybia về nước trước hạn.

Mới đây, trong lễ tổng kết năm 2011 Bộ LĐTB&XH cho rằng người lao động đã được tạo việc làm trong nước cũng như đi tiếp ở thị trường khác. Thế nhưng gần 1 năm nay có khoảng 1000 lao động trở về tử Lybia vẫn đang khắc khoải chờ đợi những đồng lương chính đáng mà họ vắt sức lao động suốt 4 tháng trước khi xảy ra chiến sự.


Mòn mỏi chờ lương và hỗ trợ việc làm


Chúng tôi tìm về Nam Định đúng vào những ngày cận Tết, mặc dù năm hết Tết đến nhưng với một nhóm lao động từng “chung lưng đấu cật” trên công trường sân vận động Benghazi (Libya) thì năm nay “xem như không có Tết”.

Tết sắp đến rồi, chúng tôi mong được trả lương để có tiền lo Tết cho vợ nhưng tình hình này khó quá, gọi lên công ty thì họ trả lời đang liên hệ, chưa có kết quả gì”, anh Hoàng Văn Hưng ở Ý Yên, Nam Định cho biết.

Anh Hưng bảo, vì gia đình anh thuộc hộ nghèo nên sau khi về nước anh cũng mong muốn có được việc làm ổn định trong nước song “các anh trên công ty toàn gọi chúng tôi lên hỏi rồi lại cho về”.
Cận Tết, nhóm lao động Lybya ở Nam Định, Thái Bình vẫn chưa nhận được lương mà họ vắt sức lao động suốt 3- 4 tháng trước khi xảy ra chiến sự.

Anh Đoàn Văn Đức ở Đò Quan - Nam Định cho biết, khi làm việc tại công trường xây dựng sân vận động Benghazi thu nhập của anh khoảng 450 USD/ tháng. Do chủ sử dụng trả lương kiểu gối đầu, nên mặc dù tháng 1/2011 chiến sự mới thực sự bùng nổ song lương tháng 11 và tháng 12/2010 anh cũng như các anh em khác làm việc cho công ty Nalidco đều chưa được nhận.

Về nước, với khoản nợ vay lúc đi và gánh nặng phải lo cho gia đình có con nhỏ, anh Đức đành phải đi làm thợ nề với mức lương 70 ngàn đồng/ngày để lo cho cuộc sống gia đình.

Anh Đức bảo, sau khi về nước anh cũng hy vọng sẽ được đi XKLĐ trở lại ở một thị trường mới, nhưng chương trình Sở LĐTB&XH Nam Định đưa ra chủ yếu những thị trường tốn tiền và phải đi học lâu nên anh không thể đăng ký được, còn việc làm trong nước thì không được giới thiệu.

Cùng hoàn cảnh như anh Đức, anh Bùi Đức Hạnh ở Quang Trung,TP Thái Bình còn cho biết, anh đã nhiều lần lên công ty đòi lương và tiến hành thanh lý hợp đồng nhưng mỗi lần lên anh lại thất vọng ra về đến mức không muốn thanh lý hợp đồng.

"Ông Nguyễn Công Đoan, Giám đốc chi nhánh ISalco Hà Nội giục tôi ký thanh lý và bảo ký đi để về sau không còn thắc mắc gì với công ty nữa. Tôi không đồng ý vì lương còn nợ của chúng tôi 4 tháng, vì sao lại bảo thanh lý để không phải giải quyết nữa. Vì vậy chúng tôi chờ giải quyết xong nợ lương thì mới lên thanh lý hợp đồng”, anh Hạnh bức xúc.

Anh Hạnh cũng cho biết, nhiều lần tới Sở LĐTBXH đề đăng ký tìm việc làm nhưng người ở Sở cũng chỉ ghi tên rồi bảo về chờ đợi, nhưng cả nửa năm trôi qua cũng không có ai gọi anh lên đi làm hay được thông tin về việc tuyển dụng lao động từng đi Libya trở về trước hạn.

Rời Nam Định chúng tôi về huyện Kim Bảng (Hà Nam), nơi có khoảng 68 lao động đi làm việc tại Lybia phải về nước trước thời hạn, trong số này có rất nhiều người mới chỉ sang Lybia được 2 tháng và chưa nhận được đồng lương nào.

Anh Cao Văn Cộng xóm 6, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng cho biết, anh cũng là công nhân bị công ty Nalitco nợ lương. Khi về nước anh được công ty ứng cho 2 triệu cộng với 1 triệu hỗ trợ của nhà nước, ngoài ra tới nay anh vẫn chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ nào khác.

Gia đình khó khăn, trong khi Tết đến cận kề mà chúng tôi vẫn chưa được trả lương để còn có đồng ra đồng vào sắm Tết. Chúng tôi có hỏi công ty Việt Thắng thì được biết công ty đang nổ lực đàm phán với đối tác để có thể trả lương sớm nhất cho người lao động”, anh Cộng nói.

Gia cảnh anh Nguyễn Văn Lân ở xóm 2, Văn Lâm, thị trấn Quế, Kim Bảng, Hà Nam cũng chẳng khá hơn gì gia cảnh anh Cộng. Anh  Lân sang Lybia chưa được 2 tháng, lương chưa được nhận một đồng đã phải trở về.

Về nước với khoản nợ vay trước khi đi cùng khoản lãi mẹ đẻ lãi con ( do trước khi đi anh vay lãi suất ngoài chứ không vay được ngân hàng) anh Lân như kiệt quệ khi cùng lúc bố đẻ và con đẻ cùng phải nằm viện.
Nhóm lao động ở Kim Bảng Hà Nam cũng rất bức xúc vì sau khi về nước gần 1 năm họ vẫn chưa nhận được lương phía đối tác.

Vợ chồng tôi vì cái khó mà đang bất hòa, nợ cũ chồng nợ mới mà khoản tiền lương, công sức của mình bỏ ra ở xứ người như bị người ta quên lãng”, anh Lân bức xúc.

Cũng đang sống trong cảnh phải “khất nợ”, anh Nguyễn Mạnh Dũng ở thôn Anh Xá (Kim Bảng) cho biết, anh đang đi làm phụ hồ kiếm được khoảng 100 ngàn đồng/ngày trong khi lãi suất mỗi tháng phải trả khoảng 500 ngàn đồng.

Công ty thanh lý hợp đồng cộng với tiền hỗ trợ của nhà nước tôi được nhận về 7 triệu đồng, không đủ trả nợ vay xuất cảnh. 4 tháng lương thì bị công ty Nalidco nợ cũng mù mịt ngày được nhận. Với tình cảnh này tôi không biết bao lâu mới trả được hết nợ”, anh Dũng trăn trở.

Phải chờ

Về vấn đề người lao động Việt Nam bị đối tác nước ngoài nợ lương khi làm việc tại Libya, ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Bộ LĐTBXH đã gửi công hàm tới Bộ Lao động và An sinh Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị phối hợp giải quyết. Trong tháng 12, đoàn công tác của Bộ LĐTBXH cũng đã sang làm việc với Bộ Lao động và An sinh của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đang nợ lương của lao động Việt Nam làm việc ở Libya.

Các nhà thầu cho biết, hiện họ đang bị phía Libya nợ tiền nên chờ đến khi tình hình chính trị ở Libya ổn định trở lại, họ hứa sẽ tìm nguồn và tìm mọi cách trả hết lương đang còn nợ cho lao động Việt Nam.

Ông Thanh cũng cho biết, các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ rất có thiện chí giải quyết nợ lương cho lao động Việt Nam và cam kết sẽ trả hết số tiền còn nợ, tuy nhiên thời điểm như thế nào còn phụ thuộc vào... tình hình chính trị ở Libya.

Về tình cảnh khốn khó của lao động trở về từ Libya, ông Thanh cho biết, sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục rà soát, xem xét lại - tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể, nếu những lao động nào thực sự khó khăn sẽ đề nghị Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ kịp thời.

Vũ Điệp