Nóng lòng chờ hỗ trợ
Đã nhiều ngày nay, nhóm lao động quê ở tỉnh Vĩnh Phúc và Ứng Hòa (Hà Nội) sau khi đi XKLĐ từ Libya phải về nước trước hạn đã tập trung trước công ty Việt Thắng - chi nhánh Hà Nội đòi thanh lý hợp đồng.
Anh Nguyễn Văn Đạo (Vĩnh Phúc) cho biết, anh sang Libya làm việc chưa được 5 tháng và mới chỉ nhận được lương 2 tháng đầu, còn 3 tháng kế tiếp anh chưa kịp nhận thì xảy ra nội chiến nên phải sơ tán về nước.
Nhóm lao động ở Vĩnh Phúc và Ứng Hòa - Hà Nội tập trung trước trụ sở của Công ty Việt Thắng đòi thanh lý hợp đồng. |
Về nước sau hơn 1 tháng, anh Đạo cùng với một số anh em đã đến công ty Việt Thắng yêu cầu công ty thanh lý hợp đồng để mong được san sẻ gánh nặng nợ nần đang đè nặng trên vai, nhưng được lãnh đaọ công ty cho biết, phải chờ phương án hỗ trợ từ nhà nước thì công ty mới thanh lý được.
Anh Đạo than thở: “Chúng tôi biết đây là rủi ro không ai muốn, nhưng về nước đã hơn 1 tháng, khoản nợ tôi vay lúc đi vẫn còn nguyên chưa biết lấy đâu để trả. Nhiều lúc tôi muốn đi làm thợ xây ở tỉnh khác để lấy tiền trả nợ, nhưng cũng không dám đi vì sợ công ty gọi lại không có mặt. Chúng tôi chỉ mong công ty giải quyết sớm để chúng tôi có hướng còn lo kiếm việc làm để kéo cày trả nợ”.
Cùng là lao động về trong đoàn với anh Đạo, anh Đoàn Văn Luận (Ứng Hoà, Hà Nội) cho biết: Anh và một số anh em mới sang Libya được 2 tháng, làm được 1 tháng 5 ngày thì xảy ra chiến sự. Giờ về ngoài 1 triệu được lĩnh tại sân bay thì đến nay anh vẫn chưa nhận được thêm bất cứ hỗ trợ nào.
Anh Ngô Thế Liên, ở Vĩnh Phúc cũng không khỏi băn khoăn: “Chúng tôi về nước phần đông ai cũng gặp khó khăn do khoản vay nợ lúc xuất cảnh. Chỉ mong doanh nghiệp và nhà nước hỗ trợ chúng tôi lấy lại tiền lương và phần nào phí xuất cảnh thì cũng đỡ lo hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn nhà nước tạo điều kiện khoanh nợ cũ và hỗ trợ vốn đi mới để có tiền trả nợ và thoát khỏi khó khăn”.
Trước tình hình lao động tập trung trước trụ sở công ty đòi nợ, ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng cho biết: Tình hình bây giờ đã khá, bởi những lao động đi máy bay đã về nước được hơn 1 tháng và theo đúng cam kết thì chậm nhất là 2 tuần các DN sẽ phải tiến hành thanh lý hợp đồng cho người lao động. Nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa thể tiến hành thanh lý vì phải chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Thực tế, mới đây một nhóm lao động người Nghệ An, Hà Tĩnh đã kéo ra một công ty vận tải biển gây áp lực đòi công ty phải thanh lý hợp đồng. Một nhóm lao động khác cũng đã kéo tới chi nhánh của công ty N. tại Đốc Ngữ- Hà Nội đòi tiền lương và quậy phá trụ sở của đơn vị này khiến công an phường phải vào can thiệp.
Những ‘tín hiệu” không vui này khiến cho những DN có số lượng đông lao động như Việt Thắng hay Vinaconex như ‘ngồi trên đống lửa”.
Chưa có phương án hỗ trợ
Đến thời điểm này, người lao động mới chỉ biết là họ sẽ được thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật và được hỗ trợ thêm từ nhà nước và doanh nghiệp mà chưa được biết cụ thể sẽ được hỗ trợ mức bao nhiêu.
Trong khi các doanh nghiệp cũng chỉ biết “an ủi” lao động phải chờ đợi, vì nếu thực hiện thanh lý hợp đồng theo luật ngay thì sẽ rất nhanh chóng, chỉ cần làm đúng chính sách hiện hành, nhưng người lao động sẽ gặp khó khăn.
Sau hơn 1 tháng đi về nước, lao động Libya về nước vẫn chưa được thanh lý hợp đồng. |
Giám đốc của một doanh nghiệp đưa lao động đi Libya cho biết: Nếu theo luật, lao động sẽ chỉ được nhận lại tiền phí dịch vụ thu trước (khoảng 8 - 9 triệu đồng) và một khoản hỗ trợ của doanh nghiệp, cả hai khoản này khoảng 10 triệu đồng. Còn những khoản khác như phí môi giới (khoảng 500 USD/người) và tiền lương chủ sử dụng còn nợ người lao động đang là những khoản nợ khó đòi, bởi trong tình hình chiến sự hiện nay tại Libya, chủ sử dụng cũng như các công ty môi giới không thể thanh toán khoản tiền này cho doanh nghiệp Việt Nam để doanh nghiệp trả lại cho người lao động.
“Có một số chủ sử dụng tốt thì may ra có thể lấy lại được, còn tiền môi giới trong những ngày qua chúng tôi liên tục viết thư hỏi nhưng không được đối tác tác trả lời”, vị giám đốc trên cho biết.
Được biết, trong hơn 1 tháng qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) đã liên tiếp phải họp với các doanh nghiệp và các ban ngành chức năng để xây dựng một phương án hỗ trợ tối ưu, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có phương án cụ thể.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: Hiện Cục và các ngành đang thống nhất phương án hỗ trợ người lao động đi Libya về nước trước hạn và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khi được hỏi phương án thanh lý cụ thể, thì ông Quỳnh cho rằng: Chưa thể tiết lộ mà phải đợi được Chính phủ chấp thuận mới công bố.
Vũ Điệp