- Hơn 80 tuổi, nhiếp ảnh gia Quang Phùng vẫn hào hứng với những buổi chụp hình một mình. Ông bảo chừng nào đôi chân chưa mỏi, chừng đó ông vẫn còn muốn ghi lại khoảnh khắc trung thực của đời sống, của Hà Nội - mảnh đất ông yêu thương, gắn bó và có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh nhất.

"Giải thưởng lớn vì tình yêu Hà Nội" 2013 có ý nghĩa như thế nào với ông?

- Trong đời tôi mới chỉ có 1 lần đi thi và được huy chương vàng toàn quốc tác phẩm "Tóc mây". Lúc đó vinh dự và tự hào lắm bởi bức ảnh mang tính thời sự, chính trị. Nhân vật tôi chụp là một cô gái lai của trường múa mà bố cô ta là một hàng binh Pháp.

Còn với giải thưởng lớn vì tình yêu Hà Nội lần này tôi cũng rất vui. Người già hay có nhiều cảm xúc mà. Sự ghi nhận này sẽ là động lực để tôi - một ông già vẫn có thể mỉm cười và tiếp tục những tháng ngày men theo những con đường để đam mê với nhiếp ảnh.

{keywords}
Nhiếp ảnh gia Quang Phùng.

Một người đã có trải nghiệm chụp ảnh khác thế nào với nhiếp ảnh trẻ, thưa ông?

- Trước khi chụp, phải biết đã. Cái biết quyết định cái thấy. Nhiếp ảnh của chúng ta nhiều năm nay đi hơi chệch hướng. Nói thế mọi người sẽ rồ lên bởi chúng ta luôn thích tôn vinh nghệ thuật mà. Nhưng nói gì thì nói nhiếp ảnh phải gắn với đời sống.

Có một thực tế là nhiều nhiếp ảnh trẻ hiện nay sở hữu những chiếc máy ảnh xịn, có sự nhiệt tình và năng nổ. Nhưng để cho ra những tác phẩm thể hiện đẳng cấp thì lại quá thiếu. Quan điểm của ông ra sao?

- Nhiếp ảnh là khoa học trước khi là nghệ thuật. Hăng hái say mê một cách tự phát, nhưng nhiều người không nắm được những nguyên tắc bất di bất dịch trong ảnh. Con người là đối tượng số một của nhiếp ảnh. Xã hội càng ngang trái, bất công thì nhiếp ảnh càng phải trình bày ra.

Những khoảnh khắc tự nhiên, ánh sáng tự nhiên và không dùng kỹ xảo, không photoshop, không dàn dựng, những điều này mang lại tính chân thực mạnh mẽ cho những tác phẩm của ông. Ông có thể nói về quan niệm chụp ảnh của ông?

- Tôi tạm gọi mình là người chuyên nghiệp. Và tự coi mình là người tư duy độc lập. Tôi mới có mấy trăm bức ảnh rất hay gọi tên là "Những cuộc tình ven Hồ Gươm". Làm sao tôi tiếp cận được người nước ngoài yêu một cô Việt Nam? Làm sao để họ bộc lộ tâm tình, làm sao để họ thoải mái?..

Vậy thì trước khi tiếp cận rồi bấm máy tôi phải làm nhiệm vụ tinh thần tìm hiểu xem những người muốn kết hôn với phụ nữ Việt Nam họ phải làm gì, làm như thế nào?... Cái này trong nhiếp ảnh người ta gọi là văn hóa ứng xử phải cao. Người chụp ảnh cần phải có thần sắc. Thần sắc của anh có THIỆN không?... Nếu có thì nó thuận tiện cho công việc rất nhiều.

Tôi đã chụp hàng nghìn tấm ảnh xung quanh đề tài ma túy, người nghiện. Con người ta khi vào đường cùng nhìn tướng giỏi lắm. Những người nghiện họ sự nhạy cảm. Khi chụp người nghiện tôi phải chào và chụp bằng kỹ thuật một tay. Đôi khi cần phải có tính kiên trì nữa.

{keywords}
Nhiếp ảnh và chiếc máy ảnh quen thuộc.

Ví dụ tôi đi Mỹ, tôi áp dụng phương thức ứng xử cổ điển của Việt Nam: "Lời chào cao hơn mâm cỗ". Tôi chào một cậu nghiện với khuôn mặt niềm nở, mặt mũi sáng rực lên. Anh chàng đó hỏi: "Ơ, lão này, sao lão lại chào tôi? Lão định 'chơi' tôi à?". Đó, văn hóa của mỗi nước khác. Họ không thích chạm vào cái riêng tư.

Nếu không kiên trì, tôi sẽ sợ và bỏ cuộc nhưng tôi cứ ngồi gần anh chàng đó. Ngồi gần lắm và tôi đãi anh ấy bằng 10 nụ cười và gương mặt ngờ nghệch. Cuối cùng anh đó bảo "10 năm nay chả ai chào tôi nên tôi nghi ông ngay". Cuối cùng tôi vẫn làm thân được anh đó. Và khi tôi bám được anh ta thì đàn em của anh ta buông ra hết.

Lúc đó tôi phải chụp ảnh cho khéo. Chụp quét qua hay nói cách khác là chụp khi hai ánh mắt không tóe lửa nhìn nhau. Tôi giả vờ vung vẩy, không sành sỏi trong việc chụp ảnh.

Công việc nhiếp ảnh khó khăn đã rèn luyện cho ông những gì?

- Công việc này rèn cho đôi tay từ cách cầm máy đến tư thế chụp nhưng quan trọng nhất là chụp làm sao cho người ta không biết. Ngắm bằng mắt và đo khoảng cách bằng chân, cắt cúp đến đâu, tất cả bố cục hiện lên trong đầu tôi rõ ràng như trên màn hình vi tính vậy. Tôi chụp ảnh bằng mắt như thế cho đến khi tất cả đã xác định xong mới chờ khoảnh khắc để bấm máy.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2013 do Báo Thể thao văn hóa tổ chức vừa trao cho nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vì đã bền bỉ ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội hay những cảnh sống đời thường của Thủ đô, của Hồ Gươm... trong hàng ngàn bức ảnh có giá trị nghệ thuật cao, được giới thiệu tập trung trong triển lãm Hoa rơi trên mặt hồ hay cuốn sách song ngữ Dạo quanh hồ Gươm.

Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội: Bộ ảnh Hà Nội những năm 80 của thế kỷ XX của nhà ngoại giao Anh John Ramsden với hơn 1700 bức ảnh; Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội  được trao cho: Nhóm soạn thảo Đề án Xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội: "Công trình tìm kiếm các bằng chứng lịch sử, tổ chức vinh danh các liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại Chư Tan Kra (Kon Tum) của nhóm các cựu chiến binh trong Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 và Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) của nhóm "Tìm về nguồn cội của làng".

Sơn Hà