Nhiều người nói ông Hiền có cách làm giàu khác người...

Đưa xoài lên mạng

Tôi gặp ông nhân một chuyến công tác miền Tây cuối năm 2018. Khi về đất xoài xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), tôi được Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ngô Văn Dỡ giới thiệu: “Ông Năm Hiền là một trong những nông dân đầu tiên trồng xoài trên quy mô lớn, cũng là người đầu tiên tham gia mô hình “cây xoài vườn tôi” - đưa xoài lên mạng bán”.

{keywords}
Ông Võ Hữu Hiền coi xoài là bạn. Ảnh: Viết Anh.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông Năm Hiền là hình ảnh một nông dân Nam Bộ điển hình: Hiền lành, vô tư, cởi mở, hiếu khách và hướng thiện. Nhưng khi nói chuyện về xoài, tôi có cảm giác, những chia sẻ đó có thể kéo dài vô tận. Tôi hiểu, với ông, trồng và chăm sóc vườn xoài như là lẽ sống. “Hồi tôi còn nhỏ, vùng đất này chủ yếu trồng lúa, màu. Sau đó, ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhiều loại cây ăn quả bắt đầu bén rễ đất này, trong đó, cây xoài cho hiệu quả kinh tế cao nhất” - ông Năm Hiền chia sẻ.

Nhưng khi những nông dân khác còn đang thử nghiệm nhiều loại cây trồng thì từ năm 1994, ông Năm Hiền đã tìm hiểu và quyết định trồng xoài quy mô lớn, bởi ông nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở đây vô cùng lý tưởng với cây xoài, giúp xoài cho trái ngọt.

Nhưng hành trình đến với thành công không đơn giản như câu chuyện ông kể. “Những ngày đầu làm trái vất vả, cực nhọc lắm. Đến giờ, tôi vẫn không thể quên được vụ xoài năm 2000, năm đó nước ở đâu ập về nhiều vô kể, trong khi vườn xoài bắt đầu vào vụ, cơm áo của con cái trông cả vào đó. Tôi nhớ, khi đi chợ về thì nước đã tràn vào đến nhà, đê vỡ, xém chết, bởi nước đã dâng tới ngực, vậy mà lúc đó vẫn canh cánh lo cho đám xoài” - ông Năm Hiền nhớ lại.

“Sau cơn lũ, tôi nghĩ cây sẽ chết, bởi sau đó, tình trạng ngập lại tái diễn cùng con nước. Để cứu xoài, không còn cách nào khác, tôi mua đất, thuê xuồng chở về đắp đê bao, sau đó bơm nước ra. Thế mà trời thương, vườn xoài vẫn sống sót và hồi sinh sau cơn lũ. Năm đó, nhà tôi trúng mùa như trúng số, tổng thu nhập từ vườn xoài lên đến 120 triệu đồng, khi đó vàng mới có hơn 400.000 đồng/chỉ. Những cây xoài cứu gia đình tôi khi đó giờ vẫn đơm hoa kết trái, nên tôi phải tích cực chăm sóc chúng để trả nợ ân tình”.

Sau trận lụt đó, ông Năm Hiền tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng trái, cho xoài ra trái vụ để nâng cao thu nhập. Ông cũng là một trong những nông dân đầu tiên ở Mỹ Xương tham gia mô hình “Cây xoài vườn tôi” - mang xoài lên mạng bán. “Thời đại công nghệ, nông dân muốn làm giàu cũng phải tự thay đổi. Giờ vườn xoài của tôi đã được đánh số, mã hóa, bà con gần xa chỉ cần lên mạng, bấm chuột, đặt mua từng cây, tôi sẽ có trách nhiệm chăm sóc, thu hoạch, giao sản phẩm đến tận nơi” - ông Năm Hiền nói.

{keywords}
Cây xoài số 066 ông Năm Hiền tặng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Viết Anh.

Rồi ông dẫn chúng tôi ra cây xoài đã được đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt mua và cười hỉ hả: “Thủ tướng rất ấn tượng với mô hình này, nên tôi càng phải chăm sóc xoài tốt hơn để góp phần bảo vệ, phát triển thương hiệu xoài Cao Lãnh”.

Hiểu xoài như… bạn

Ngắm nhìn vườn xoài mướt xanh, lúc lỉu những trái vàng căng mọng, đợi đến giáp tết là xuất vườn, tôi thắc mắc về kỹ thuật chăm sóc loại cây vốn được đánh giá là khó tính, ông Năm Hiền khẳng định chắc nịch: “Mình hiểu nó, nó hiểu mình. Tôi vẫn hay nói với bạn bè: Xoài nó cũng biết nói chuyện, tuy không nói được tiếng người nhưng chúng thể hiện qua màu lá. Ví dụ, một cây cho bao nhiêu trái một năm, sức của cây chỉ đến vậy, cho trái thêm sẽ uể oải, mình phải quan tâm, coi nó cần gì, phải thăm nom, hỏi han cây thường xuyên. Khi cây thể hiện được màu lá mới là lúc đó nó “ok” rồi đó”.

Đến giờ, ông Năm Hiền khá hài lòng với vườn xoài rộng 1,5ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm, giúp ông có thu nhập ổn định, lo cho con cái có sự nghiệp. Rồi ông lại mê mải kể cho chúng tôi nghe cách chăm sóc xoài. “Vì khai thác cả 2 vụ, cây bị lấy nhiều dinh dưỡng nên rất “mệt mỏi”, do đó, khi chăm cây, phải cắt cành tạo nhánh, mật độ dày thì cắt bớt, xem lại gốc để tính toán lượng phân bón, nếu đất bị chai, phải cuốc gốc để phân dễ tan và ngấm, đợi khoảng 10 ngày cho phân tan và đủ độ ẩm để bộ rễ đâm chồi mới, trong giai đoạn đó phun thuốc trừ sâu bảo vệ lá non, chồi non. Thấy màu lá trở lại màu đỏ, rải thuốc Bắc nhằm khống chế bộ rễ, chờ hình thành mầm hoa, 40-50 ngày sau, lá xanh trở lại, cây ra hoa thì pha thuốc tưới hoa đồng loạt. Hai tháng sau cây đậu trái thì loại bỏ dần các trái xấu, trái hỏng, để trái vừa phải, cân đối, trái đẹp nhất thì bao vô, chờ đến ngày thu hoạch” – ông Năm Hiền chia sẻ kinh nghiệm.

{keywords}
Ông Năm Hiền coi những trái xoài là bạn, có thể hiểu được tiếng nói của cây qua màu lá. Ảnh: Viết Anh.

Bây giờ, khi đã giao vườn cho con trai quản lý, ông vẫn đau đáu với cây xoài, vẫn truyền kinh nghiệm cho con: “Giờ tụi nhỏ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, nhưng tôi vẫn nhắc chúng về cái tâm huyết chăm cây, chăm trái, đừng ỷ lại vào kỹ thuật”.

Nhờ vườn xoài, ông Năm Hiền có điều kiện lo cho 4 người con yên bề gia thất, có việc làm ổn định, duy nhất anh con trai thứ hai tiếp quản lại vườn xoài của ba. “Con tôi giờ chăm xoài, có mối khách ổn định, cứ thế mà sống khỏe thôi” - ông kể.

Chính vì vậy, ông Năm Hiền có điều kiện đi làm từ thiện. “Tôi có một đoàn làm từ thiện khoảng 14 người, cứ theo các địa chỉ nhân đạo mà chương trình “Nhịp cầu nhân ái” của Truyền hình Đồng Tháp cung cấp để đến thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ. Đoàn chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con để họ tự vươn lên thoát nghèo” – ông hào hứng kể.

Chia tay vườn xoài bốn mùa mướt xanh, đều đặn 2 vụ ra trái vàng ươm, căng mọng, chia tay người nông dân Nam Bộ chân chất, tôi tin, đất xoài Cao Lãnh sẽ còn phát triển, trái xoài xứ này sẽ còn vươn xa hơn nữa nhờ những cách làm mới, nhờ những nông dân tâm huyết như ông Năm Hiền. Với người Cao Lãnh, xoài không chỉ là cây chủ lực, cho tiền đầy túi, xoài còn là… bạn.

(Theo Dân Việt)