Ngày 6/8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng đã ký quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.


{keywords}

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Theo kế hoạch, thời gian thực hiện kiểm tra, giám sát từ 15/8 đến ngày 30/9.

Đoàn công tác số 1 do ông Ngô Văn Dụ, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯĐảng, Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ, Phó trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn. Đoàn làm việc tại Thanh tra Chính phủ và TP Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác số 2 do ông Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, ủy viên Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn. Đoàn làm việc tại Hà Nội và Hải Phòng.

Trưởng đoàn công tác số 3 là ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo, Trưởng Ban Nội chính TƯ. Đoàn sẽ làm việc tại Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

Đoàn công tác số 4 do ông Trương Hòa Bình, Bí thư TƯ Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ủy viên Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn. Đoàn làm việc tại Cần Thơ và Đồng Nai.

Trưởng đoàn số 5 là ông Nguyễn Hòa Bình, ủy viên TƯ Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ủy viên Ban chỉ đạo. Đoàn làm việc tại Hải Dương, Hưng Yên.

Đoàn công tác số 6 do ông Huỳnh Phong Tranh, ủy viên TƯ Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, ủy viên Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn. Đoàn làm việc tại Đắk Lắk, Bình Thuận.

Đoàn công tác số 7 do ông Nguyễn Văn Hiện, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội, ủy viên Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn. Đoàn làm việc tại các tỉnh Cà Mau, An Giang.

Trước đó, ngày 5/8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ban hành kế hoạch về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện hạn chế, yếu kém trong hoạt động thanh tra vụ việc, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án của các cơ quan chức năng; những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, trước mắt tập trung những vụ án và một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm; qua đó kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Theo kế hoạch, nội dung kiểm tra, giám sát gồm kiểm tra, giám sát việc phát hiện, thanh tra và xử lý sau thanh tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Kiểm tra, giám sát việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng ở TƯ, các vụ việc, vụ án tham nhũng do Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo; Kiểm tra, giám sát việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng ở địa phương.

Về tổ chức thực hiện, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình, kết quả phát hiện, thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng; những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực hoạt động của ngành, địa phương mình theo nội dung Đề cương kiểm tra, giám sát, kèm theo thống kê theo mẫu. Báo cáo tập trung những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm.

Ban Nội chính TƯ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, triển khai thực hiện và tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát, báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo để trình Bộ Chính trị trước ngày 30/11.

Theo TTXVN