- Thiếu cơ chế bảo vệ nên tâm lý người dân vẫn lo ngại, nể nang, sợ bị trù dập khi tham gia góp ý cho MTTQ địa phương trong việc giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư. Dù vậy, hơn 3.100 đơn giám sát và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân là kết quả khả thi để MTTQ căn cứ kiến nghị tiếp tục mở rộng giám sát.

Bộ Nội vụ, UB TƯ MTTQ Việt Nam sáng nay phối hợp tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi thành luật MTTQ Việt Nam và 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 05 giữa Chính phủ và MTTQ về việc ban hành quy chế “Mặt trận tổ quốc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”.

Thiếu chế tài, giám sát bị xem nhẹ

Vai trò giám sát của MTTQ là một trong những nội dung được đề cập nổi bật khi tổng kết 10 năm thực hiện luật MTTQ Việt Nam. Không mang tính quyền lực như giám sát của Đảng và của bộ máy công quyền, nhưng MTTQ được coi là lực lượng giám sát xã hội mang tính nhân dân với hơn 50 văn bản quy phạm pháp luật quy định cho vai trò, nhiệm vụ quan trọng này.

Phó Chủ tịch MTTQ TP.HCM Phạm Văn Hải: Giám sát ở cơ sở thường bị "xem nhẹ"

Nhưng theo Phó Chủ tịch MTTQ TP.HCM Phạm Văn Hải, qua triển khai thực hiện tại địa phương, giám sát ở cơ sở thường bị "xem nhẹ", sự hiểu biết về vị trí, vai trò, trách nhiệm giám sát của MTTQ đối với chính quyền còn rất hạn chế, với người dân lại càng hạn chế hơn. Trong khi khối lượng phải giám sát đồ sộ thì nghịch lý là cán bộ chuyên trách có trình độ, năng lực thiếu, lại khó khăn trong thu hút nhân lực.

Giám sát không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân nên trong 4 năm qua, giám sát được cụ thể hóa thành quy chế thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố. Quy chế “MTTQ giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư” theo đó được triển khai với những kết quả khả thi song cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, qua thí điểm thực hiện, có hơn 3.100 đơn giám sát và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân. Nội dung đơn thư phần lớn tập trung phản ánh, phát hiện những vi phạm về quản lý đất đai, liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, quản lý trong xây dựng, biểu hiện tham nhũng… Số còn lại đề cập đến tư cách, phẩm chất đạo đức, thái độ đảng viên, cán bộ, công chức của chính quyền cơ sở trong việc tiếp xúc giải quyết công việc của dân.

Nhưng thực tế ở một số nơi, UB MTTQ cấp xã và Ban công tác mặt trận còn lúng túng trong việc phân công, phối hợp trách nhiệm thực hiện các hoạt động giám sát. Có nơi, Ủy ban MTTQ cấp xã và tổ chức thành viên còn nể nang, e ngại, chưa tin tưởng cao vào hiệu quả giám sát, thậm chí còn có tư tưởng ngại va chạm, sợ bị trù dập, trả thù, vì vậy có nơi sự việc vi phạm đã rõ ràng nhưng UB MTTQ cấp xã chưa dám kiến nghị.

Do thiếu những quy định, cơ chế cụ thể về phạm vi, đối tượng, chế tài thực hiện giám sát cộng với tâm lý nể nang, sợi bị trù dập, đã khiến cho việc thực hiện quy chế gặp nhiều khó khăn, kết quả hạn chế.

Kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ VN phải được thể chế hóa thành một chế định trung tâm của luật MTTQ
Góp ý sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch MTTQ TP.HCM cho rằng cần làm rõ việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước là những cơ quan nào cụ thể như đối với cơ quan dân cử, cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tư pháp, nội dung và hình thức giám sát ra sao, cần có quy định những biện pháp chế tài đối với những đối tượng chịu sự giám sát của MTTQ nếu không trả lời kiến nghị hoặc trả lời không đạt yêu cầu.

Ngoài ra cần bổ sung nội dung phản biện xã hội và quy định cơ chế cụ thể để MTTQ các cấp thực hiện công tác phản biện xã hội.

Đại diện MTTQ tỉnh Hà Giang cũng cho rằng cần phân biệt các hoạt động giám sát của Đảng, cơ quan công quyền và MTTQ để tránh chồng chéo, lấn sân. Cơ bản, chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ VN phải được thể chế hóa thành một chế định trung tâm của luật.

MTTQ Việt Nam đã kiến nghị chính thức bổ sung vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam vào luật MTTQ, mong muốn có những quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng giám sát, cơ chế, điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát, trình tự thủ tục giám sát và trách nhiệm phúc đáp của cơ quan có thầm quyền...

Tham dự và phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị MTTQ Việt Nam và các cấp tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, trong đó chú trọng thiết lập cơ chế bảo vệ người giám sát, tiếp tục tổng kết thí điểm thực hiện quy chế giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư để đề xuất với Ban Bí thư mở rộng thực hiện trong phạm vi cả nước, tăng cường năng lực cho cán bộ MTTQ cấp cơ sở, xem xét tham mưu cho dự án sửa đổi luật MTTQ cuối năm 2013.

Linh Thư - Ảnh: Lê Anh Dũng