Hết mời thầy về trụ sở công ty, nhà riêng cúng lễ, các chủ DN lại rủ nhau lập đoàn, hội đi lễ sau một năm mất ăn mất ngủ vì kinh doanh sa sút, thậm chí thua lỗ, nợ nần.
“Công nghệ” góp lễ
4h sáng ngày 16 tết, sáu chiếc xe hơi đã đậu thành đoàn trước trụ sở DN chế biến thực phẩm Anh Đức trên phố Yên Phụ - Hà Nội. Từng thùng hoa quả, bia, lễ lạt vàng mã được bê ra chất đầy lên hai chiếc xe bẩy chỗ. Vài phút sau, đoàn xe xuất pháthành trình dâng lễ về đền Củi thờ vọng ông Hoàng Mười (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Anh
Nguyễn Xuân Đức, giám đốc Công ty Anh Đức thành tâm chia sẻ: “Năm qua không riêng Anh Đức mà các DN chế biến thực phẩm xuất khẩu đều làm ăn khó khăn. Đơn hàng của chúng tôi giảm mà khách hàng cũng khó tính hơn nên chủ yếu làm ăn cầm chừng, giữ khách”.
Vốn làm ăn với nhau nhiều năm nên anh Đức và các bạn hàng từ cả Hải Phòng, Quảng Ninh rủ nhau làm chuyến xuất hành đi lễ đầu năm.
Anh Đức chia sẻ thêm: “Kinh doanh thực phẩm xuất khẩu vốn đã không dễ dàng bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe nên bạn hàng ở châu Âu rất khó tính. Năm qua, kinh tế châu Âu cũng nhiều khủng hoảng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh doanh của chúng tôi. Mấy anh em bạn hàng quyết định dâng lễ lớn mong một năm làm ăn dễ thở hơn”.
Lễ lớn mà anh Đức nhắc đến là gần 30 thùng, két các loại hoa quả, bánh kẹo, bia rượu và vàng mã được đặt riêng theo “chỉ đạo” của thầy có uy tín.
Để lễ thật sự có “hiệu quả”, đồ lễ được đặt mua, làm và sắp xếp theo quy trình chặt chẽ: lễ dâng ban nào, đền nào, phủ nào đều có công thức riêng, đầy đủ và đúng món. Anh Đức bật mí, số tiền chung lễ và tiền đặt lễ, nhờ thầy theo cúng lên đến gần 200 triệu, chia đều cho 5 doanh nghiệp.
Ngày 10 tết, các đệ tử của thầy An ( Hoàn Kiếm, Hà Nội) hẹn nhau cùng tập trung đi một vòng các đền, phủ từ Ninh Bình vào tới Hà Tĩnh. Chị Hà Thị Oanh, chủ thương hiệu thời trang Oanh Kin (Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong những người tổ chức chính.
“Năm nào thầy cũng tổ chức cho các đệ tử là dân kinh doanh đi riêng. Năm nay, thầy đặc biệt chú trọng bởi chúng tôi làm ăn đều bê bết. Chuẩn bị từ mùng 4, chúng tôi có một nhóm làm công tác tổ chức từ xe cộ đến đồ lễ.
Chị Oanh cũng tâm sự, mặc dù tiền nong eo hẹp do làm ăn khó khăn song mọi người đều bảo nhau cố gắng “theo” cho chu tất. “Chúng tôi thường khoảng gần 30 người. Ước mỗi người cũng độ trên dưới 10 triệu góp chung, còn lễ riêng thì tùy tâm”, chị Oanh không dấu diếm.
Méo mặt vì… theo lễ
Đầu năm, người kinh doanh tấp nập đi lễ theo thầy, theo đoàn là chuyện không hiếm. Có khi đi cả đoàn trăm ô tô. Riêng lễ sắm cũng đã lên đến vài trăm triệu, chưa kể tiền công đức, bố thí.
Tò mò hỏi thăm mấy DN đi cầu cúng, được biết để theo đoàn hành hương đi lễ của thầy có điều kiện rõ ràng, góp lễ bao nhiêu, đóng góp ăn uống, xe cộ thế nào. Với những đệ tử không có xe riêng, thầy tổ chức thuê xe cho đi theo đoàn.
Một DN khẽ kể: “Nhiều người cũng đang đuối lắm, vay mượn tùm lum nhưng thầy bảo rồi nên phải nghe, không có cũng cố mà góp để cả năm thầy còn lo liệu phần lễ lạt tâm linh cho. Đã tham gia thì mọi người như nhau, tiền sắm lễ, tiền dâng giọt dầu đến tiền chi phí chuyến đi khoảng gần 20 triệu một người”.
Anh Trần Văn Hải, chủ doanh nghiệp xây dựng Hải Tiến (Đông Anh. Hà Nội) năm 2012 đã tạm ngưng hoạt động, theo thầy đã nhiều năm, thầy nói năm nay anh phải sắm lễ riêng, dâng nguyên một bàn trong ba ngày ở đền Mẫu (Yên Bái).
Tuy đi cùng đoàn nhưng những người cần dâng lễ riêng như anh Hải theo lời khuyên của thầy không ít, chủ yếu là những doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng khó gỡ. Để được dâng lễ và hầu một giá tại đền Mẫu vào ngày 12 tết, anh Hải chi phí ngót ngét 100 triệu mà tiền theo anh Hải phân trần là “chủ yếu lấy của anh em, bạn bè rồi tính sau”.
Chị Lê Lan Hương (Trương Định, Hà Nội) kể: “Hôm mùng 6 tôi đi lễ chùa Bái Đính có cảnh mà ai đi lễ cũng phải đứng lại xem. Nguyên một dàn lễ gần 20 mâm lễ đầy ngút, sang trọng của đoàn Phật tử nghe nói là doanh nghiệp ở Nam Định, cúng lễ suốt từ khi chúng tôi đến rồi về gần 2 tiếng vẫn chưa song”.
Chị Hương nhận thấy lễ lạt sang trọng, có tới hai thầy cúng thay nhau làm lễ song trên gương mặt chủ nhân các mâm lễ, ai nấy đều lo lắng, căng thẳng. Có lẽ, đây là cách duy nhất trong những ngày đầu năm mà các doanh nhân muốn làm để bắt đầu một năm vẫn báo hiệu đầy khó khăn bươn chải trên thương trường.
Mai Hoàng