Giải pháp này được Bộ NN-PTNT đưa ra trong báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Bộ NN-PTNT, dịch Covid-19 dự kiến còn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội; việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, bước sang tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương đang phải giãn cách.

Riêng về rau củ quả, trong tháng 8, ước tính sản lượng ở phía Nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn, còn nhu cầu tiêu dùng chỉ 500.000 tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: xoài 40 nghìn tấn; chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn, nhãn 40 nghìn tấn, dứa 30 nghìn tấn, mít khoảng 10 nghìn tấn...

{keywords}
Khoảng 75.000 tấn sầu riêng sẽ cho thu hoạch trong tháng 8 (ảnh: Mạnh Khương)

Để giải quyết vấn đề ùn ứ nông sản, Bộ NN-PTNT đề nghị thiết lập điểm tập kết hàng hoá tạm thời. Nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối, tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến.

“Đặc biệt, cần thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hoá, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16”, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Bộ này đề xuất tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (ViettelPost, VNPTPost), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet... ); hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ.

Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội (phụ nữ, đoàn thanh niên) xây dựng chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Cùng các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logictics, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Ngoài ra, Bộ NNN-PTNT cũng yêu cầu các địa phương cần thống kê số liệu, thông tin về sản lượng, diện tích, thông tin về mùa vụ sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của từng địa phương trên cả nước để cung cấp cho các đơn vị truyền thông; đồng thời theo dõi, nắm bắt điểm nóng tiêu thụ, chủ động phối hợp với địa phương xây dựng kịch bản tiêu thụ; Tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT thông xây dựng kế hoạch cho các nông sản chủ lực, đặc sản của địa phương theo mùa vụ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử trong tình hình dịch Covid-19.

T.A

80.000 tấn nhãn miền Tây vào vụ, chiến dịch trong tình thế đặc biệt

80.000 tấn nhãn miền Tây vào vụ, chiến dịch trong tình thế đặc biệt

Sóc Trăng, Đồng Tháp đang tìm cách tiêu thụ cho gần 80.000 tấn nhãn đang vào mùa thu hoạch nhưng bị khó khăn do giãn cách chống dịch Covid-19.