Chiều 21/7, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê chủ trì cuộc họp về Đề án tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị Covid-19 nặng trong bối cảnh số ca mắc mới tăng rất nhanh.

Bộ Y tế dự kiến lập 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia và gần 30 trung tâm hồi sức tích cực của vùng với mục tiêu chủ động cấp cứu, hồi sức tích cực, giảm tỉ lệ tử vong.

5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia đặt tại 5 bệnh viện lớn trên cả nước, bao gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TPHCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM). Mỗi trung tâm có 500-1.000 giường bệnh.

{keywords}

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM đang vận hành với quy mô 1.000 giường, trong đó có 100 giường ICU. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài ra, gần 30 bệnh viện được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm hồi sức tích cực của vùng, mỗi trung tâm 50-100 giường bệnh.

Trước mắt, các trung tâm này sẽ phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, sau này sẽ được sử dụng để điều trị các bệnh lý không lây nhiễm khác.

Theo ông Khuê, đề án lựa chọn phát triển các trung tấp hồi sức lớn trên cơ sở các bệnh viện có sẵn trang thiết bị và nhân lực cao để giảm thời gian sửa chữa, mở rộng, kịp thời đưa vào hoạt động để cứu chữa các bệnh nhân.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động..., với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.

Các địa phương phải chuẩn bị ngay phương án huy động toàn bộ các bệnh viện tuyến quận, huyện; bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tỉnh; bệnh viện tư nhân, bệnh viện của các bộ, ngành, trường đại học… để thu dung và điều trị cho nhóm bệnh nhân vừa và nặng.

Bộ cũng yêu cầu phải lắp bổ sung đủ hệ thống cấp oxy, có sẵn sàng các bồn oxy lỏng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này. Đồng thời, chủ động rà soát và bảo đảm nhân lực, danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân… để sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch gia tăng tại các địa phương.

Các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 tối thiểu phải có hệ thống oxy trung tâm, thiết bị và nhân lực để thực hiện được kỹ thuật thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao.

Tại các bệnh viện đa khoa tuyến hạng một trở lên, ở khoa Hồi sức tích cực tối thiểu bố trí 50 giường và sẵn sàng mở rộng 100 giường, với hệ thống oxy trung tâm, đào tạo nhân lực để thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu... để tiếp nhận, cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Các bệnh viện tuyến trung ương cần củng cố, mở rộng khoa Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng, nguy kịch khi vượt quá năng lực tuyến dưới, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

Tính đến tối 21/7, số ca mắc Covid-19 tại nước ta đã vượt 68.000 bệnh nhân và hiện còn hơn 55.000 bệnh nhân đang điều trị. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó y tế TP.HCM đang chịu gánh nặng rất lớn khi có hơn 36.000 bệnh nhân đang còn điều trị. Thành phố đông nhất nước đã phải thành lập tới 12 bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân.

Thúy Hạnh

 

TP.HCM cho phép F0 đủ điều kiện được cách ly tại nhà

TP.HCM cho phép F0 đủ điều kiện được cách ly tại nhà

Các trường hợp F0 mới phát hiện và không có triệu chứng lâm sàng, có kết quả xét nghiệm RT-PCR có tải lượng virus thấp và hội đủ điều kiện được xem xét cách ly tại nhà.