Việc lát đá 11 tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội sẽ khiến cho nét cổ kính nơi này bị mất đi, chuyển sang con đường Tây hóa.

Đừng biến phố cổ Hà Nội thành phố cổ châu Âu

UBND quận Hoàn Kiếm vừa đề nghị Thành phố cho triển khai lát đá mặt đường tại 11 tuyến phố, với mục đích đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng, thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống tại khu phố cổ.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ngày 10/8, KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội cho biết: "Phố Tạ Hiện hiện nay đã được lát đá và đưa vào sử dụng, chúng ta vẫn biết biện pháp lát đá là biện pháp sử dụng lâu dài, thế nhưng nó quá hiện đại so với vẻ cổ kính của phố cổ. Thêm nữa, lát đá là việc làm của các nước phương Tây, thành cổ nước Áo họ làm đường lát đá rất nhiều nơi nhưng đồng bộ. Hà Nội trước nay chủ yếu là lát gạch. Nếu bắt chước họ chúng ta sẽ biến phố cổ Hà Nội thành phố cổ châu Âu".

Về vấn đề kinh phí, theo ông Đức, việc đùng đá granit rất đắt, khối càng nhỏ, giá càng cao. Trong bối cảnh hiện nay, kinh phí còn nhiều thứ để có thể làm thì Hà Nội cần phải cân nhắc tới hiệu quả.

"Đừng để vừa mất tiền, vừa mất đi sự cổ kính, mất đi giá trị không gian, tinh thần được phản ánh qua nhiều nét dạng, trong đó chính là sự phản ánh bằng vật liệu" - KTS Ngô Doãn Đức nhấn mạnh.

Ông Đức đề xuất, nếu sau này những tuyến phố cổ chỉ dành riêng cho người đi bộ, cấm tất cả các loại xe thì khi đó có thể lát gạch Bát Tràng có lẽ phù hợp hơn, gần gũi hơn với người Việt Nam.

Lát đá là phạm Luật Di sản

Trong khi đó, cũng chia sẻ với Đất Việt, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Hà Nội cho biết: "Đối với phố cổ HN - di tích lịch sử cấp Quốc gia khi có đề xuất hay bất kể dự án nào thì cũng phải tuân thủ theo quy chế, quy định của Nhà nước".

Theo Quyết định số 6398 của UBND TP Hà Nội năm 2013 về việc ban hành quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, tại Điều 4 có nêu rõ: Khu phố Cổ là di tích lịch sử cấp Quốc gia có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử.

Chính vì thế, phải bảo tồn, tôn tạo các giá trị về cấu trúc không gian của Khu phố Cổ, các công trình di tích tôn giáo tín ngưỡng, nhà ở truyền thống và các công trình có giá trị xây dựng trước 1954.

Bảo tồn nhà ở truyền thống theo hình thức và cấu trúc không gian nhà ống, với các lớp công trình có sân trong xen kẽ; có mái dốc lợp ngói. Bảo tồn không gian phố nghề, phố chuyên doanh, thương mại dịch vụ truyền thống.

Bên cạnh đó, thực hiện theo đúng các quy định của Luật Di sản Văn hóa và các văn bản pháp lý liên quan. Đặc biệt, 11 tuyến phố UBND quận Hoàn Kiếm xin lát đá nằm trong khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp I.

{keywords}

Phố Tạ Hiện được lát đá

Trong khu bảo vệ tôn tạo cấp I phải giữ gìn hình ảnh và phong cách Khu phố Cổ truyền thống, bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, các di tích lịch sử - văn hóa.

Các công trình được phép cải tạo, xây dựng mới phải trên cơ sở phục dựng kiến trúc gốc trước năm 1954 (nếu có), hoặc theo không gian và phong cách kiến trúc đặc trưng tiêu biểu Khu phố Cổ.

"Tất cả đã có quy định cụ thể, nên tất cả cứ tuân theo đúng như quy định đã có để làm", ông Nghiêm nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa VN đánh giá: “Đây không phải là câu chuyện nâng cấp, tu bổ, sửa chữa đường phố bình thường, mà là câu chuyện về khoa học bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Phố cổ Hà Nội đã trở thành di tích lịch sử, văn hóa; trong đó, đường phố là một thành tố quan trọng của di sản đó.

Vì vậy, sự can thiệp một cách duy ý chí, suy nghĩ phiến diện, một chiều, chỉ thấy cái lợi trước mắt... sẽ làm mất đi giá trị của di tích. Theo tôi, cần phải rất thận trọng trong việc lát đá. Quan điểm của tôi là không nên “tạo” ra cái không có thật của di tích, vừa vô nghĩa vừa tốn kém!”.

Theo Báo Đất Việt