Mua phải hàng trôi nổi

Đúng 6g30 sáng 24/5, năm chiếc xe du lịch đỗ xịch trước cổng Nhà Văn hóa P.3, Q.3, TP.HCM để đưa 160 cụ già về TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đây là chuyến tham quan hoàn toàn miễn phí, không giới hạn số lượng, do Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ thương mại Phát triển Miền Tây (gọi tắt là Công ty Miền Tây) “ưu ái” dành cho các cụ già thuộc Hội Người cao tuổi P.13.

Thế nhưng, trở về từ chuyến đi gói gọn trong một ngày, các cụ đều thảng thốt, không hiểu vì sao lại móc túi hàng triệu đồng để đưa cho công ty và nhận lại những sản phẩm trời ơi.

Sáng 25/5, sau cuộc điện thoại hẹn gặp, bà N.T.C. - 61 tuổi - mở cửa đón chúng tôi với gương mặt ủ dột. Bà bắt đầu kể bằng tiếng thở dài: “Chán quá con”. Sau đó, lôi từ góc nhà ra cho chúng tôi xem những món đồ như bếp hồng ngoại, chảo chống dính, nồi đa năng, máy mát-xa cầm tay mua được từ chuyến du lịch hôm qua, bà C. kể: “Tổng số tiền tôi bỏ ra mua những thứ này là gần 6 triệu đồng. Giờ thì con cái không cho tôi đem cái nào ra dùng hết”.

Người con trai của bà đứng kế bên giận dữ nói chen vào: “Cái bếp hồng ngoại tối qua thử cắm vô ổ điện nổ cái tách, mẹ còn chưa sợ hay sao mà còn đòi dùng?”. Như để chứng minh sự giận dữ “đúng đắn” của mình, anh mở nắp từng sản phẩm, bực bội gằn từng tiếng: “Đó, cái nồi đa năng này mẹ dùng thế nào? Không món nào mẹ mua có một tờ giấy ghi thông tin bảo hành, cách sử dụng, nhà sản xuất thì dùng làm sao được”.

{keywords}
Một nạn nhân mất gần 5 triệu đồng để mua những sản phẩm về không dám sử dụng

Phần lớn các sản phẩm mà các cụ già  mua được trong chuyến du lịch “0 đồng” đều không nhãn mác, xuất xứ, không một tờ giấy hướng dẫn sử dụng. Đặc biệt hơn, sản phẩm nào cũng đều có bao bì cẩn thận, sáng bóng, in hình rất đẹp của những thương hiệu lạ có, quen có như Chiwon, Lucky House…

Bà Đ.T.L. - 60 tuổi, một nạn nhân khác của chuyến đi - bức xúc: “Bực nhất là lúc giới thiệu sản phẩm, họ nói rằng mình mua xong, được miễn phí đổi trả, nhưng làm gì có chuyện đó. Khi chương trình còn chưa kết thúc, tôi tranh thủ mở bao bì ra xem, phát hiện cái nồi nướng đa năng hai tầng mình vừa mua có một đường gỉ sét, tôi mang trả nhưng các nhân viên của đoàn rất khó chịu, nói “ai bán thì tìm người đó đổi, trả”.

Tôi tìm hoài không thấy người dẫn chương trình. Các nhân viên thấy tôi tội quá mới hỏi có muốn đổi ngang một món hàng nào khác như chảo chống dính hay đèn pin không, tôi không chịu, vì mua cái nồi với giá 1.650.000 đồng mà những món “đổi ngang” khác có giá chưa đến 200.000 đồng”.

Chỉ trong một ngày tổ chức chuyến du lịch “0 đồng”, Công ty Miền Tây đã thu về khoảng 450 - 500 triệu đồng nhờ bán được các mặt hàng gia dụng. Trung bình, mỗi cụ già phải bỏ khoảng 4 - 5 triệu đồng để mua các sản phẩm của họ. Chưa kể, khi đem những gì mà các cụ mua được (hàng không rõ xuất xứ) so sánh với giá trên thị trường thì số tiền các cụ phải trả cao cấp 2 - 3 lần sản phẩm cùng loại của thương hiệu nổi tiếng.

Trong quá trình giới thiệu và chào bán sản phẩm, rất nhiều nhân viên của công ty chia nhau đứng “canh me”, nhắc nhở các cụ không được mở điện thoại. Trước đó, ngay khi bước vào hội nghị, người dẫn chương trình đã kêu gọi: “Các bác giúp con đừng quay phim, chụp ảnh. Hàng này là hàng Việt Nam chất lượng cao, lỡ thông tin lọt ra ngoài, Trung Quốc hoặc các nước khác bắt chước làm hàng giả, hàng nhái thì tiêu… Việt Nam mình đó ạ”.

Đánh vào lòng tham

Bà Trần Thị Phấn Hương - Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi P.3, Q.3, trưởng đoàn của chuyến đi - kể về lịch trình mà phần lớn thời gian dành cho việc tổ chức hội nghị của Công ty Miền Tây.

Theo đó, sau 3 giờ xe chạy, khoảng 10g, đoàn khách được công ty “thả” xuống Bãi Sau, TP.Vũng Tàu tắm biển. Đến khoảng 11g, cả đoàn được đưa về nhà hàng thuộc một khách sạn để dùng cơm trưa.

Ngay sau bữa cơm, tất cả được mời vào một hội trường gần đó để dự hội nghị kéo dài hơn 4 giờ. Trong khi, theo cam kết mà Công ty Miền Tây đã làm việc cùng lãnh đạo Hội Người cao tuổi P.3 trước đó, sau bữa cơm sẽ là chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc và game show vui nhộn, chia sẻ các phương pháp kinh doanh và phát triển công ty. Thực tế, trong hơn 4 giờ “hội nghị”, công ty chỉ tổ chức giới thiệu và chào bán các sản phẩm gia dụng.

{keywords}
Trên mỗi giấy mời, Công ty Miền Tây không quên nhắc các cụ mang theo tiền dù là chuyến đi miễn phí

Mở đầu, người dẫn chương trình đưa ra chiếc đèn pin được rao với giá… 2,9 triệu đồng. Mọi người chê đắt bởi thoạt nhìn, chiếc đèn pin hiệu Chiwon trên tay MC cũng chỉ để chiếu sáng. Lập tức, MC tuyên bố: “Chất lượng phải thế nào mới có giá đó chứ, phải không các bác?”.

Để chứng minh, anh dành 5 phút để nói đến công dụng của chiếc đèn: chỉ cần cắm sạc trong 5 phút là sử dụng được liên tục từ 4 - 8 giờ, ánh sáng không gây đau mắt và “bao” luôn mọi va đập. Sau đó, MC chốt hạ: “Đúng giá phải 2,9 triệu đồng nhưng thật ra con bán chỉ 290.000 đồng/chiếc thôi ạ”. Lúc này, số người giơ tay mua đã lên đến hàng chục, người mua được các nhân viên Công ty Miền Tây mang trao sản phẩm tận tay, đựng trong những chiếc hộp bắt mắt, đồng thời phát cho mỗi người một phiếu đánh dấu.

Tiếp tục chương trình, MC tiết lộ một bí mật bất ngờ: sẽ tiếp tục giảm giá thêm một lần nữa cho những ai đã mua chiếc đèn này, nhưng theo sự… hên xui dành cho mỗi người. Theo đó, người này nhờ các nhân viên thu lại các phiếu đã phát, đồng thời trao trả cho mỗi cụ một phong bì, bên trong chứa 50.000 - 150.000 đồng. Như vậy, mỗi chiếc đèn pin mà các cụ mua đã được giảm giá còn 150.000 - 240.000 đồng.

Trước sự hào hứng của hơn 160 cụ, MC tâm tình: “Sở dĩ có giá này là nhờ công ty con đó ạ! Chẳng những công ty đài thọ miễn phí chuyến đi, mà còn trích hẳn một số tiền rất lớn để trợ giá cho các bác được mua các sản phẩm không thể rẻ hơn”. Thậm chí, anh ta còn ngẫu nhiên chọn ra một, hai cụ già để trả lại đủ 290.000 đồng đã mua chiếc đèn pin, nói rằng các cụ là những “người được chọn”, sẽ sớm trở thành đối tác của công ty và được công ty tài trợ những chuyến du lịch quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước sắp tới.

Thông qua chiêu thức cùng lý do “trợ giá” này, các sản phẩm khác như nồi đa năng, máy nấu sữa, máy xay thịt, nồi cơm điện đã được bán với giá… trên trời. Nhưng càng về sau, số suất được “trợ giá” càng ít: tới chiếc nồi đa năng hay những sản phẩm khác có giá cao hơn, họ không trả lại phong bì nữa và chỉ chọn một người được tặng.

Theo các nạn nhân, sở dĩ họ không mấy nghi ngờ chất lượng của từng món hàng đã mua là do trên bàn hội nghị, MC đã chứng minh tính năng vượt trội của sản phẩm, như thả chảo chống dính, nồi cơm điện cho rớt xuống đất hoặc đập vào tường mà không bị móp méo, hư hỏng. Chỉ đến khi chương trình sắp kết thúc, MC biến mất, các cụ mới có thời gian mở xem những món đồ của mình.

Theo bà Phấn Hương, người dẫn chương trình đã sắp đặt để cả khán phòng không ai có thời gian kiểm tra sản phẩm mình vừa mua: “Hết sản phẩm này đến món hàng khác được giới thiệu cực kỳ thu hút, chẳng ai muốn bỏ lỡ lời nào của MC”. Hơn thế, với mỗi sản phẩm, công ty chỉ mang theo vài chục cái, không đáp ứng đủ nên MC chọn bán cho người nào mang theo đủ tiền mặt, khiến mọi người nhao nhao mượn tiền nhau để mua.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Quang - Chủ tịch Hội Người cao tuổi P.3, Q.3 - cho biết, chương trình du lịch “0 đồng” này do Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi Q.3 đưa xuống cho các phường, đã thực hiện thành công ở một số nơi khác nên ông không dám từ chối. Công ty Miền Tây mới được thành lập, có địa chỉ ở khu phố 7, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty này chỉ đại diện tổ chức chuyến đi dựa trên sự tài trợ kinh phí của một số công ty sản xuất hàng gia dụng. Lấy danh nghĩa hỗ trợ chuyến đi miễn phí cho người cao tuổi để qua đó học hỏi, rút kinh nghiệm cách điều hành tour du lịch dành cho người lớn tuổi trước khi bán tour ra thị trường, Công ty Miền Tây đã giúp các công ty gia dụng nói trên bán sản phẩm cho khách hàng của mình.

Ông Quang mong rằng, người dân sẽ tự rút ra bài học cho mình, đồng thời các tổ chức và chính quyền cần cân nhắc hơn để tránh tiếp tay cho việc bán hàng trá hình.

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)