- Giả danh người mua hàng rồi lợi dụng sơ hở của chủ nhà để chôm chỉa, lấy cớ hỏi đường nhằm cướp tài sản…là những chiêu trò của một số đối tượng lừa đảo tại TP.Hồ Chí Minh.

Giả danh cán bộ vào nhà dân lừa đảo

Tại khu làng đại học Quốc gia quận Thủ Đức, một số đối tượng giả làm cán bộ phát thuốc diệt ruồi muỗi, khử trùng nước để lừa tiền người dân. Các đối tượng này thường nhằm vào nhà nào chỉ có người già và trẻ em.

Bà Nội, ở gần Làng đại học, cho biết: “Tôi mới ở quê vào chăm cháu. Một hôm thấy có người phụ nữ ăn mặc lịch sự tới hỏi tôi có đăng ký xịt thuốc diệt ruồi muỗi không, nếu có thì đóng 500.000 đồng. Lúc đó con trai tôi đang ngủ ở trên lầu nên tôi bảo với người phụ nữ chờ một chút để tôi đi gọi con dậy đóng tiền thì người đó vội ngăn lại và bảo để lúc khác quay lại rồi vội vàng đi mất. Khi con trai dậy mới nói cho tôi biết đó là những đối tượng lừa đảo, làm gì có gói thuốc khử trùng mà thu tới mấy trăm ngàn”.

Vờ mua hàng, trộm đồ chủ nhà

{keywords}
Nguồn: Internet

Chị Thủy, quận Thủ Đức mở cửa hàng bán sim, cad điện thoại thường xuyên bị các đối tượng giả vờ hỏi mua sim cad rồi trộm luôn mà không trả tiền, chị nói: “Thời gian đầu vì chưa cảnh giác nên chúng tôi thường xuyên bị lừa, sau vì gặp nhiều trường hợp như vậy nên tôi có thể nhận biết về những hành vi lừa lọc của bọn họ. Những đối tượng này thường vào yêu cầu cho xem sim trước khi mua, họ mặc cả rồi chọn tới chọn lui, mỗi sấp sim họ lại luồn vào trong tay áo vài cái một cách tinh vi, nếu không tinh mắt thì rất dễ bị mất”.

Một người dân bán tạp hóa ở làng đại học cho biết thêm: “ Trường hợp lừa đảo ở đây thường xuyên xảy ra lắm, có những người bị lừa một lần rồi mà lần sau vẫn bị chúng nó lừa, hành vi của bọn chúng rất tinh vi, khó có thể nhận ra được. Nạn nhân ở đây chủ yếu là các tạp hóa, hay cửa hàng sim cad điện thoại”.

Vờ hỏi đường để cướp tài sản

{keywords}
Nguồn: Afamily.vn

Chị Hợp, quận 12, TP.HCM là một trong số người từng bị kẻ cướp điểm danh nhưng bất thành. Chị kể lại: “Tôi cùng một người bạn đang trên đường đi làm về, khi dừng đèn đỏ thì có một thanh niên bên cạnh hỏi đường, thấy người ta hỏi, tôi cũng nhiệt tình chỉ. Cho đến khi bạn tôi chạy xe ở đằng sau gọi tên làm tôi giật mình, lúc ấy mới tá hỏa thấy mình đang đứng trên vỉa hè thay vì chạy xe dưới đường, còn chìa khóa xe của tôi thì đang trong tay người thanh niên kia. Tôi vôi vàng giật lại chìa khóa rồi cùng bạn chạy thẳng. Không hiểu anh ta đã dùng thủ đoạn gì nhưng nếu hôm đó không có bạn đi cùng thì e là chiếc xe của tôi đã biến mất rồi”.

Nhận là người quen của nhà vắng chủ bẻ khóa trộm tiền

Chị Thanh, Hóc Môn vẫn chưa hết day dứt khi kể về câu chuyện đã xảy ra cách đây mấy tháng khi chị bị hai đối tượng lừa đảo để vào nhà hàng xóm thực hiện hành vi trộm cắp: “Tôi nhớ hôm đấy là buổi trưa, tôi ra ngoài phơi đồ thì thấy hai người trung niên đang mở khóa cổng của nhà hàng xóm, lúc đó chủ nhà đi vắng, thấy người lạ, tôi lại hỏi thì họ nói rằng là người quen ở xa mới vào, được chủ nhà đưa chìa khóa để vào nhà nghỉ ngơi. Thấy họ nói đúng tên của vợ chồng chủ nhà nên tôi đã không nghi ngờ gì và trở vào ngủ trưa. Chiều hôm ấy mới tá hỏa khi biết rằng nhà hàng xóm của mình đã mất một khoản tiền tương đối lớn và hai người lạ mặt kia chính là kẻ cướp”.

“Tôi cảm thấy rất day dứt với hàng xóm, vì quá chủ quan nên mới bị lừa như vậy. Từ đó tôi đã rút ra bài học cho mình không nên tin tưởng bất kỳ một người lạ mặt nào nữa”, chị Thanh nhấn mạnh.

Nguyễn Mai