Bệnh nhân thứ 17, N.H.N. (26 tuổi, trú tại 125 phố Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) như một ngòi nổ sau khi kết thúc chuỗi 22 ngày không có ca nhiễm mới ở Việt Nam.
Cũng từ lúc này, Việt Nam liên tục công bố những ca nhiễm mới. Con số liên tục nhảy 18, 19, 20, 21… Đáng trách hơn cả, khi bệnh nhân 17 nhiễm bệnh lại không khai báo dẫn đến nhiều người lây nhiễm theo mà sau này nhiều người gọi là "hội chứng bệnh nhân 17".
Khu vực cách ly tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận |
Từ sự thiếu ý thức của N., đã có 17 người bị lây bệnh từ cô và hàng trăm người khác phải bị cách ly, cô gái bị chỉ trích gay gắt.
Người thứ 2 là bệnh nhân thứ 34, bà Đ.T.L.Tr (một doanh nhân ở Phan Thiết, Bình Thuận). Tổng số người lây nhiễm từ bệnh nhân 34 lên tới 9 người.
Việc khai báo không trung thực, nhỏ giọt gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, cách ly những người từng tiếp xúc với bà Tr. gần đây khiến dư luận rất bức xúc.
Theo luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM), việc những người trở về từ vùng dịch, thuộc đối tượng nghi nhiễm (như trường hợp BN số 34 và 17), nhưng không tuân thủ các qui định về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, gây ra hậu quả cho xã hội, cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm minh để làm gương chung trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc" hiện nay.
Nếu đối tượng lúc đầu khai báo dịch tễ rõ ràng, đi đâu, tiếp xúc với ai, để cơ quan chức năng xử lý thì sẽ giảm thiệt hại.
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đối với những trường hợp trước khi phát hiện ra mình có bệnh mà gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người mà vô tình lây nhiễm bệnh cho nhiều người thì không bị coi là có tội.
Bởi ý chí chủ quan của người đó không biết mình có bệnh, không nhằm mục đích truyền bệnh cho ai. Còn nếu phát hiện ra mình có bệnh mà không tuân thủ những quy định về ý tế (cách ly) mà đi tiếp xúc với nhiều người, sau đó truyền bệnh cho những người đó, làm bệnh dịch lan rộng thì cấu thành tội phạm.
Trong trường hợp, trước khi phát hiện mình có bệnh có tiếp xúc với nhiều người. Sau đó biết mình có bệnh nhưng không khai báo trung thực gây ra hậu quả làm bệnh dịch lây nhiễm cho cộng đồng thì cần xem xét.
Bệnh nhân biết và buộc phải biết những quy định của y tế, của các cơ quan chức năng cách ly nhiều vòng để kiểm soát bệnh như: F1, F2... nếu khai báo không trung thực tiếp xúc với nhiều người để hậu quả dịch bệnh lây lan cho nhiều người thì cần xem xét trách nhiệm hình sự.
Nhưng vấn đề phải chứng minh được người đó tiếp xúc với những ai và người tiếp xúc có bị bệnh hay không?