Từ nhỏ tới lớn, tôi luôn tâm niệm không bao giờ lấy chồng tỉnh lẻ. Bởi, tôi nghĩ
nếp sống ở quê không hợp với gia đình tôi. Nhưng, cuối cùng, tôi đã phải thừa
nhận mình sai.
Tôi sinh ra ở thành phố. Bố mẹ tôi và ông bà tôi cũng sinh ở thành phố. Về đời
xa hơn, tôi không rõ nhưng theo những gì tôi biết thì ít ra, nhà tôi cũng có 3
đời sống ở thành phố. Cả họ nhà tôi tất thảy đều là cán bộ, đi làm cho nhà nước.
Vì thế, từ nhỏ, tôi đã thầm tự hào về gốc gác của mình. Tôi tự cho mình là “quý
tộc”, là con nhà trí thức.
Tôi rất ngại lấy chồng tỉnh lẻ. Tôi vốn lá ngọc cành vàng, chẳng mấy khi ra
khỏi thành phố. Vì thế, tôi sợ lấy chồng xa, một năm vài ba bận phải về quê thăm
bố mẹ, họ hàng nhà chồng thì mệt mỏi lắm.
Thêm nữa, tôi cũng không quen cảnh sống ở quê, nhà thì mái ngói, lắm ruồi muỗi,
lợn kêu ụt ịt ngay bên cạnh, gà vịt đi lại tung tăng ở sân. Tôi thấy sống vậy
mất vệ sinh lắm. Nhưng, quan trọng nhất, tôi nghĩ cách sống của người tỉnh lẻ
thì không hợp với nhà tôi. Bố mẹ tôi rất cầu kỳ trong sinh hoạt, từ việc ăn mặc,
đi đứng. Trong khi người tỉnh lẻ lại ăn nói bỗ bã, không khách khí, có sao nói
vậy…
Ảnh minh họa |
Ấy thế mà, đúng là ông trời từng nói: ghét của nào trời trao của đó. Không hiểu
số phận run rủi như thế nào, người yêu tôi lại sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ. Anh
là sinh viên giỏi ở khóa trên, rất hiền lành, hình thức cũng được. Khi chúng tôi
tham gia sinh hoạt Đoàn cùng nhau, tôi chỉ coi anh là bạn bè bình thường. Thực
ra, tôi không chê anh ở điểm gì chỉ trừ… quê anh không phải ở thành phố. Tôi xác
định không bao giờ yêu anh để tránh phiền phức chứ đừng nói lấy anh làm chồng.
Thế mà, thời gian đưa đẩy, chúng tôi mỗi ngày một thân thiết từ lúc nào không
hay. Tôi chỉ nhận thấy cảm giác khác lạ khi Tết đến, anh về quê sum họp với gia
đình. Còn lại một mình ở thành phố, tôi thấy rất bứt rút, khó chịu, nhớ nhung
anh. Hết Tết, anh trở lại trường, vừa gặp lại anh là tôi vui vẻ trở lại. Cứ như
thế, xa nhau thì nhớ, gần nhau là cười.
Lúc biết mình đã đem lòng yêu anh, tôi đắn đo lắm. Tôi đã cố viện bao lý do để
buộc mình phải chia tay anh. Rằng, nhà anh thì nghèo. Bố mẹ anh lại là nông dân.
Các anh chị em anh cả năm chẳng ra khỏi mảnh ruộng, lúc nào cũng vất vả với lợn
gà, phân gio. Anh học giỏi thật nhưng thân cô thế cô nơi thành phố. Nói chung là
“kém toàn tập”. Lấy anh rồi, tôi khổ là chắc chắn. Nhưng, không hiểu sao, càng
dặn lòng mình phải tỉnh táo thì tôi lại càng đau khổ hơn. Tôi không sao làm chủ
được trái tim mình. Một mặt muốn xa anh, nhưng, cứ nghĩ đến việc đó thành hiện
thực là tôi đau đớn. Đến trường, chỉ thoáng thấy anh đi cùng cô gái nào đó-dẫu
chỉ là bạn bè bình thường, là tôi lại hốt hoảng. Tôi sợ người ta sẽ cướp mất anh
khỏi tôi.
Chúng tôi cưới nhau 2 năm sau. Nhờ thành tích học tập tốt, anh được trường đại
học giữ lại làm giảng viên. Cho tới tận lúc gần lên xe hoa, tôi vẫn còn băn
khoăn không biết mình làm vậy có đúng không. Nhất là khi nhà trai đến nhà tôi
đặt vấn đề, nhìn gia đình anh tôi đã biết có ngay sự lệch pha. Mẹ anh mặc chiếc
áo lụa-chắc là cái đẹp nhất-nhưng tôi thấy vẫn toát lên sự quê mùa. Các chị
anh-cũng cố gắng làm đẹp nhưng không dấu nổi đôi tay vàng vọt, chai sần vì lam
lũ ruộng đồng. Trong khi đó, bố tôi diện comple. Mẹ tôi mặc áo dài nhung, vấn
tóc trông thật cao sang. Gia đình anh chắc cũng ngại ngần khi nhìn thấy gia đình
tôi bề thế, cũng lúng túng mất một lúc lâu. Nhưng sau đó thì mọi việc cũng dần
được gỡ bỏ. Bố mẹ anh thật thà, chất phác chứ không khách sáo, nói kiểu ngoại
giao khiến mọi người cũng cảm thấy thoải mái hơn.
Biết là anh không có nhà riêng ở thành phố, sau cưới, bố mẹ tôi đã mua luôn cho
tôi căn hộ riêng. Mẹ tôi sợ tôi khổ vì lấy chồng nghèo nên cho tôi đủ thứ. Mẹ
mua xe máy mới cho cả hai vợ chồng, trang bị đồ đạc, rồi cho cả một khoản tiền
nho nhỏ để làm vốn. Tôi hãnh diện lắm, thậm chí bụng bảo dạ còn nhủ rằng, anh
may mà lấy được tôi, đúng là chuột sa chĩnh gạo.
Ảnh minh họa |
Biết chuyện, bạn bè của tôi bảo: Mày cẩn thận, người tỉnh lẻ khái tính lắm. Họ
không muốn mang ơn nhà vợ đâu. Khéo mà chồng nó… thù mày, lúc tức lên lại đánh
mắng vì mày dám coi thường nhà họ đấy. Nghe vậy, tôi cũng chột dạ vì không biết
anh có cảm thấy vậy không. Nhưng, rất may, không thấy anh phản ứng gì. Anh còn
cười bảo: May mà có nhà em giúp đỡ chứ đợi vợ chồng mình tạo dựng được thế này,
chắc là phải cả 10 năm nữa.
Thì ra, chồng tôi quan niệm, bố mẹ vợ cũng là bố mẹ mình. Nếu bố mẹ có điều kiện
mà cho các con thì cũng đâu có gì là xấu. Nhưng, không vì thế mà anh bằng lòng
với tài sản bố mẹ cho. Đúng như tôi nhận xét, anh là một người rất có chí tiến
thủ. Chỉ sau vài năm, anh đã hoàn thành bằng thạc sỹ, rồi tiến sỹ. Không có ai
thân thích, nâng đỡ nhưng năng lực của anh tốt đến nỗi được bầu làm phó khoa.
Mọi người còn đánh giá, với ý chí của anh, trong tương lai, anh sẽ còn thăng
tiến nữa. Trước khi tôi lấy anh, mẹ tôi cũng có không ít e ngại. Nhưng, càng
ngày mẹ tôi càng yên lòng. Mẹ mãn nguyện lắm. Mẹ bảo, anh sinh ra ở tỉnh lẻ
nhưng lại thành đạt và giỏi giang hơn khối thanh niên ỷ thế ở thành phố, bố làm
to khác.
Nhưng, điều làm tôi mừng nhất là anh rất có hiếu với bố mẹ vợ. Anh biết tấm lòng
của bố mẹ tôi luôn lo lắng cho hạnh phúc của chúng tôi nên càng ra sức hiếu
thảo. Lớn lên ở vùng thôn quê nghèo khó, từ nhỏ anh đã phải chịu khó, chịu khổ.
Làm con rể ở nhà tôi, anh không nề hà một việc gì. Cuối tuần vợ chồng đưa nhau
về nhà ngoại chơi, anh rất tinh ý, thấy có việc gì là lao vào làm luôn. Một lần,
nhà tôi bị tắc cống, bố tôi lại đi vắng. Mẹ tôi chưa kịp gọi thợ đến thông giúp
thì anh đã ra tay. Anh không chê không ngại việc bẩn, chỉ loáng cái là xong. Rồi
điện, nước trong nhà, một mình anh sửa chữa đâu ra đấy.
Chồng tôi cũng rất dân dã, không khách khí. Đói thì nói là đói, no thì nhận là
no. Nhà vợ có gì cũng ăn, mà ăn thật nhiệt tình khiến mẹ tôi vui lắm. Mẹ còn
bảo, chồng tôi được cái nết ăn ở còn hơn cả anh rể tôi. Trong khi chàng rể cả
đến nhà vợ thì “công tử bột”, chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi ở salon xem ti
vi. Chồng tôi có thể thay vợ vào bếp nấu một bữa ăn cho cả nhà ngon ơ.
Ảnh minh họa |
Mấy năm sau cưới, tôi mang bầu rồi sinh con nên không có điều kiện về quê chồng.
Tôi từ nhỏ quen được mẹ chiều nên cũng đoảng vị lắm. Tôi cứ ở rịt trên thành
phố, cậy thế ở quê mẹ chồng đã có các chị chồng chăm lo. Chỉ đến khi anh nhắc
thì tôi mới nhớ ra và gọi điện về quê hỏi thăm sức khỏe mẹ. Nhưng, mẹ chồng tôi
dễ tính lại tâm lý. Bà không trách cứ tôi một câu, cứ một mực bảo mẹ khỏe lắm,
các con ở ngoài đó cứ yên tâm nuôi con và công tác. Khi nào cháu lớn thì đưa
cháu về quê chơi với mẹ.
Thi thoảng, tôi cũng cùng đám bạn thân đi “tám” chuyện. Nghe đứa này kể khổ vì
nhà chồng, đứa kia thì bị mẹ chồng bắt ne bắt nét mà tôi thở phào. Tôi mừng hú
vì không phải làm dâu ở tỉnh lẻ. Nhưng, trốn mãi cũng không được. Cuối năm, nhân
kỳ nghỉ dài ngày, con tôi cũng đã cứng, chồng tôi quyết định cả nhà sẽ về quê.
Khỏi phải nói tôi lo như thế nào. Tôi nghĩ mình không thể ăn đồ quê, ở nhà quê
được. Quả như tôi nghĩ, ngày đầu tiên, tôi nhìn mẹ đun bếp củi mà hãi. Đến bữa
ăn, tôi nhìn bát thịt lợn toàn mỡ mà không nuốt nổi. Sau bữa, tôi nhận chân rửa
bát nhưng múc mãi không nổi một gầu nước giếng. Tôi nghĩ, quả này chắc là chết
với mẹ chồng rồi. Hóa ra, mẹ chồng tôi biết tất cả. Hôm sau, bà cười tươi không
bắt tôi nấu cơm. Bà bảo tôi cứ để bà đun củi cho. Rồi vào bữa ăn, tôi thấy trên
mâm xuất hiện đĩa trứng thơm lừng. Tôi biết bà rán trứng dành riêng cho tôi. Tôi
cảm động mà rơi nước mắt. Tối đến, bà còn mang phích nước nóng vào tận nhà tắm
cho tôi. Bà còn thay tấm ni long mới coóng ngoài cửa nhà tắm để tôi không cảm
thấy ngại khi… tắm ở quê.
Những ngày sau đó, bà từng bước từng bước giúp tôi hòa nhập với cuộc sống nhà
chồng. Tất nhiên, tôi không thể quen ngay được và vẫn còn vụng về. Nhưng, mẹ
chồng tôi không trách cứ, bóng gió tôi một câu. Bà bày tỏ tình cảm yêu quý tôi
bằng cả sự chân thành, chất phác. Tôi thấy ở quê có nhiều điều thật thú vị, một
đứa con gái “tự kiêu” luôn cho rằng mình học rộng, biết nhiều mà vẫn chưa biết
hết.
Bây giờ, tôi lại cảm thấy mình thật may mắn khi được làm dâu nhà anh.
(Theo PNTĐ)