Tại cuộc họp, các chuyên gia về lịch sử, quân sự, mỹ thuật, âm nhạc, nông nghiệp, bưu chính… đã góp ý để hoàn thiện 2 bộ tem kỷ niệm và 2 bộ tem chuyên đề.

Tôn vinh nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Đô đốc Giáp Văn Cương

Hai bộ tem kỷ niệm dự kiến sẽ phát hành vào tháng 9/2021. Trong đó, bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989)”, gồm 1 mẫu, sẽ phát hành ngày 12/9.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một trong những tài năng lớn của nền âm nhạc Việt Nam, đại diện cho phái âm nhạc Nam Bộ trong thời điểm khởi đầu của nền tân nhạc.

Ông là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, là một trong những nhạc sĩ đầu tiên sử dụng rất thành công thể loại hành khúc - bắt nguồn từ âm nhạc phương Tây. Ông đã trở thành tác giả của những Chính ca xuất sắc, có tầm tư tưởng lớn, giá trị nghệ thuật cao và có giá trị lịch sử. Những bài chính ca tiêu biểu của ông gồm: “Thanh niên hành khúc” “Lên đàng”, “Hồn tử sĩ”, “Giải phóng miền Nam”.

Không chỉ là nhạc sĩ, Lưu Hữu Phước còn là chính khách, nhà nghiên cứu (Giáo sư, Viện sĩ, Nhà Lý luận âm nhạc; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

Với những đóng góp của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cho nền âm nhạc Việt Nam, ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, trong đó có Huân chương Độc lập hạng nhất (1987), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1996)...

{keywords}
Toàn cảnh cuộc họp

Bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Đô đốc Giáp Văn Cương (1921-1990)”, gồm 1 mẫu tem, sẽ phát hành ngày 13/9/2021, nhằm tôn vinh những đóng góp của Đô đốc Giáp Văn Cương cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đô đốc Giáp Văn Cương sinh ngày 13/9/1921 tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ông tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 1974, ông được phong hàm Thiếu tướng, chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sự nghiệp của ông gắn bó với lực lượng Hải quân Việt Nam. Năm 1977, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam và giữ chức vụ này đến năm 1980. Năm 1988, ông được phong là Đô đốc đầu tiên của Hải quân Việt Nam.

Từ một người lính bộ binh đầy kinh nghiệm, ông trở thành một người chỉ huy Hải quân lỗi lạc. Khi nhắc đến ông, người ta không chỉ nói về vị Đô đốc đầu tiên của Quân chủng Hải quân mà còn nhắc đến “Tầm nhìn Giáp Văn Cương”, “Ý chí Giáp Văn Cương”.

Tên tuổi và sự nghiệp của ông nổi bật với vai trò vị Tư lệnh can trường của Hải quân nhân dân Việt Nam trong phòng thủ Trường Sa và khai sinh ra Nhà giàn DK1 ngày đêm bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Với những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ông đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; hai Huân chương Quân công hạng nhất và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (7/5/2010).

Khuyến khích bảo tồn gen gà quý và các công viên địa chất

Hai bộ tem chuyên đề dự kiến sẽ phát hành vào tháng 8 và tháng 10/2020. Bộ tem thứ nhất về một số loại gà nổi tiếng của Việt Nam, gồm 4 mẫu tem, sẽ phát hành ngày 25/8, nhằm khuyến khích bảo tồn và gìn giữ các giống gen gà quý, thuần chủng Việt Nam.

Dựa trên hình ảnh, tư liệu do Viện Chăn nuôi (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp, bộ tem sẽ giới thiệu về các loại gà gồm: Gà nhiều ngón; gà Đông Tảo; gà H’Mông; gà Lạc Thủy; gà tre.

Trong đó, gà nhiều ngón là giống gà thuần chủng, quý hiếm có từ lâu đời, gắn liền với sinh kế và văn hoá của dân tộc thiểu số tại tỉnh Phú Thọ (miền Bắc Việt Nam). Ngoài giá trị kinh tế, văn hóa, gà nhiều ngón còn là nguồn gen quý, có ý nghĩa quan trong cho đa dạng sinh học, đa dạng di truyền, phát triển chăn nuôi.

Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) là giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Đây là loài gà nuôi cổ truyền của người dân xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), người dân trước đây thường dùng để cúng tế, hội hè hay tiến Vua. Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen.

{keywords}
Các mẫu thiết kế tem bưu chính đã được Hội đồng Tư vấn quốc gia về tem bưu chính lựa chọn, góp ý để hoàn thiện và phát hành trong nửa cuối năm 2021

Gà H’Mông hay còn gọi là gà Mông, gà Mông đen hay gà Mèo hay gà xương đen, là giống gà quý hiếm, thuần chủng (bản địa) của Việt Nam, có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc, được dân tộc H’Mông nuôi thả quảng canh. Gà H’Mông có đặc điểm là thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam hiện nay. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm, người đồng bào H’Mông còn nấu cao để bồi bổ sức khoẻ. Hiện nay gà H’Mông thương phẩm được coi là món ăn đặc sản.

Gà Lạc Thủy là giống gà thuần chủng của Việt Nam, được coi là giống gà đặc hữu và quý hiếm có nguồn gốc từ huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và được nuôi từ khá lâu đời, là loài đang được bảo tồn nguồn gen.

Gà tre là giống gà bản địa đã từng khá phổ biến tại khu vực miền Nam Việt Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Ngày nay, giống gà này phổ biến khắp Việt Nam.

Bộ tem chuyên đề thứ hai là bộ tem về các công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Việt Nam, gồm 3 mẫu tem và 1 blốc, dự kiến phát hành ngày 3/10/2021, nhằm góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản Công viên địa chất toàn cầu tại Việt Nam.

Công viên địa chất toàn cầu là một khu vực tự nhiên, độc đáo, có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, phân bố trong phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích thích hợp để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác. Một công viên địa chất quốc gia khi có đủ điều kiện sẽ được UNESCO công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu”.

Tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 Công viên địa chất toàn cầu, gồm: Công viên địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang (được UNESCO công nhận ngày 3/10/2010); Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng (được UNESCO công nhận tháng 4/2018); Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông (được UNESCO công nhận ngày 7/7/2020).

Bình Minh

Trưng bày 35 bộ sưu tập chất lượng cao tại Triển lãm Tem khu vực Nam Bộ 2020

Trưng bày 35 bộ sưu tập chất lượng cao tại Triển lãm Tem khu vực Nam Bộ 2020

35 bộ sưu tập tem chất lượng cao của 33 nhà sưu tập đến từ TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang đang được trưng bày tại Triển lãm Tem bưu chính khu vực Nam bộ năm 2020 với chủ đề “Vươn lên cùng đất nước”.