Ở Tây Nguyên, vào tháng Mười sau khi mùa màng thu hoạch xong, thời tiết bước vào mùa khô thuận tiện cho các lễ hội, vui chơi được diễn ra. 

Ngay sau những ngày vui chơi đó, người Tây Nguyên bắt tay vào làm lễ bỏ mả (bỏ ma) cho những người đã khuất. Theo tập tục của họ, bỏ mả là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong vòng đời của một con người.

Khi người thân quá cố được đặt trong áo quan làm bằng một khúc cây to có đục lỗ, phía trên bịt kín bằng tấm ván và trát nhựa cây rừng rồi hạ huyệt, chôn xong mộ thì lập một nhà mồ tạm cho tới khi làm lễ bỏ mả.

Lễ hội bỏ mả là phá bỏ nhà mồ tạm, san phẳng ngôi mộ, sau đó xây dựng một ngôi nhà mồ to, vững chãi và bền hơn trên đó. Ngôi nhà mồ này mới thực sự là của người quá cố.

Lễ hội bỏ mả thường diễn ra từ 3 - 7 ngày. Trung tâm của lễ là dựng nhà mồ và việc đầu tiên của người chủ hộ là đẽo tượng mồ. Với những ngôi nhà mồ to đẹp, bề thế thì cột tượng phải làm bằng loại gỗ tốt như gỗ cây hương, cây cà chít.

Một góc nhà mồ của người Tây Nguyên

Người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn quan niệm, chết là một sự chia lìa với người sống nhưng không phải là hết. Để tiễn đưa người chết, những người thân có những món quà mang hình tượng về muôn vẻ của đời người đã sống và chứng kiến từ con người đến động vật và những hoạt động sinh sống phong phú...

Tư thế, thần thái của tượng nhà mồ chính là sự tái hiện cuộc sống thật một cách sinh động, phong phú: người bế con, người lấy nước, người mang gùi, người ngồi khóc, người đánh trống đánh chiêng, người chia phần cơm lam, người phụ nữ khoả thân,… 

Theo truyền thống, sau khi người khuất được chôn cất từ 1 - 7 năm, thì gia đình sẽ làm lễ bỏ mả - tức quan niệm sau nghi lễ này, người chết sẽ thực sự về với xứ sở của các thần, người sống không làm đám giỗ nữa.

Tượng nhà mồ được chuẩn bị khá công phu của người chủ hộ để tiến hành nghi lễ bỏ mả. Giống như nghệ thuật cắt giấy, làm nhà táng, vẽ tranh thờ... của các dân tộc khác, việc đẽo tượng nhà mồ thường không được tổ chức ngoài quy mô của một lễ tang ma.

Thời trước, người đẽo tượng và thân quyến của người đã khuất muốn làm lễ bỏ mả cần phải chuẩn bị nhiều công đoạn trong đó có việc đẽo tượng nhà mồ một cách bí mật. 

Theo tín ngưỡng của người dân bản địa, ngày chọn gỗ để đẽo tượng mồ phải thể hiện sự tốt lành. Đêm chuẩn bị đi lấy gỗ, nếu chủ nhân có giấc mơ xấu như thấy nhà cháy, bến nước cạn… hay trên đường đi gặp rắn bò ngang qua đường thì họ quay về ngay.

 Trước khi đẽo tượng mồ, chủ mộ làm lễ cúng thần, xin phép đẽo tượng mồ cho người chết. Họ cùng nhau đẽo tượng khoảng 1 tháng trước khi diễn ra lễ bỏ mả. Sau đó, chuyển tượng đến ngôi mả làm lễ, dựng tượng, cúng bỏ mả và đoạn tuyệt với ngôi mộ, không thờ cúng nữa sau 3 năm đoạn tang.

Đối với người Tây Nguyên việc đặt tượng nhà mồ ở nghĩa địa nhằm thể hiện tình thương, tấm lòng của gia đình với người đã khuất. Thông qua mỗi bức tượng nhà mồ, người ta sẽ hiểu được nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc. Chẳng hạn, tượng con chim công thể hiện tính đặc trưng chỉ có ở vùng đất Buôn Đôn. Người còn sống mong muốn người chết sẽ biến thành con chim đẹp nhất, lớn nhất. Tương tự, tượng ngà voi là hình ảnh giá trị nhất tượng trưng cho vùng đất thuần dưỡng voi rừng; đồng thời để chứng tỏ là người nằm dưới mộ khi còn sống có công lao thuần dưỡng voi.

Thời gian qua, việc nghiên cứu giữ gìn văn hóa truyền thống, nghệ thuật đẽo tượng nhà mồ gần như được hồi sinh mạnh mẽ sau một thời gian mai một, thất truyền. Tuy nhiên giờ đây, những nghệ nhân biết đẽo tượng và hiểu được nghệ thuật này còn lại rất ít. 

Thêm vào đó, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, tượng gỗ dân gian không còn bó hẹp trong không gian nhà mồ nữa mà đã “bước ra” ngoài đời sống cộng đồng, để trưng bày, trang trí, làm điểm nhấn để thu hút khách tham quan. Tại các thành phố trung tâm đô thị của khu vực Tây Nguyên như Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt... hầu như quán xá, nơi đông người đều có trưng bày và trang trí tượng gỗ phong cách tượng nhà mồ.

Tuy nhiên, để tượng nhà mồ không mất đi giá trị đích thực của nó, ngành chức năng đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn, giới thiệu, quảng bá. Điển hình nhất là việc phối hợp giữa các tỉnh ở Tây Nguyên trong tổ chức liên hoan văn hóa và các cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian; trưng bày tại Bảo tàng. Đây là cách để góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của bà con.

Hồng Vũ