Khi mà lễ hội ánh sáng Diwali của người Ấn Độ được tưng bừng tổ chức vào ngày 13/11, giới thủ công nước này buồn rầu vì thất thu thì ngược lại người Trung Quốc lại vui mừng khôn xiết.


Trước đó, phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM ) cho rằng nước này sẽ tổ chức một lễ hội “Ánh sáng made-in- China” vào năm nay khi mà nhu cầu đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt vào thời điểm chuẩn bị cho lễ hội lớn của quốc gia.

Trong nghiên cứu mới đây, ASSOCHAM ước tính, khối lượng sản phẩm Diwali “made-in-China”, từ tượng thần Hindu đến những chiếc đèn sặc sỡ, đã tăng ít nhất 45% so với năm ngoái.

Chi phí nguyên vật liệu thô tăng vọt, từ giấy đến bút vẽ… buộc thợ thủ công Ấn Độ đẩy giá bán cao hơn đối với các sản phẩm thường dùng trong lễ hội. Trong khi đó, các mặt hàng đến từ Trung Quốc được sản xuất hàng loạt và chuyển sang biên giới với khối lượng lớn với giá chỉ bằng một phần so với hàng Ấn Độ.

Ví dụ, một chuỗi 100 bóng đèn made-in-China có giá khoảng từ 40 đến 60 rupees (khoảng 0,7 đến 1,1 USD). Nhưng giá sản phẩm tương tự làm tại Ấn Độ lại là 80 đến 100 rupee, gấp đôi so với năm ngoái.

Và đương nhiên, vì lẽ đó người tiêu dùng sẽ chọn những sản phẩm rẻ hơn để mua, ông Rawat cho biết.


Tuy nhiên, tính hiệu quả trong chi phí không phải là nhân tố duy nhất giúp các sản phẩm Trung Quốc hút khách. Thực chất, thợ thủ công Trung Quốc đã nắm bắt được tâm lý và mong muốn của người tiêu dùng trung lưu Ấn Độ rất tốt.

“Sản phẩm Trung Quốc rất đa dạng và luôn được cải tiến. Mẫu mã vô cùng phong phú và ấn tượng. Đó chính là một lý do khiến hàng hóa của họ chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong mùa lễ hôi năm nay”, Manohar Lal Kumar, người đứng đầu hiệp hội thương nhân tại Sadar Bazaar, New Delhi- thị trường bán buôn lớn nhất miền bắc Ấn Độ cho biết.

Không thể phủ nhận lễ hội Ánh sáng Ấn Độ đã mang lại cơ hội hốt bạc cho giới thủ công và kinh doanh Trung Quốc. Và trong khi các thương nhân và chủ cửa hàng nước này không quá bận tâm đến việc những ảnh hưởng kinh tế và xã hội của việc nhập khẩu hàng Trung Quốc, thì thực tế nhu cầu tăng vọt của người tiêu dùng đối với các sản phẩm made-in- China đã khiến cho khoảng 250.000 thợ thủ công Ấn Độ phải lao đao. Bởi phần lớn nguồn thu nhập trong năm của họ phụ thuộc vào thời điểm lễ hội Diwali.

HungNinh (Theo wsj)