- “Cám ơn cuộc đời đã ban tặng cho chúng ta người phụ nữ”, Lê Minh Sơn nói khi hát tặng chị em nhân ngày 8/3 trong liveshow “Mình là đàn ông” của anh diễn ra tối 4/3 tại Nhà hát lớn HN.
Khá ngạc nhiên khi trước cửa nhà hát lớn Hà Nội tối 4/3 lại không treo một băng rôn nào về đêm nhạc đang diễn ra khiến nhiều người tự hỏi không biết có phải đêm nay là đêm nhạc của Lê Minh Sơn không. Cũng thật lạ khi toàn bộ khán phòng của Nhà hát lớn được lấp đầy bằng khán giả. Thế mới hiểu vì sao “gã nhà quê” mỗi năm đều đặn tổ chức riêng cho mình một liveshow như từng có người nhận xét về anh: “Không phải hải ngoại, không phải dễ nghe, nhưng mà vẫn đầy ắp khán giả”.
Không phông nền, không trang trí, sân khấu như chỉ việc mang nhạc cụ lên và chơi. Không gian của đêm nhạc Lê Minh Sơn chỉ còn có thứ duy nhất được chú ý đó là âm nhạc.
Cái cách mà Lê Minh Sơn bắt đầu một đêm nhạc cũng kì lạ, 15 phút đầu tiên khán giả được “ngâm mình” trong tiếng nhạc mà không thấy đâu nhân vật chính. Không biết có phải anh cố tình muốn cho khán giả một khoảng thời gian để “khởi động” cho đôi tai, để cho những cái đầu bắt đầu biết lắc lư, và cho đôi mắt biết “sốt ruột” chờ đợi một tiếng đàn từ ai đó để khi anh xuất hiện là hàng trăm con mắt đều hướng về một nơi.
Lê Minh Sơn bên cây đàn trên sân khấu.
Lê Minh Sơn nổi tiếng không chỉ bởi cái “chất quê” của một nhạc sĩ mà còn là bởi cây đàn guitar. Hai bản nhạc không lời đầu tiên “Night rhythms” và “Even song” trong tiếng đệm đàn của anh khiến khán giả tỏa cơn khát đang sôi sục từ đầu chương trình.
Nếu để miêu tả tiếng đàn của Lê Minh Sơn thì chỉ có thể miêu tả bằng cách mà anh chơi đàn. Ngồi giữa sân khấu không phông nền, không trang trí, vẫn phong cách ấy và cây đàn ấy, Lê Minh Sơn luôn ôm trọn lấy cây đàn trong vòng tay của mình mỗi khi chơi. Từng nốt nhạc vang lên là từng ấy lần khuôn mặt anh nhăn nhó, cái cách anh vặn mình và cái cách anh rình khi tiếng đàn đang ngân để chộp lấy 5 dây cho hợp với giai điệu mới thấy cái “khổ” của một nhạc sĩ lại chót làm nhạc công cho chính âm nhạc của mình.
Chả khung hình nào giống khung hình nào trong cái cách mà Lê Minh Sơn chơi đàn.
15 ca khúc được trình diễn, 3 người bạn gắn liền trong âm nhạc của Lê Minh Sơn: Thanh Lam, Tùng Dương  và cô gái trẻ Hoàng Quyên, đêm nhạc chỉ gói gọn trong không gian của Lê Minh Sơn, khán giả và âm nhạc. Chả cần đến MC, “gã nhà quê” cứ tự giới thiệu cho mỗi phần biểu diễn bằng cái cách chả giống ai: “Mình thích hát nhưng chả ai mời mình hát cả, thôi chương trình của mình thì mình tự hát vậy”, “Sau đây Sơn xin hát bài: Mình là đàn ông, tên của chương trình...hết”, “Một bài hát rất đặc biệt vì…thôi Sơn không nói nữa hát thôi!”...
Hoàng Quyên, cô ca sĩ khi 16 tuổi khiến Lê Minh Sơn phải “giật mình” được ưu ái là người đầu tiên được đứng trên sân khấu cùng anh. Giản dị trong chiếc quần jeans và áo sơ mi trắng, Hoàng Quyên khiến khán giả phải tò mò trong ca khúc “Gió mùa về”.  Chỉ khi hát xong Lê Minh Sơn mới giới thiệu cho những ai còn chưa biết đến giọng cả trẻ này bằng cái tuổi 18 – tuổi ẩm ương theo cách nói của Lê Minh Sơn thì nhiều người mới ồ lên.
Cô ca sĩ 18 tuổi xinh xắn - Hoàng Quyên trên sân khấu
4 ca khúc “Gió mùa về”, “Ổi ương đầu cành” đến “Em và Đêm”, Hoàng Quyên đã chứng tỏ vì sao cô khiến “gã nhà quê” ấy phải giật mình. Chất giọng cao, có phần hơi già hơn so với tuổi thậm chí có phần hơi “hoang dã” trong ca khúc đầy chất tự sự đàn bà của “Em và Đêm” khiến khán giả phải gật đầu đồng ý với ghã nhà quê. Với một giọng ca 18 tuổi, nếu đòi hỏi ở Quyên một sự trải nghiệm và hoàn thiện trong mỗi bài hát là điều vẫn cần phải có thời gian cho những lỗi nhỏ nhặt của cô hôm nay trên sân khấu.
Mạnh bạo và da diết nhưng vẫn cần một chút trải nghiệm ở Hoàng Quyên
Tùng Dương, sau hơn 10 năm từng gắn bó với âm nhạc Lê Minh Sơn trở lại trên sân khấu trong đêm diễn. 3 ca khúc tiên đều nằm trong album đầu tay là những kỉ niệm của anh về thời cùng làm việc với Lê Minh Sơn. Một thời từng được biết đến bởi phong cách có phần “ma mị”, cách hát thì biến đổi “không thể đoán trước”. Nhưng hôm nay, đứng trên sân khấn, Tùng Dương cho thấy sự trưởng thành và một sự thay đổi rất lớn.  Vẫn chỉ là những bản phối cũ, vẫn là một giọng ca đầy nội lực, Tùng Dương khiến khán giả phải ngỡ ngàng khi đã có đi sự tiết chế và cách xử lí đầy tinh tế trong cách hát và cách biểu biễu. Vốn có kĩ thuật tốt về thanh nhạc, nhưng giờ đây được đặt đúng chỗ, trang phục đơn giản quần tây, áo sơ mi trắng và một chiếc vest nhưng vẫn có chất nghệ. Khán giả vỗ tay không ngớt khi tới những đoạn phiêu linh anh sẵn sàng bỏ mic để hát tay bo trên sân khấu.
Tùng Dương trên sân khấu của ngày hôm nay qua con mắt của Lê Minh Sơn
 Tự nhận xét về mình trên sân khấu, Tùng Dương nói: “Nhìn lại những hình ảnh của mình cách đây hơn 10 năm khi để tóc dài, Dương cũng thấy thảng thốt”.
Ngoài 3 ca khúc trong album đầu tay, Tùng Dương còn gửi đến cho khán giả một ca khúc đầy thú vị và cảm xúc về Hà Nội của Lê Minh Sơn đó là “Hà Nội của tôi ơi”. Vốn lớn lên ở Hà Nội, đã ngấm và yêu Hà Nội một cách da diết. Lời ca trúc trắc của Lê Minh Sơn lại khiến những cảm xúc bỗng thăng hoa khi Hà Nội của ngày hôm nay có cả mùi hương bưởi, mùi phố phường, mùi của tóc em, mùi của cô gái không nói tiếng kinh mà nói tiếng núi rừng. Cười khoái trí sau những chàng vỗ tay và hò hét của khán giả, “gã nhạc sĩ nhà quê” thốt lên: "Cám ơn cuộc đời đã cho tôi được gặp Tùng Dương".

Người hát cuối cùng có lẽ là một người đặc biệt nhất. Sau những sôi động, những dằn vặt mạng mẽ từ đầu chương trình của Hoàng Quyên và Tùng Dương, Thanh Lam xuất hiện có phần nhẹ nhàng, đằm thắm và một chút gì đó “tĩnh lặng” hơn trên sân khấu. Với 4 ca khúc “Đàn cò”, “Em yêu anh”, “Nhìn em để thấy em gần anh” và “Người ở đừng về” khán giả có dịp xúc động trong những khúc hát của Thanh Lam khi trở lại những cảm xúc của một thời gắn bó với Lê Minh Sơn. Không quá phô trương, không quá cầu kì nhưng đầy trắc ẩn, Thanh Lam biểu diễn từng ca khúc với đầy nỗi tự sự, nỗi tự sự của một người đàn bà đẹp và đầy khao khát.
Thanh lam trên sân khấu của đêm nhạc
Với ca khúc “Người ở đừng về” của Thanh Lam, Lê Minh Sơn đã khép lại cho khán giả một đêm diễn của một ngày mưa phùn và giá rét nhưng đầy xúc cảm. Giờ đây người ta nhớ đến anh không còn là những bài hát của những làng quê, mà còn có cả những bài hát của một ghã đàn ông. Người ta sẽ nhớ về anh trong cảm xúc khi anh hát về “Con trai bé bỏng”, khi anh hát về người phụ nữ Việt Nam như một món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc đời khi “Mình là đàn ông” và những điểm nhiều người không thích ở anh ở cái điểm hay nói những câu đầy chả giống ai: “Cuộc sống không có cãi cọ thì buồn lắm!”
Hoàng Nguyên