Những ngày cuối năm Tân Sửu, đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn qua huyện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) dày đặc sương mù, chúng tôi len lỏi qua những con đường ngoằn ngoèo đến với xã vùng cao Hướng Phùng của huyện.

Hạt ngọc của trời đất

Từ trung tâm xã, chúng tôi tiếp tục vượt núi hơn 15 phút trên chiếc xe máy đến với thôn Cheng, cách nước bạn Lào chỉ vài ba bước chân, nơi đây được mệnh danh là địa điểm chế biến món bánh Ayơh ngon nhất xứ này.

Đợi sẵn chúng tôi là các chị gái người Vân Kiều bận xấn (váy) truyền thống, đang chuẩn bị nếp, nồi, mè đen, cối giã và một cái mâm.

{keywords}
Để làm được món bánh Ayơh ngon cần phải lựa chọn nếp chuẩn
{keywords}
Nếp sau đó được đem nấu khoảng 30 phút

Vừa vo nếp, chị Hồ Thị Chơ (33 tuổi) chia sẻ, để làm được món bánh Ayơh ngon cần phải lựa chọn nếp chuẩn. Nếp được trồng trên các đồng ruộng bậc thang, giống loại tốt nhất và được chăm bón kỹ càng, nếp phải còn nguyên hạt biểu trưng cho sự tròn đầy. Vo xong, nếp được đặt lên bếp nấu hơn 1h đồng hồ.

Đang đun những thanh củi vào bếp, chị tiếp lời, cũng không rõ bánh bắt nguồn từ lúc nào và ý nghĩa tên như nào, nhưng chỉ biết mỗi lần có lễ lớn trong làng như đám cưới, hỏi, cúng bản, đặc biệt là Tết Nguyên đán thì hầu hết nhà nào cũng làm món này đãi khách.

“Nếu như đám cưới, nhà trai bên cạnh lễ vật là một xấn còn phải kèm theo một chiếc bánh Ayơh đặt trên mâm tròn. Nó biểu trưng cho đất và trời, đó là hạt ngọc của trời đất cho, khi bánh được đặt tròn đầy mâm, đây là biểu tượng cho sự đầy đủ, hạnh phúc”, chị Chơ bộc bạch.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Mè được trộn với muối, rang lên và giã đều

Trong thời gian đợi nếp chín, các chị chuẩn bị sẵn một túi mè đen. Mè được rang trên bếp đến lúc có mùi thơm, bỏ thêm ít muối hạt nhằm giúp chiếc bánh có vị. Hai gia vị này được đưa vào cối giã, giã đều, lúc nào mè tơi ra và hoà chung với muối thì dừng.

Lúc này, nếp cũng vừa chín, mè được đưa ra dĩa lớn, các chị đưa xôi vào cối giã để đến với bước được cho là quan trọng nhất - giã nhuyễn.

Chị Chơ hồ hởi, đây được cho là giai đoạn quan trọng nhất của bánh vì nếu không giã đúng cách, giã vừa đủ thì bánh sẽ không ngon. “Nếu giã chưa đến, bánh còn hạt, ăn vào cảm thấy cứng, còn nếu giã nhuyễn quá, bánh khó khô và mất đi vị mè cộng với nếp”.

Công việc như đã được sắp đặt sẵn, hai người phụ nữ thay nhau dáng những nhát chày trên tay xuống cối giã, sau khoảng 10-15 nhát, người còn lại đứng đợi sẵn để chêm hỗn hợp mè và muối vào.

Giã được khoảng chừng 10 phút, hai chị ngưng tay, trong cối giã là một hỗn hợp xôi, mè đen và muối cuộn tròn.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Xôi được giã cùng với mè đến khi nhuyễn

Các chị đưa bánh được giã ra lên mâm đợi sẵn, món ăn nét văn hoá của người Vân Kiều sắp hình thành. Từ đây, người làm dùng tay, miết chiếc bánh đến lúc tràn viền với thành trong của mâm, đợi bánh khô và thưởng thức.

Chiếc bánh hình tròn, màu hơi ngả đen, đường kính khoảng 50cm, dày tầm 5cm, có mùi thơm từ mè và xôi.

Hỏi rằng liệu bánh Ayơh để lâu có được hay không? chị Hồ Thị Nghĩa (33 tuổi) bảo: “Không, khó hư lắm, bánh giữ hàng tháng cũng không hề hấn gì”. Bánh để càng lâu càng cứng, nếu muốn ăn hãy cắt từng miếng nhỏ, ngâm vào nước đợi bánh mềm. Tiếp theo, đưa bánh đặt trên lửa than, bánh sẽ bung nở vàng rộp, thơm nức mùi mè.

Thêm hành trang cho bộ đội hành quân vào Nam

Cầm cây dao trên tay, chị Nghĩa bắt đầu cắt miếng bánh thành hình cánh quạt nhỏ, sau đó chia ra từng khúc mời khách. Miếng bánh cắt ra dẻo, mè được hoà quyện với xôi tạo thành một món có hình dạng hấp dẫn.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Bánh được miết tràn viền của mâm

Chị giãi bày, với Tết Nguyên đán, những vị khách nào thực sự trân quý mới được mời loại bánh Ayơh này. Chị giải thích, bánh này biểu trưng cho mặt trời, trái đất và mặt trăng vì nó hình tròn. Người Vân Kiều cho rằng, những biểu tượng đó là nơi sinh ra hạt ngọc này, nuôi sống bao thế hệ để có được người Vân Kiều như ngày hôm nay.

Đặc biệt, xã Hướng Phùng nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, nên câu chuyện giúp bộ đội một ít lương thực mang theo lúc hành quân được truyền lại từ đời này sang đời khác.

Chị Nghĩa kể, thời Việt Nam đang còn chia cắt hai miền Nam – Bắc, khi bộ đội hành quân qua đây, các già làng, trưởng bản thấy người chiến sĩ của ta vất vả nên quyết làm một điều gì đó để giúp đỡ. Những người phụ nữ trong bản lúc này tập trung lại với nhau, làm loại bánh Ayơh, đưa tận tay đến các chiến sĩ, giúp họ có thêm hành trang trên đường tiến vào Nam, giải phóng đất nước.

{keywords}
 
{keywords}
Khu bánh Ayơh khô, người dùng cắt từng miếng để mời khách

“Đây không chỉ là món bánh bình thường, nó còn là tấm lòng của bà con người Vân Kiều, mong muốn các chiến sĩ lên đường no ấm hơn một đoạn”, chị Nghĩa bồi hồi.

Phó chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý chia sẻ, bánh Ayơh là nét văn hoá của người Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn mỗi lúc có lễ hội, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.

“Nét văn hoá này có từ lâu và chúng tôi vẫn đang gìn giữ nó. Để không mai một, chúng tôi vận động người dân làm bánh nhiều hơn vào các ngày lễ hội, và Tết Nguyên đán là một trong những ngày đó”, ông Quý nhấn mạnh.

Công Sáng

Nguyên nhân kẹt xe cửa ngõ TP.HCM 3 ngày liên tiếp dịp cao điểm Tết

Nguyên nhân kẹt xe cửa ngõ TP.HCM 3 ngày liên tiếp dịp cao điểm Tết

Ba ngày liên tiếp, xa lộ Hà Nội kẹt xe không lối thoát gây ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng hóa cũng như việc đi lại của người dân dịp cuối năm.