From the earth to the sky (tạm dịch là hành trình từ mặt đất đến bầu trời) –
đó là câu chào mời về một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Dubai, (thuộc Các
tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), mà tôi sớm đọc được ngay khi rời chiếc máy bay của
hãng Emirates tại nhà ga số 3.
Toà tháp Burj Khalifa nằm trong tổng thể trung tâm thương mại Dubai nổi tiếng
khi được bắt đầu xây dựng năm 2004 và trở thành công trình nhân tạo cao nhất thế
giới năm 2009. Tôi quyết định bắt đầu ngày mới tại trung tâm thương mại Dubai,
nơi quầy vé đã bắt đầu dòng người xếp hàng để có được mảnh giấy lên đến… trời
xanh.
Vinh danh chân dung những kiến trúc sư, chuyên gia, công nhân... đã góp phần xây dựng Burj Khalifa. |
Đường lên bầu trời
Hành trình lên tầng 124 của toà nhà Burj Khalifa chỉ khoảng 1 phút và người ta thổi vào đó đầy những điều kỳ ảo. Những bóng đèn led nhiều màu toả sáng trong thang máy. Càng lên cao âm nhạc càng rộn ràng và hành trình kết thúc khi cánh cửa mở ra với cảm giác choáng ngợp đến run chân khi nhìn xuống bên dưới.
Từng đặt chân lên tháp truyền hình Tokyo hay tháp CN ở Toronto nhưng tôi không khỏi rùng mình ở độ cao kỷ lục gần 500m ở Khalifa. Với góc nhìn 360o, khu vực tầng 124 cho phép du khách phóng tầm mắt ra vịnh Ba Tư màu xanh ngọc hoặc tan biến vào sa mạc tận chân trời.
Gió thổi vun vút ngoài bancông, du khách tận mắt nhìn ngắm khung cảnh thật mà không phải qua lớp kính chắn nào. Chẳng phải là những cánh đồng đầy hoa hay những bãi biển trải dài, khu trung tâm Dubai được ví von như một “concret jungle” – tạm dịch – “khu rừng bêtông” với các toà nhà ốp kính hay công trường ngổn ngang cần cẩu.
Bên cạnh khu vực bán đồ lưu niệm, bán ly, áo thun, mô hình tháp… nhiều bạn trẻ đang bận rộn làm diễn viên. Burj Khalifa là bối cảnh của bộ phim Mission Impossible 4 – Ghosh Protocol và chỉ cần tạo dáng trên nền phông xanh, các chuyên viên sẽ cho ra bức ảnh chụp bạn đang đu mình trên lớp kính bên ngoài toà nhà không khác tài tử Tom Cruise trong vai điệp viên Ethan Hunt. Một chiêu thức kinh doanh rất hiệu quả với giá bán 200AED cho bộ sưu tập năm bức ảnh kèm DVD lồng trong bao da.
Gây tò mò không kém là máy bán vàng tự động ở vị trí cao nhất thế giới. Du khách có thể mua những miếng vàng bằng thẻ tín dụng trong máy ATM in nổi hình toà tháp với các kích cỡ 2,5gms, 5gms, 10gms, 1 ounce. Nếu không hài lòng về sản phẩm, người mua vẫn có thể gửi trả lại theo địa chỉ in trên máy và nhận lại tiền.
Công trình của nhiều kỷ lục
Một tiếng đồng hồ ngắm dòng xe nhỏ xíu đang qua lại không ngớt bên dưới xa tít và lang thang nhìn những khuôn mặt biểu cảm giúp tôi bình tĩnh để nhìn lại toà tháp với những con số làm kinh ngạc thế giới. Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum và các thành viên chính phủ UAE đã đưa ra một quyết định táo bạo nhưng có cơ sở với mục tiêu đặt Dubai trên bản đồ thế giới với một cái gì đó nổi bật. Năm 2004, công trình Burj – Dubai được khởi công theo bản thiết kế của kiến trúc sư Adrian Smith từ S.O.M – công ty danh tiếng từng thiết kế hàng trăm cao ốc, trong đó có trung tâm Thương mại thế giới hiện tại ở New York. Lấy cảm hứng từ Hymenocallis – loài hoa rất phổ biến ở vùng vịnh Ba Tư, phần chân tháp được thiết kế với ba thuỳ và vươn cao theo sáu cánh như bông hoa mọc lên từ lớp cát sa mạc.
Toà tháp Khalifa nằm trong tổng thể trung tâm thương mại Dubai với tổng trị giá lên đến 20 tỉ USD. |
Burj – Dubai tưởng chừng phải dừng xây dựng khi “virút khủng hoảng kinh tế” lan đến Trung Đông. May thay, người hàng xóm thân thiết Abu Dhabi (một tiểu vương quốc khác cũng trong UAE) đã bơm hàng tỉ USD để chi trả cho những khoản nợ khổng lồ của Dubai. Sheik Khalifa bin Zayed Al Nahyan, người lãnh đạo Abu Dhabi – cũng là tổng thống UAE, đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch giải cứu này. Tại lễ khánh thành, công trình được đổi tên Burj Khalifa để vinh danh vị hoàng thân giàu tham vọng.
Mở cửa tháng 1.2010, Buji Khalifa gồm 168 tầng và cột tháp ăngten đạt độ cao 829,84m với hệ thống bãi xe, văn phòng cho thuê, căn hộ, khách sạn (Armani) cùng nhà hàng, hồ bơi, siêu thị… Thang máy trong lòng tháp nhanh bậc nhất thế giới, 64km/h. Bancông tầng 124 là điểm quan sát ngoài trời cao nhất thế giới, 452m; dưới đó hai tầng là nhà hàng cao nhất thế giới – At.mosphere. 142.000m2 mặt kính và những tấm thép không gỉ được dùng để nẹp kính theo chiều thẳng đứng. Gần 1 triệu lít nước cung cấp hàng ngày qua hệ thống ống dài 100km và 200km đường dẫn đưa nước làm mát vào hệ thống máy lạnh cũng như giúp hạ nhiệt bêtông giữa cái nắng Dubai 50o. Để rửa 24.348 cửa sổ nếu dùng sức người thì 36 công nhân sẽ mất khoảng bốn tháng nhưng nhờ có những máy tự động được treo trên cáp tại các tầng 40, 73, 109 đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.
Hành trình thăm toà tháp trị giá 1,5 tỉ USD tràn ngập thông tin qua mỗi bước chân. Tôi thích nhất là thả bộ qua hành lang đầy chất nhân văn vinh danh các kiến trúc sư, kỹ sư, quản đốc, chuyên gia, điều hành viên, công nhân… góp phần tạo nên diện mạo Burj Khalifa. Nhiều màn hình mô tả sinh động quá trình thi công, những khó khăn thử thách, những kỷ niệm trong khi xây dựng Khalifa càng làm du khách thêm cảm phục sự sáng tạo của con người.
Bỏ qua đầy rẫy con số kỷ lục, tôi bị lôi cuốn bởi quyết tâm và tầm nhìn của những ông chủ dầu mỏ UAE. Họ đã biến nhược điểm của mảnh đất khô cằn thành nét thu hút du khách không chỉ với Khalifa mà còn là đảo cọ nhân tạo, khách sạn bảy sao Burj Al Arab, sân trượt tuyết – Ski Dubai giữa sa mạc, safari tour khám phá đồi cát… Đoạn phim được chiếu trên màn hình dài 65m trên đường vào chân tháp Khalifa, người ta mô tả Dubai cách đây chỉ vài mươi năm còn là một làng chài ven sa mạc... Bầu trời đầy sao trên màn hình kết với toà nhà Khalifa đang toả sáng như nói lên sự năng động của Dubai, chân trời mới cho những lữ khách yêu xê dịch.
Hội đồng Các công trình kiến trúc chọc trời và nhà ở đô thị – CTBUH đã trao cho Burj Khalifa vinh dự “biểu tượng toàn cầu – Global Incon”, giải thưởng chỉ diễn ra 10 – 15 năm một lần. Burj Khalifa cũng được bình chọn là điểm du lịch hấp dẫn và tốt nhất tại Dubai với con số hơn 1 triệu du khách từ khi mở cửa tháng 1.2010. Tín đồ Hồi giáo có thể bỏ thêm tiền lên phòng cầu nguyện tầng 158, được tin là nơi gần nhất với thánh Allah. Bạn nên đặt mua vé sớm trên mạng tại website http://www.burjkhalifa.ae (100 AED ~ 27 usd). Buổi sáng là thời điểm lý tưởng lên tháp. Mua vé trực tiếp tại chân tháp bạn nên đến từ sớm để xếp hàng (9:00AM). Taxi hoặc metro (dừng tại trạm Dubai Mall) là hai phương tiện nhanh nhất đến Burj Khalifa. Từ TP.HCM hiện đã có chuyến bay thẳng đến Dubai của hãng hàng không Emirates Airlines khởi hành hàng ngày lúc 8:30PM và đến Dubai lúc 1:00AM. Bạn cũng có thể sử dụng Qatar Airways, Thai Airways nhưng phải quá cảnh với nhiều mức giá khác nhau dao động từ 550 usd trở lên tuỳ theo mùa. Khách sạn Dubai 50 – 150 usd/đêm cho phòng 1 – 3*. Tiền tệ tại Dubai là AED (Emirati Dirham). 1 AED = 0,27 USD hay 1 USD = 3,67 AED. |
(Theo SGTT)