Em trai tôi năm nay đã 36 tuổi, hiện đang làm nhân viên tại một công ty tin học ở Hà Nội. Tuổi cũng đã lớn, nhưng cậu em tôi vẫn còn độc thân, thậm chí còn chưa có cả một mối tình nghiêm túc theo đúng nghĩa.

Theo đánh giá, ngoại hình của em tôi ở mức bình thường, mức lương đều đặn tầm 15 triệu/tháng, không dính phải thói xấu "đổ tường" nào, ngặt nỗi chuyện tình duyên lại hết sức lận đận.

Hễ cậu em tôi cứ tìm hiểu, làm quen ai là bạn gái đó chỉ sau một thời gian là có người yêu mới hoặc đi lấy chồng. Thậm chí, công ty còn đặt cho biệt danh là "anh hùng giải phóng phụ nữ".

Bản thân tôi là chị gái, đã hết sức mai mối tác hợp mà cũng không thành công. Các mối quan hệ của cậu em tôi chỉ kéo dài 2-3 tháng rồi chấm dứt. Khi được tôi hỏi, mấy bạn gái do tôi giới thiệu đều từ chối trả lời lý lo mà chỉ nói là không hợp.

Rồi bỗng một ngày, em tôi đưa ra kết luận từ trước tới giờ đã chọn sai đối tượng để tìm hiểu. Em tôi cho rằng các cô gái đã đi làm nhiều năm có lối suy nghĩ thực dụng nên sẽ không chấp nhận một người chưa có nhà riêng, phải ở nhà thuê như mình.

Nói là làm, em tôi chuyển hướng sang cưa cẩm những cô gái trẻ, ai ngờ kết quả còn bi đát hơn trước. Chỉ sau 1-2 lần gặp mặt đi chơi mà gọi điện phía bên kia không thèm nghe máy, còn chặn cả Facebook, Zalo.

Tuy nhiên, cậu em tôi tin tưởng vẫn đang đi đúng hướng, thất bại chẳng qua là do không có xe đẹp. Theo lời em tôi kể lại rằng có một cô gái đã đồng ý đi chơi cùng nhưng khi thấy em tôi đi xe Dream cũ nên lúc về thay đổi thái độ.

Thế rồi nó đưa ra quyết định, vì hạnh phúc lâu dài sẽ dồn hết số tiền 600 triệu đồng tự tiết kiệm được để mua ô tô. Bố mẹ tôi nghe xong sửng sốt, phản đối kịch liệt nhưng cậu em tôi không nghe theo.

{keywords}
Xe mới thì đã có nhưng cậu em tôi vẫn thất bại trên tình trường. Ảnh minh họa

Tôi cũng ra sức khuyên nhủ nó nên dành số tiền này để mua một căn chung cư trả góp. Còn về chuyện xe cộ, tôi sẽ mua tặng nó một chiếc xe tay ga mới hoàn toàn. Xe ô tô nghe thì hoành tráng nhưng chỉ là phương tiện để đi lại, sang nước ngoài thì cũng giống như xe máy thôi. Nhất là với người chưa có nhà cửa ổn định như em tôi, nếu sắm ô tô trước dễ bị đánh giá là đua đòi, thích sĩ diện.

Thế nhưng nó chê tôi đã già rồi, không thể hiểu được tâm lý của giới trẻ bây giờ.

Vì không được ai ủng hộ, em tôi tự tìm hiểu, tự mua xe. Nó còn tuyên bố là sẽ tích cực chạy Grab để dành tiền mua nhà cưới vợ.

Tuy nhiên, sau một thời gian có xe thì chuyện tình duyên của em tôi vẫn chưa đâu vào đâu cả. Dù đã có bốn bánh nhưng vì tính tình gàn dở nên chưa có cô gái nào đồng ý nhận lời yêu. Chuyện mua nhà an cư lạc nghiệp cũng dần trở nên xa vời khi nó đắm đuối với cái xe mới, mải đi chơi, đi giao lưu, chạy Grab cũng chỉ được bữa đực, bữa cái, tiền kiếm được không đủ nuôi xe.

Ngẫm lại, quả thực chiếc áo chẳng thể làm nên thày tu. Dẫu có đi ô tô mà tác phong, cách cư xử không chuẩn mực thì cũng không sang trọng thêm chút nào cả. Tôi đồ rằng, nếu em tôi có đi xe tiền tỷ thì kết quả vẫn chỉ như vậy. Có lẽ cũng chẳng cô gái nào ác cảm với chiếc xe Dream như nó tưởng tượng cả. Chính tính cách trẻ con, thiếu chắc chắn mới làm họ cảm thấy không an toàn. Còn chiếc xe trong trường hợp này chỉ làm xấu thêm tình hình, nó như một lời khẳng định về sự thiếu trưởng thành của cậu em tôi mà thôi.

Độc giả Bích Phương, Thanh Xuân, Hà Nội

Bạn có trải nghiệm gắn với những chiếc xe? Hãy chia sẻ bài viết cộng tác tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Văn hoá lái xe: Những gam màu sáng trong một năm qua

Văn hoá lái xe: Những gam màu sáng trong một năm qua

Dù đâu đó vẫn còn nhiều thói quen “xấu xí”, thế nhưng cần phải nhìn nhận rằng, ý thức tham gia giao thông của của đông đảo tài xế Việt năm vừa qua đã có những bước tiến tích cực.