- Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, tôi lại vô cùng háo hức. Sang năm mới, gia đình tôi quây quần bên nhau, tôi được mặc những bộ đồ mới, được thức trông nồi bánh chưng đêm giao thừa…và đi cùng với bố tới nhà chúc tết ông chú (ông chú tức là em ruột của ông nội, đó là cách xưng hô ở quê tôi).

Ông nội mất trước khi tôi chào đời nên ông chú đã dành trọn sự yêu thương, chăm sóc và dạy bảo tôi sống nên người. Ông luôn xem tôi giống như cháu ruột.

Năm nay, ông đã bước sang tuổi 95, cái tuổi mà người xưa vẫn thường nói: “xưa nay hiếm”.
Như thành cái lệ, trong gia đình tôi, năm nào cũng vậy, cứ sáng mồng môt Tết, tôi với bố lại qua nhà chúc tết ông, rồi ở lại dùng cơm, cùng ông ôn lại những kỷ niệm vui buồn, những việc đã làm và chưa làm được trong năm qua và đưa ra phương hướng cho năm tới.

Tôi lúc nào cũng quấn quýt bên ông, không chịu rời xa cho dù nửa bước. Những lúc ở bên ông, tôi thường làm nũng để được ông cưng chiều. Rồi ông hỏi tôi từ chuyện học tập ở trường, có ngoan ngoãn, có vâng lời bố mẹ hay không.

Sau khi hỏi xong, ông giúi vào tay tôi một cái lì xì nhỏ, rồi xoa tay lên đầu tôi với một cử chỉ âu yếm và nhẹ nhàng: “ Đây là phần thưởng ông dành cho cháu, ông chúc cháu lớn nhanh và sống thật có ích”.
Nhận lì xì xong, tôi cảm ơn ông và hứa với ông: “Cháu sẽ sống thật có ích để không phụ lòng mong mỏi của bố, mẹ và của ông”.
Mấy năm trở lại đây, sức khỏe của ông đã có phần giảm sút, phần nhiều do tuổi tác đã cao. Tôi với bố tới chúc Tết, nhưng ông không thể ngồi dậy.
Nhìn thấy tôi từ xa, ông rất vui. Tôi bước lại cạnh giường ông đang nằm, chúc Tết rồi nắm tay ông, xoa bóp bả vai.

Rồi ông hỏi tôi ân cần: “Cháu ngoan, có gì mới không kể ông nghe nào…”.

Tôi kể những thành tích mà mình đã đạt được trong năm qua. Nghe xong, ông rất hài lòng. Tuy sức khỏe yếu, không cho phép ông ngồi dậy trò chuyện giống như những người bình thường, nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn.
 
Như có sự chuẩn bị từ trước, ông thò tay vào túi áo rồi lấy ra chiếc lì xì nhỏ: “Đây là phần thưởng của cháu”.
Những chiếc lì xì của ông thưởng, tôi luôn lưu giữ một cách cẩn thận và xem nó giống như những kỷ vật linh thiêng. Mỗi khi nhìn vào nó, tôi lại nhớ tới những lời dạy bảo của ông, tôi thầm hứa mình phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Giờ đây, tôi đã lớn khôn, nhưng trong mắt ông, tôi vẫn còn bé bỏng. Thấy ông nằm trên giường bệnh, tôi thấy thương ông nhiều hơn.
Từ trong thâm tâm, tôi muốn nói với ông rằng: “Cháu mong ông sống thật vui, thật khỏe để sau này cháu còn có dịp để phụng dưỡng. Rồi sau này, cháu sẽ lập gia đình, có vợ và có con. Cháu muốn ông được chứng kiến những bước đi thăng trầm của cháu.
Nguyễn Văn Hiếu (Tiên Phong, Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)