Khi Damascus chuẩn bị đón tiếp một đoàn quan sát viên Ảrập, nhiều câu hỏi
được đặt ra về những triển vọng thành công của phái đoàn hòa bình này, và những
ý định của Syria đối với họ.
TIN BÀI KHÁC:
Những chuyện sốc nhất năm 2011
Những bức ảnh quy chuẩn khó tin về Kim Jong-il
Biểu tình phản đối Tổng thống
Bashar al-Assad ở Damascus. (Ảnh: Reuters)
Liệu bạo lực tăng đột ngột, đặc biệt là ở tỉnh Idlib gần biên giới với Thổ Nhĩ
Kỳ, có là dấu hiệu về một nỗ lực phút chót của các lực lượng chính phủ nhằm diệt
trừ các ổ phản kháng ở một khu vực chiến lược then chốt trước khi chấm dứt bạo
lực?
Điều đó sẽ ám chỉ rằng Tổng thống Bashar al-Assad và ban lãnh đạo nòng cốt
nghiêm túc thực thi kế hoạch hòa bình Ảrập - một giả định mà rất ít các nhà phân
tích, và thậm chí càng ít những người chống đối chế độ, tin theo. Họ tin rằng kế
hoạch sẽ báo hiệu hồi kết của chế độ, vì chế độ sẽ buộc phải chấm dứt sự trấn áp
vũ lực vốn là biện pháp duy nhất hòng duy trì sự kiểm soát ở rất nhiều khu vực.
Quyết tâm trấn áp
Theo kế hoạch hòa bình, tất cả các lực lượng vũ trang sẽ được rút ra, và tất cả
các tù nhân được trả tự do, khi hàng trăm giám sát viên Ảrập cùng với báo chí
Ảrập và quốc tế được phép đi lại ở khắp đất nước mà không gặp trở ngại.
Ngay từ đầu cuộc nổi dậy, các nhà chức trách đã vài lần thông báo rằng quân đội
đã rút khỏi nhiều thành phố như Deraa và Hama, để rồi họ di chuyển trở lại sau
đó sau khi quyền kiểm soát bị mất. Vì vậy, nhiều người cho rằng nhiều khu vực
rộng lớn của Syria sẽ tuột khỏi quyền kiểm soát của chính phủ nếu kế hoạch không
được thực thi đầy đủ.
Chỉ 2 thành phố lớn nhất, thủ đô Damascus và Aleppo ở miền bắc, hầu như vẫn chưa
bị bạo lực động đến, mặc dù những vụ việc đã bắt đầu nhân rộng tại đó bất chấp
các nỗ lực cao nhất của chính phủ nhằm dập tắt chúng.
Trước áp lực ngày càng gia tăng cả từ trong và ngoài nước, liệu chính phủ có
biết trước điềm báo và quyết định từ bỏ quyền lực hoặc chấp nhận một sự chuyển
giao êm thấm trong tình hình hiện tại?
Điều đó thật khó tưởng tượng.
Các nhà lãnh đạo Ảrập khác đối mặt với làn sóng nổi dậy đều có xu hướng sống
trong ảo tưởng, tự thuyết phục mình rằng người dân thực sự yêu họ, và họ có thể
trụ vững nếu kiên quyết trấn áp phe nổi dậy.
Ban lãnh đạo Ảrập dường như cũng không phải ngoại lệ. Gần như thường nhật, vào
cuối ngày, đài truyền hình nhà nước phát sóng cảnh những cuộc tuần hành lớn của
phe trung thành với chế độ ở Damascus và các thành phố khác, với các khẩu hiệu
phản đối sự can thiệp từ bên ngoài và ủng hộ việc ra quyết định độc lập của đất
nước.
Thực tế, Tổng thống Assad có vẻ đứng trên một nền tảng vững chắc hơn so với một
số người đồng nhiệm của ông đã bị hạ bệ trước đó.
Nhiều bộ phận xã hội lo lắng về triển vọng tiếp quản của đa số người Sunni - có
thể bị tác động bởi những người cấp tiến Hồi giáo - dường như trung thành với
Assad, trong đó có cộng đồng Alawite của ông, và các cộng đồng thiểu số khác, và
thậm chí các doanh nhân và thương gia trung lưu người Sunni đang hưởng lợi từ
chế độ.
Một phần sự ủng hộ đó có thể sẽ thu nhỏ khi các điều kiện sống trở nên tồi tệ
hơn. Một số nhà phân tích tin rằng một sự suy sụp về kinh tế có thể là yếu tố
dẫn tới hạ bệ chính phủ nhanh hơn nhiều người nghĩ.
Các lực lượng vũ trang của Syria đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập bắn đạn thật,
cũng được phát sóng rộng rãi trên truyền thông nhà nước, nhằm phát đi một thông
điệp rằng quân đội vẫn đoàn kết và đủ khả năng đối phó với bất cứ một mối đe dọa
nào, dù ở trong hay ở ngoài đất nước.
Bất chấp những áp lực mà quân đội phải đối mặt khi trấn áp làn sóng nổi dậy, đến
thời điểm này không có dấu hiệu nào cho thấy tất cả các đơn vị sẽ đào ngũ, hoặc
về các động thái bên trong lực lượng vũ trang nhằm thực hiện một cuộc đảo chính.
Sẽ rất khó để làm như vậy, vì sự kiểm soát sâu rộng đã được xây dựng bên trong
các cơ cấu quân sự. Điều đó cũng bao gồm việc tiếp quản các trung tâm quyền lực
ở Damascus. Trong nhiều năm, đơn vị quân đội duy nhất được phép tiếp cận hoặc di
chuyển qua thủ đô là Sư đoàn số 4 cực kỳ trung thành do em trai Maher của Tổng
thống Assad chỉ huy.
Kế hoãn binh?
Tất cả những điều này cho thấy Tổng thống Assad và đại gia đình cùng bạn bè của
ông, những người đại diện cho nhóm quyền lực nòng cốt, có lẽ tin chắc rằng họ có
thể tiếp tục nắm quyền kiểm soát nếu chấp nhận các đề nghị hợp tác với sáng kiến
Ảrập và kéo dài thời gian, trong khi tiếp tục đàn áp làn sóng phản đối và đổ lỗi
cho "những tên khủng bố có vũ trang" gây ra bạo lực.
Ít nhất đó là những gì mà các nhà hoạt động và các tổ chức nhân quyền lo ngại
khi các quan sát viên Ảrập sắp bắt đầu sứ mệnh của họ.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria kêu gọi Liên đoàn Ảrập không nên để cho phái
bộ của họ "ném phao cứu đắm" cho chính phủ Syria bằng cách cho họ có thêm thời
gian. Tổ chức này cho rằng không thể nào các nhóm nhỏ quan sát, với tổng số lên
khoảng vài trăm vào giữa tháng 1 tới, có thể giám sát được hàng loạt điểm bất ổn
và hàng trăm nhà tù cùng các trung tâm giam giữ cải tiến do 17 cơ quan an ninh
của chính phủ lập ra trên toàn đất nước.
Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập, Nabil al-Arabi, từng tuyên bố sẽ rõ ràng trong vòng
một tuần về việc chính phủ Syria có nghiêm túc thực thi kế hoạch hay không.
Bằng cách ký kết nghị định thư của Liên đoàn Ảrập hôm 19/12 - một văn bản khá
nghiêm khắc và cứng rắn - chính phủ ở Syria đã ngầm thừa nhận rằng họ đang ở
chân tường bất chấp những thách thức và hiên ngang khi đối mặt với áp lực và các
lệnh cấm vận.
Về giả thuyết, Syria cam kết sẽ chấm dứt bạo lực và hướng tới những gì Ngoại
trưởng Walid Muallim mô tả hôm 19/12 là "một Syria hiện đại, phồn thịnh kiểu mẫu
về dân chủ và đa nguyên".
Những người phản đối nói rằng thật khó tin vào điều đó.
Thanh Hảo (Theo BBC)