Sản phẩm nông, lâm sản Bắc Kạn được sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia gia tăng là yếu tố mang tính quyết định đến phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Sự liên kết của doanh nghiệp, hợp tác xã đối với người dân là cách thức để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hướng đến vùng thị trường, vùng nguyên liệu tốt, có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nổi bật trong đó là sản phẩm quýt Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Cây quýt vốn là cây ăn quả đã được người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trồng từ nhiều năm nay. Những năm gần đây, sản phẩm quýt Bắc Kạn đang ngày càng được người dân Bắc Kạn cũng như các địa phương trong vùng ưa chuộng, trở thành sản phẩm hàng hóa nông sản đặc trưng giúp người dân giảm nghèo, làm giàu bền vững.

W-camquyt.png
Sản phẩm quýt Bắc Kạn đang ngày càng được người dân Bắc Kạn cũng như các địa phương trong vùng ưa chuộng

Quýt Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn khác với các giống quýt khác nhờ các đặc thù về cảm quan cũng như chất lượng với hình dạng quả to, vỏ mỏng, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép quả màu vàng rơm, khi chín vị chua dịu, mùi hương rất thơm. Trong quá trình sản xuất người dân không dùng chất kích thích và hoá chất bảo quản sau thu hoạch, nên là loại sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.  

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ trong gieo trồng, nhân giống, diện tích quýt Bắc Kạn đã tăng gấp 200 lần chỉ trong vòng hơn 10 năm qua. Hiện, quýt Bắc Kạn đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cây quýt cũng nằm là một trong các cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn những năm gần đây.  

Huyện Bạch Thông là một trong những địa phương trồng quýt lớn nhất tỉnh, là cây trồng chủ lực của huyện Bạch Thông nói riêng và Bắc Kạn nói chung với diện tích trên 1.600 ha, sản lượng bình quân hàng năm khoảng 16 nghìn tấn. Nhờ cây quýt, thời gian qua trên địa bàn xã đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, có đời sống ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã qua các năm.

Bởi vậy, cây quýt được xác định là cây trồng xóa đói giảm nghèo và làm giàu của địa phương. Tuy nhiên, quýt của một số vùng khác cũng được mạo danh là quýt Bắc Kạn và đem bán ra thị trường dã gây ảnh hưởng đến uy tín và thu nhập của người dân.

Việc quýt Bắc Kạn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là cơ hội lớn cho tỉnh Bắc Kạn trong việc phát triển cây trồng đặc sản của địa phương, đồng thời cũng đặt ra thách thức đối với tỉnh Bắc Kạn trong việc bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt Bắc Kạn.

Do đó, đòi hỏi tỉnh Bắc Kạn cần phát triển, xây dựng thị trường tiêu thụ, xây dựng chuỗi sản phẩm giá trị, kết hợp hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với đời sống kinh tế của người dân. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học trong việc bảo tồn, nhân giống và phát triển các sản phẩm quýt đảm bảo chất lượng.  

Quốc Hoàn và nhóm PV, BTV