Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội, việc “bà hỏa” liên tiếp "ghé thăm" các chung cư cao tầng đã khiến người dân cảm thấy lo lắng, bất an.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại các chung cư của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu do “ông trùm nhà giá rẻ” Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư. Tối ngày 11/10, “đại hỏa” đã phát ra từ tầng hầm khu chung cư Xa La (Hà Đông) khiến hàng ngàn người hoảng loạn, các lực lượng phải ứng cứu cho gần 100 người ở các tòa CT4A, CT4B, CT4C. Vụ cháy đã làm nhiều xe máy, ô tô đã bị cháy dưới 2 tầng hầm.
Đến sáng nay (12/10), công tác khắc phục hậu quả vụ cháy tối qua tại toà nhà CT4A, CT4B, chung cư Xa La vẫn đang được tiến hành. Nhiều người dân vẫn còn bàng hoàng sau vụ cháy, dần dần trở về nhà để dọn dẹp, trở lại cuộc sống hàng ngày.
Trước khi các chung cư cao tầng ở tòa nhà CT4A, CT4B, CT4C thuộc khu đô thị Xa La (Q.Hà Đông, Hà Nội) bị cháy thì “giặc hỏa” đã liên tiếp xảy ra tại các chung cư. Ngày 16/9, hỏa hoạn tại chung cư HH4A, khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Vài ngày sau vụ cháy tòa HH4A Linh Đàm, ngày 20/9, dân cư ở tòa CT5B, thuộc Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông) lại hoảng loạn vì cháy. Nhiều ngày sau hỏa hoạn, cư dân tại các tòa nhà vẫn chưa hết bàng hoàng.
|
Khu vực bên ngoài tòa nhà tại khu Kim Văn – Kim Lũ được ra sức tận dụng bán hàng, làm bãi đỗ xe...
|
Việc “bà hỏa” liên tiếp "ghé thăm" các chung cư cao tầng đã khiến người dân cảm thấy lo lắng, bất an. Một cư dân sống tại chung cư Kim Văn – Kim Lũ cho biết, sau đợt cháy chung cư HH4A, chung cư có được diễn tập, phổ biến kiến thức cơ bản về việc phóng cháy chữa cháy. Tuy nhiên chính những cư dân cũng thừa nhận, dù có được phổ biến nhưng kiến thức của họ vẫn hết sức mơ hồ.
Ghi nhận tại chung cư Kim Văn – Kim Lũ, khu vực bên ngoài tòa nhà được ra sức tận dụng bán hàng, làm bãi đỗ xe... gây cản trở cho xe cứu hỏa khi di chuyển, xe thang không thể tiếp cận nhanh nhất. Đây cũng là hình ảnh phổ biến tại nhiều khu đô thị như khu đô thị Nam Trung Yên, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính…
|
Hình ảnh hàng quán bủa vây các tòa nhà phổ biến tại KĐT Trung Hòa – Nhân Chính. |
Tại một số tòa nhà chung cư, hệ thống phòng cháy chữa cháy chỉ để “làm cảnh” với hộp cứu hỏa không có dụng cụ. Khu vực cầu thang thoát hiểm cũng được tận dụng để bán hàng hoặc để đồ.
|
Hệ thống phòng cháy chữa cháy chỉ để “làm cảnh” với hộp cứu hỏa không có dụng cụ tại chung cư CT4B-X2 (Bắc Linh Đàm). |
Cư dân sống tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính cho biết, dù chuyển về tái định cư ở đây trong thời gian khá lâu nhưng cũng không thấy có lần nào được diễn tập phòng cháy chữa cháy, việc tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy cũng không được phổ biến thường xuyên. “Ban quản lý cũng đã hạn chế việc sử dụng bếp than tổ ong nhưng hiện tượng đun bếp than tổ ong trước tòa nhà là vẫn có” – một cư dân cho biết.
|
Khu vực hành lang thoát hiểm được người dân tận dụng làm nơi để xe, chứa đồ… |
Cùng với sự “mơ hồ” của người dân về vấn đề phòng cháy chữa cháy thì chính chủ đầu tư tại các chung cư cũng tỏ ra “thờ ơ”. Không ít công trình đã được bàn giao sử dụng dù chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vi phạm này càng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn cháy nổ.
|
Hàng quán được bày ngay khu vực hành lang, lối đi. |
Số liệu từ Cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội cho thấy: Tính đến quý II/2015, toàn thành phố có 891 công trình nhà cao tầng, trong số 779 công trình đã đưa vào sử dụng thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Hiểm họa còn rình rập từ chính những “chuồng cọp”, lồng sắt tại nhiều khu đô thị mới.
|
Trên thực tế việc tồn tại một số công trình được cấp phép xây dựng nhưng thiếu những văn bản theo quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cũng cho thấy sự bất cập trong quản lý hiện nay. Và hơn hết, không ai khác chính những người sinh sống ở đây sẽ chịu thiệt hại khi cháy nổ xảy ra.
Hồng Khanh