Trong hoàn cảnh hàng giả hàng nhái khiến người tiêu dùng hoang mang và nhiều DN gặp rắc rối oan, nhiều các khóa tập huấn về quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) được mở nhằm nâng cao ý thức tự bảo vệ mình cho doanh nghiệp.

Theo thống kê cho thấy, số lượng đăng ký về quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vị cả nước tăng khá nhanh từ 10.000 nhãn hiệu năm 2000 đến nay có khoảng 105.000 nhãn hiệu (3.000 bằng độc quyền sáng chế, 7.000 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 95.000 nhản hiệu). Điều đó chứng tỏ ý thức doanh nghiệp về vấn đề bảo hộ quyền SHTT có sự cải thiện đáng kể.



Đẩy mạnh tập huấn về SHTT nhằm bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp


Tuy nhiên, việc đăng ký và bảo vệ quyền SHTT chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa thật sự am hiểu những qui định, chỉ biết rằng thủ tục đăng ký nhãn hiệu đơn giản, nhưng thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp thì phức tạp hơn và phức tạp nhất là đăng ký sáng chế, vì nó liên quan đến cấu tạo sản phẩm, phương pháp sản xuất.

Hiểu được thực tế này, vừa qua Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) các tỉnh đã đồng loạt tổ chức các lớp tập huấn về SHTT nhằm mục đích nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong tỉnh, hướng xác lập quyền và thực thi quyền SHTT theo Luật SHTT Việt Nam như: Sở KH&CN Ninh Thuận; Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Long và Sở KH&CN TP.HCM (26/9/2010); Sở KH&CN Bình Dương (26/8/2010); Sở KH&CN Bình Thuận (13/07/2010).


Các lớp tập huấn ngoài truyền đạt các nội dung cơ bản, tổng quan về SHTT còn: Hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký bảo hộ SHTT cho các đối tượng (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp); Tư vấn về bảo hộ quyền SHTT cho các doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề sáng tạo, sáng kiến, đăng ký sáng chế, những lợi nhuận và cách thức phân chia của tác giả tạo ra sáng chế...


Các lớp tập huấn nhằm giúp các cá nhân, doanh nghiệp nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ, nắm được các kỹ năng trong việc tạo ra tài sản trí tuệ, biết cách bảo hộ, ngăn cản sử dụng trái phép và kinh doanh trực tiếp tài sản trí tuệ để tăng thêm lợi nhuận.


K.A