TTCK trầm lắng kéo dài nhưng một số NĐT vẫn tìm kiếm cơ hội sinh lời từ những cổ phiếu có những có những diễn biến quan trọng hay những cố phiếu thường có diễn biến bất thường. Đó có thể là sự may rủi khi đầu tư theo những sự kiện bất thường.
‘Chơi kiểu gì cũng chết’, rủ nhau bỏ chứng khoán
Liều mình và may rủi
Trong phiên giao dịch 23/9, thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung lại chứng kiến sự sôi động bất ngờ ở hai mã cổ phiếu HAR và PVF, trái ngược hoàn toàn với tình cảnh trầm lắng, ảm đạm chung trên thị trường.
Cổ phiếu HAR của CTCP đầu tư thương mại An Dương Thảo Điền tới gần cuối phiên 23/9 có dư mua trần lên tới gần 460.000 đơn vị sau khi đã có gần 1,7 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên.
Trước đó, hôm 19/9 HAR cũng đã có một phiên tăng trần với khối lượng giao dịch cũng rất lớn sau khi cổ phiếu này có chuỗi giảm liên tục gần 5 tháng qua, từ mức 35.000 đồng/cp về 5.200 đồng/cp hôm 18/9.
Ở mức độ nóng bỏng hơn, cổ phiếu PVF của Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam trong phiên giao dịch 23/9 có tới hơn 2,9 triệu cổ phần được chuyển nhượng với dư mua giá trần vào cuối phiên còn tới hơn 1,8 triệu đơn vị.
PVF tăng trần (phiên thứ 2 liên tiếp) được cho là do giới đầu tư tiếp tục vét hàng cổ phiếu này trong bối cảnh 23/9 là ngày cuối cùng cổ phiếu này niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HSX). Nhiều NĐT có lẽ kỳ vọng sau sáp nhập (với WesternBank), cổ phần ngân hàng mới (Pvcombank) sẽ ở mức cao.
Trong phiên cuối tuần trước (20/9), PVF đã lập kỷ lục giao dịch lớn chưa từng có trong lịch sử với gần 24,2 triệu đơn vị, trị giá hơn 91 tỷ đồng được chuyển nhượng. Nhiều NĐT cho rằng, áp lực bán của khối ngoại đã hết và lực mua của khối nội kéo giá cổ phiếu PVF đi lên là dễ hiểu.
Trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX), cổ phiếu VCG của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam sáng 23/9 cũng quay đầu tăng trần từ 7.500 đồng lên 8.200 đồng/cp với 2,1 triệu đơn vị được chuyển nhượng, và dư mua một lượng cũng như vậy.
Trong phiên liền trước, VCG cũng đã chứng kiến một phiên giao dịch kỷ lục với gần 15,4 triệu cổ phần, trị giá gần 1.200 tỷ đồng được chuyển nhượng. VCG tăng trở lại trong phiên đầu tuần mới sau khi giảm sàn liên tục nhiều phiên dưới sức ép bán ra của khối ngoại.
Lực mua chứng chỉ quỹ VF1 trong nửa tháng qua cũng có thể thấy, dòng tiền đang vào chứng khoán này để tìm kiếm khoản lợi nhuận chênh lệch khoảng 9% sau khi VF1 chuyển thành quỹ mở vào đầu tháng 11 tới.
Trước đó, TTCK đã từng chứng kiến những thời điểm một số cổ phiếu được giới đầu tư ồ ạt đổ tiền vào trong bối cảnh giao dịch chung ảm đạm như: các cổ phiếu khoáng sản, dầu khí, nhóm thua lỗ Sông Đà, Vinaconex, nhóm cổ phiếu thâu tóm, sáp nhập, nhóm cổ phiếu xin giải thể, nhóm cổ phiếu hủy niêm yết…
Thực tế cho thấy, hiện tượng dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu nào đó thường xảy ra sau khi cổ phiếu đó đã giảm giá mạnh. Hoạt động bắt đáy là điều dễ hiểu, nhất là khi doanh nghiệp hoặc trên thị trường xuất hiện thông tin hỗ trợ nào đó. Tuy nhiên, hoạt động bắt đáy kiếm lời có lẽ không phải dễ dàng.
Kỳ vọng lớn
Trường hợp HAR là một ví dụ về biến động giá hết sức bất thường và cũng chính vì vậy nó thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT, nhất là những người quan tâm nhiều tới các cổ phiếu “có sóng”.
Chỉ tính từ tháng 1/2013 cho tới nay, HAR đã có nhiều con sóng lớn. Cổ phiếu HAR tăng một mạch từ dưới 15.000 đồng/cp lên tới gần 40.000 đồng/cp (nửa cuối tháng 4), sau đó giảm một mạch xuống dưới 20.000 đồng/cp, rồi vọt lên 35.000 đồng/cp và về 5.200 đồng/cp trong tuần vừa qua.
Trong nhiều tháng gần đây, rất nhiều NĐT theo sát bảng điện tử để hy vọng “túm” được đáy của cổ phiếu này. Hàng triệu cổ phiếu được giới đầu tư bắt đáy mỗi phiên nhưng HAR vẫn chứng kiến số phiên giảm sàn áp đảo. Cổ phiếu liên tục mất các mốc 30.000, 20.000, 10.000 rồi về sát 5.000 đồng/cp.
Nhìn vào báo cáo của HAR, DN vẫn có lãi qua các quý, vốn chủ sở hữu lớn, nợ thấp. Có lẽ đây chính là các yếu tố khiến HAR nhiều đợt tăng giá rất mạnh, lên các mức rất cao. Tuy nhiên, cổ phiếu này lại giảm mạnh và không ngóc đầu lên được.
Trên thực tế, sự biến động giá của các cổ phiếu nói riêng và TTCK nói chung ở Việt Nam đôi khi khá bất thường. Giá cổ phiếu nhiều khi không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, mà lại phụ thuộc vào các câu chuyện, sự kiện, tin đồn… Và nói chung niềm tin của giới đầu tư không nằm ở các con số, mà ở những thứ mơ hồ hơn.
Gần đây, HAR vừa phát đi thông tin cho biết, ông chủ tịch của DN này đăng ký mua vào 2 triệu đơn vị. Cùng với sự rớt giá thê thảm, nhiều NĐT kỳ vọng cổ phiếu này sẽ bứt phá và mang đến lợi nhuận khủng.
Hiện tượng dòng tiền đổ mạnh vào một số ít các cổ phiếu bất thường cho thấy, nhiều NĐT không quay lưng hẳn lại với thị trường mà vẫn chờ cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận.
Gần đây, không ít NĐT đã thắng lợi khi đầu tư vào các cổ phiếu bất thường như một số thuộc nhóm thâu tóm, sáp nhập, xin giải thể, hủy niêm yết. Trường hợp Chứng khoán Sao Việt (SVS) chia tiền hậu hĩnh cho cổ đông; Cáp Sài Gòn (CSG) thanh toán tiền món lớn khi giải thể… là các ví dụ như vậy.
Trong khi đó, với các chuyên gia, các nhà quản lý thị trường, hiện tượng dòng tiền “ăn xổi”, chỉ tập trung vào một số mã bất thường như nói trên có lẽ cũng không thể vui được. TTCK cần có dòng tiền bền vững, chảy vào các cổ phiếu làm ăn phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế giao dịch trầm lắng cùng với sự tăng trưởng huy động vốn ngân hàng vẫn ở mức cao (dù lãi suất thấp) cho thấy niềm tin vẫn chưa phục hồi đối với chứng khoán.
Huấn Tú