Việc Trung Quốc tuyên bố biển Đông là một "lợi ích cốt lõi" của mình dường như nâng tầm quan trọng chiến lược của khu vực biển này lên ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương - các lãnh thổ mà Trung Quốc coi là không thể tách rời của quốc gia và cần phải bảo vệ bằng mọi giá. Đây là một mục đích chính trị lạ lùng. Bảo vệ nó sẽ có thể cần các nỗ lực ngoại giao và quân sự ở mức cao nhất. Nhưng liệu Quân giải phóng nhân dân (PLA) có làm theo hay không, và làm thế nào?

Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài đánh giá về các năng lực mới hiện nay của Trung Quốc, giúp các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia xác định liệu các mục đích của Bắc Kinh ở biển Đông có nằm trong khả năng của quân đội hay không, và các nước khác trong khu vực có thể đáp ứng như thế nào với một chính sách ngày càng tham vọng của Trung Quốc mà không gây phản ứng thái quá từ phía Bắc Kinh.

Báo chí ồ ạt viết về sự đã rồi khi Bắc Kinh đòi xác nhận một "lợi ích cốt lõi" trên biển Đông. Theo đó, các quan chức cấp cao Trung Quốc đã khẳng định một lợi ích như thế trong một cuộc gặp hồi tháng 3/2010 với hai chức sắc Mỹ tới thăm là Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg và Phó Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia, phụ trách các vấn đề châu Á Jeffrey Bader. Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn tờ The Australian, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tiết lộ rằng các phái đoàn Trung Quốc đã khẳng định lại yêu sách của Bắc Kinh tại cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung, tổ chức tại Bắc Kinh tháng 5/2010. Kể từ đó, xuất hiện những tuyên bố trái ngược về bối cảnh thực và những gì thực sự được nói trong các cuộc gặp này. Hơn nữa cũng kể từ đó, giới chức Trung Quốc kiềm chế nói về biển Đông với những ngôn từ chính thức và mạnh mẽ như thế tại các hội nghị công khai.

Thái độ nhập nhằng và gây tranh cãi trên gợi lại một sự cố tương tự cách đây 15 năm, khi cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan lên đến đỉnh điểm năm 1996. Khi đó, một vị tướng Trung Quốc được báo giới đưa tin là đã nói với Đại sứ Mỹ Chas Freeman rằng giới lãnh đạo Mỹ "hãy quan tâm nhiều đến Los Angeles hơn đến Đài Loan". Tuyên bố của ông đã nhanh chóng được hiểu là một lời đe dọa hạt nhân. Những bác bỏ sau đó của Trung Quốc càng làm mờ đi bản chất chính xác của tuyên bố không chính thức này. Tuy nhiên, các sự cố này đều cho thấy Bắc Kinh thường bật đèn đỏ xung quanh các vấn đề mà họ cho là hết sức quan trọng đối với sự tồn tại của mình. Các sự cố này cũng cho thấy Trung Quốc dựa vào giá trị bề ngoài của các tuyên bố của mình.

Đúng là Bắc Kinh đang theo đuổi một lợi ích cốt lõi ở biển Đông như một mục đích chính trị. Tuyên bố một lợi ích như vậy dường như sẽ nâng tầm quan trọng chiến lược của khu vực biển này lên ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương - các lãnh thổ mà Trung Quốc coi là không thể tách rời của quốc gia và cần phải bảo vệ bằng mọi giá. Đây là một mục đích chính trị lạ lùng. Bảo vệ nó sẽ có thể cần các nỗ lực ngoại giao và quân sự ở mức cao nhất. Nhưng liệu Quân giải phóng nhân dân (PLA) có làm theo hay không, và làm thế nào?

Liệu Bắc Kinh có những phương tiện quân sự, chiến lược, và có dũng cảm chiến đấu nhằm bảo về một lợi ích có tầm quan trọng như thế hay không? Đánh giá về các năng lực mới có hiện nay của Trung Quốc sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia xác định liệu các mục đích của Bắc Kinh ở biển Đông có nằm trong khả năng của quân đội hay không. Nếu không, điều quan trọng là xem xét thời gian và nguồn lực mà Trung Quốc cần đầu tư để có được khả năng phòng thủ đáng tin cậy nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình. Phân tích này cũng sẽ cho thấy các nước khác trong khu vực có thể đáp ứng như thế nào với một chính sách ngày càng tham vọng của Trung Quốc mà không gây phản ứng thái quá từ phía Bắc Kinh.

Một loạt mục đích chiến lược

Trước tiên, Bắc Kinh ngụ ý gì khi nói "lợi ích cốt lõi" và một lợi ích như thế sẽ dẫn tới chỉ đạo chiến lược nào? Nếu ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc coi biển Đông giống như Đài Loan, tức là họ có một số dụng ý chiến lược như sau:

Chủ quyền lãnh thổ là không thể chia cắt: Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc coi chủ quyền biển là không thể tách rời khỏi chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ trên đất liền, điều này có nghĩa là các tranh chấp lãnh thổ không thể mãi trong tình trạng vĩnh viễn không giải quyết được. Dù Bắc Kinh đã chuẩn bị "gác lại" những yêu sách gây tranh cãi nhằm cùng nhau khai thác tài nguyên, nhưng quan điểm của họ về sự toàn vẹn lãnh thổ vẫn là bất khả xâm phạm. Và họ sẽ đi theo con đường của mình.


Ảnh minh họa: THX

Trung Quốc cần tăng cường quân sự nhằm giành lại các lãnh thổ tranh chấp: Do đó, nếu biển Đông là một lợi ích cốt lõi phải giữ trong mọi hoàn cảnh, thì Trung Quốc sẽ tích lũy các nguồn lực cần thiết để đánh bại mọi nỗ lực của bên ngoài muốn biến sự nguyên trạng hiện nay thành thực tế chính trị vĩnh viễn. Bắc Kinh cuối cùng sẽ cần năng lực đủ để giành lấy các lãnh thổ đang tranh chấp, toàn bộ và nguyên vẹn, trong khi cảnh giác với ý định của các đối thủ nhằm đảo ngược các thành quả của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ áp đặt một trật tự khu vực mới: Để bảo đảm sự thống nhất quốc gia và bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình, Trung Quốc sẽ thiết lập một trật tự khu vực mới bất chấp thách thức từ các nước láng giềng và các cường quốc bên ngoài. Họ có thể lập trật tự này thông qua sự đồng thuận hoặc ép buộc ngoại giao, tùy theo tình hình. Tuy nhiên, để tự vệ chống lại các mối đe dọa đối với một trật tự do Trung Quốc đi đầu, việc xây dựng một lực lượng hải quân có thể chế ngự khu vực cần phải khôn ngoan.

Các hàm ý trên sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tới một quan điểm tối đa hóa các lợi ích cốt lõi của quốc gia. Nếu Bắc Kinh hành động theo các dụng ý trên, biển Đông sẽ trở thành một cái hồ của Trung Quốc, trong đó PLA cấm các lực lượng hải quân nước ngoài can thiệp.

Tuy nhiên, có một cách hiểu đơn giản hơn, dựa trên lịch sử của Mỹ. Một số người ở Trung Quốc xem biển Đông, biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải, vốn được biết tới là "ba biển" hay "các biển gần" Trung Quốc, theo cách người Mỹ của thế kỷ 19 coi biển Caribbea và Vịnh Mexico là phần lãnh thổ mà Mỹ cần chế ngự để thực hiện tiềm năng chính trị và thương mại của mình. Với một số ít ngoại lệ là các đảo giành lại từ Tây Ban Nha năm 1898, Washington không hề đưa ra yêu sách lãnh thổ nào trên biển Caribbea hay vùng Vịnh, cũng không cấm tàu thuyền của châu Âu đi qua các khu vực biển này. Các chính quyền Mỹ chủ yếu muốn ngăn chặn các nỗ lực của châu Âu đặt các căn cứ hải quân ở hai bên hải trình dẫn tới eo biển Trung Mỹ, địa điểm dự kiến của một kênh đào xuyên đại dương.

Đây đúng là mục đích mà Tổng thống Theodore Roosevelt nêu ra trong "hệ luận"  của Học thuyết Monroe năm 1904. Roosevelt đòi hạn chế quyền can thiệp vào các công việc của các quốc gia nhỏ ở Caribbea không trả nợ được cho các ngân hàng châu Âu. Thông lệ chung của các chính phủ châu Âu là cử tàu chiến đến chiếm giữ cơ quan Hải quan tại các nước này để buộc họ thanh toán cho các chủ nợ của mình. Làm như vậy, họ sẽ chiếm hữu lãnh thổ duyên hải ở châu Mỹ - nơi họ có thể chuyển thành các căn cứ hải quân dọc các hải trình qua Caribbea. Đây là điều các chiến lược gia biển của Mỹ tối kị.

Tại sao việc ngăn chặn sự xâm nhập châu Âu lại quan trọng đến vậy? Nhà tư tưởng về sức mạnh biển Alfred Thayer Mahan phân tích: eo biển Trung Mỹ là một cửa ngõ ra Thái Bình Dương của Mỹ. Việc đào một kênh qua Nicaragua hay Panama và đảm bảo cho tàu bè đi qua kênh đào này là mối quan tâm trước nhất của Mahan. Ông tiên đoán rằng "các quốc gia mạnh dạn phát triển thương mại" như Đức dưới thời Kaiser sẽ đấu tranh để chế ngự các vị trí địa chiến lược như vậy, giống như đế chế Anh và Tây Ban Nha từng làm trong nhiều thế kỷ. Mahan xác nhận là Mỹ hiện giờ "có lợi ích nhiều nhất" ở eo biển này, cả lợi ích thương mại với vùng viễn Đông và lợi ích đặc biệt về địa lý - đây là nơi qua lại nhanh và an toàn nhất giữa hai đại dương. Theo ông Mahan, việc tự do đi lại của tàu chiến và tàu thương mại giữa bờ biển phía Đông và phía Tây, và giữa Bắc Mỹ và châu Á, càng tăng thêm lợi ích cốt lõi của Mỹ tại vùng Vịnh và Caribbea.

Để bảo vệ lợi ích cốt lõi này, ông Mahan cho rằng cần một đội gồm 20 tàu chiến của lực lượng Hải quân Mỹ có khả năng chiến đấu và giành chiến thắng ở vùng biển phía Nam. Một hạm đội "có khả năng tung ra những đòn nặng" có thể ngăn cản các đội quân châu Âu được cử đến châu Mỹ để giành "vai trò điều khiển trên biển".

Biển Đông là câu trả lời của Trung Quốc đối với vùng Vịnh và Caribbea. Với một lối đi sống còn trên biển để ra Ấn Độ Dương là Eo biển Malacca, nơi này cũng giống như các vùng biển thắt eo ở châu Mỹ. Bán đảo Mã Lai và quần đảo nổi Sumatra tạo thành một eo biển lớn, mà theo con mắt Trung Quốc, chính là eo biển ám ảnh Mahan. Và biển Đông, giống như biển Caribbea trong phân tích của Mahan, là một khu vực biển với chỉ một cường quốc biển - là Trung Quốc. Biển Baltic và biển Đen khép kín, cả hai đều có một cường quốc lục địa chế ngự - là Nga - là một ví dụ tương tự . Liên Xô đã xây dựng các lực lượng hải quân để biến các biển này thành khu vực của riêng Liên Xô. Những bối cảnh địa chiến lược giống nhau dường biện hộ cho một chiến lược như nhau.

Nhưng từ cuối thế kỷ trước, Mỹ không phải đối mặt với các mối đe dọa lớn. Họ có thể không cần bảo vệ các tuyến đường bờ biển Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương, mà tập trung năng lượng của mình vào một sự mở rộng khác. Còn Trung Quốc lại không được hưởng sự thoải mái này. Nếu họ tập trung hải quân vào mỗi việc quản lý biển Đông, họ có thể đánh mất các lợi ích sống còn ở biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông.

CHDCND Triều Tiên tiếp tục gây chuyện tại cửa ngõ biển của Bắc Kinh. Đối thủ Nhật Bản tăng cường một hạm đối đẳng cấp thế giới và một vị trí chiến lược kẹp hai bên các tuyến giao thông trên biển (SLOCs) của Trung Quốc. Lối qua Eo biển Đài Loan bế tắc. Đồng thời, các lợi ích trên biển xa khiến Trung Quốc chú ý tới các vùng biển bên ngoài Đông Á và chú ý tới các sứ mệnh như chống hải tặc. Bắc Kinh không thể an toàn nếu sao lãng các vấn đề như vậy để tập trung các nguồn lực của mình vào giải quyết các sự cố ở Đông Nam Á.

Bắc Kinh cũng không thể dựa vào một hạm đội mạnh nào khác để chống lại hải quân Mỹ, vốn nắm quyền điều khiển các con sóng. Nước Mỹ của Mahan không chỉ may mắn về địa lý mà cả về ngoại giao. Trước một Hạm đội biển xa mới nổi của Đức, lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh đã phải rút từ Tây bán cầu sang bảo vệ các đảo của Anh chống lại mối đe dọa mới này. Anh không còn duy trì một hạm đội thường trực ở Bắc Mỹ nữa. Trong khi đó, Chiến lược Biển của Mỹ năm 2007 tuyên bố sẽ mãi là "sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy" ở Tây Thái Bình Dương, củng cố các đồng minh của Mỹ và cảnh giác với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hải quân Mỹ hiện thời, giống như Hải quân Hoàng gia Anh thời đế quốc cực thịnh, phải gánh các trách nhiệm toàn cầu nên phải chia nhỏ lực lượng có thể tập trung cho bất kỳ một mối đe dọa riêng lẻ nào. Vì vậy, khi lực lượng Hải quân Trung Quốc chín muồi, Bắc Kinh có thể hy vọng vượt trội hơn lực lượng lớn nhất mà Washington có thể huy động đến các vùng biển châu Á - lớn như Hải quân Mỹ từng huy động chống lại các lực lượng hải quân châu Âu, dù yếu hơn họ. Nói cách khác, lợi thế sân nhà vẫn có giá trị.

Nói chung, các vấn đề chiến lược ám ảnh Bắc Kinh dường như rất gai góc. Các yêu cầu về nguồn lực có hạn tại nhiều vùng biển sẽ làm căng mỏng các lực lượng phòng vệ biển của Trung Quốc dọc đường bờ biển dài của họ. Liệu PLA có thể tập trung đủ lực lượng để bảo vệ nhiều lợi ích cốt lõi nhất của mình trên biển Đông trong khi vẫn bảo vệ được các lợi ích tại các vùng biển quan trọng khác hay không dường như vẫn chưa có câu trả lời.

Nhưng nếu ít tham vọng hơn, dọc các tuyến đường chiến lược mà nước Mỹ của Roosevelt và Mahan theo đuổi, thì có thể. Ngăn cản các cường quốc đặt căn cứ tại Đông Nam Á trong khi dọa nạt các nước láng giềng của Trung Quốc bằng sự vượt trội của mình, lực lượng Hải quân của PLA sẽ khiến Bắc Kinh bắt đầu say mê với một trật tự khu vực mới, dù rằng hạm đội biển của họ vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Còn tiếp....

Châu Giang dịch từ THE WASHINGTON QUARTERLY - SPRING 2011