Tận dụng các chương trình ưu đãi cũng là một cách tiết kiệm hiệu quả. Tuy
nhiên nếu không kiểm soát, quá ham mua hàng giảm giá cũng là nguy cơ khiến bạn
bôi chi.
Mùa sale off
“Sản phẩm của các thương hiệu lớn thường khá đắt nhưng có thể tận dụng thời điểm
giảm giá để mua" - chị Phượng, nhân viên văn phòng trên phố Tây Sơn, Hà Nội cho
biết khi chọn cho mình một sản phẩm của Noir, giá giảm đến 70% lại có kiểu dáng
rất phù hợp với chị.
Tỏ ra ứng ý với đôi giày đỏ size 36 của một nhãn hiệu mà giới công sở ưa dùng,
chị Hằng đồng nghiệp của Phượng cho biết vừa mua nó vào dịp 20.10 với giá giảm
đến 45%. Theo chị Hằng, thay vì phải trả 2.830.000 đồng (giá niêm yết) chị chỉ
phải chi 1.556.000 đồng trong ngày ưu đãi.
"Vào dịp sale off chúng em bận từ khoảng 9 giờ sáng cho đến tận cuối ngày vì khách hàng đến thử và chọn mua sản phẩm tăng hơn rất nhiều", nhân viên của Ninewest cho biết.
Việc tham gia "Nhóm mua" hay "Mua chung" đang là "làn sóng mới" vì các thành viên cùng đang ký mua sản phẩm/dịch vụ đó thường được hưởng ưu đãi. Cầm trên tay chiếc mũ bảo hiểm đen-xanh, chị Hằng - một nhà báo kể: “Chiếc mũ này 165.000đ, tiết kiệm 40.000đ mà vẫn ưng ý về màu sắc cũng như kiểu dáng. Mũ có miếng chắn phía trước giúp bớt bị gió, bụi và nước mưa. Tham gia chương trình khuyến mại cũng là cách thư giãn và tiết kiệm”.
Không chỉ chị em mới hăng hái với sale off, nam giới cũng không từ chối các chương trình ưu đãi. 10h sáng 20.10, có mặt tại quầy thanh toán của Parkson, chỉ trong vòng 10 phút một khách hàng nam giới đã mua tới 2 món hàng trị giá gần 30 triệu đồng. "Tôi chả bận tâm đến khuyến mại, mua cho vợ và con gái ưng ý là được. Nhưng đúng dịp giảm giá thì cũng tốt. Sản phẩm tôi mua ưu đãi 10% đã giảm chi được hơn 3 triệu đồng".
Nguy cơ bội chi
Mua hàng giảm giá, tưởng giảm chi nhưng thực tế có khi lại ảnh hưởng đến ngân sách gia đình. Bác Minh, cán bộ hưu trí lại tiết kiệm đơn giản bằng “Thẻ khách hàng thân thiết” ở siêu thị. Theo bác Minh, mỗi lần mua các hàng thiết yếu thường hết 400-500.000đ, nếu có thẻ sẽ giảm vài chục ngàn. “Hai lần đi siêu thị tiền tiết kiệm cũng mua được thêm ký thịt ngon rồi. Vả lại, đó cũng là cách giúp cho các cháu của mình có ý thức tiết kiệm” - bác Minh chia sẻ.
Theo chị Như, dịp giảm giá, hai mẹ con chị sắm hai đôi giầy giảm chi gần 1.440.000 đồng. "Nhưng cũng "cảnh giác" với khuyến mại đấy, dễ nghiền lắm, nhất là tiêu bằng thẻ thì rất khó kiểm soát. Tưởng là tiết kiệm được vài triệu nhưng thay vì chỉ mua 1-2 món thiết yếu lại phóng tay mua thêm vài món khác.
Hàng giảm giá thường không theo mùa, mua về không dùng ngày lại cất tủ, quên phéng mất hoặc lo đi cho" chị Như chia sẻ. Theo chị, trong tủ chị hiện vẫn dư 2 áo, 2 váy, 1 túi và đáng kể mỹ phẩm các loại: son, kem dưỡng: mặt, dưỡng móng và tay, dưỡng toàn thân. Nhiều khi cố tìm ra lý do mua con con gái, cho bạn gái để “ôm” hàng sale. Nhưng về nhà mới thấy cái cần nhất lại là... kho chứa đồ.
Chị Như cho rằng “Nên cân nhắc về kiểu dáng, hiệu quả sử dụng. Nếu chỉ vì rẻ thì có thể mua phải hàng kém chất lượng, lỗi mốt hoặc rất ít có cơ hội sử dụng. Vừa rẻ vừa đẹp thì ai cũng muốn nhưng đừng quên "của đầy nồi là của không ngon".
Đôi vợ chồng nhà báo công tác tại một tờ báo lớn tại TP.HCM kể: “Chúng tôi từng chọn tour du lịch giá rẻ cũng vì tò mò. Nó đã được thỏa mãn bằng một kết cục là: quá thất vọng vì dịch vụ của chuyến đi quá kém từ phòng nghỉ đến ăn uống, chất lượng phương tiện vận chuyển”.
Đôi vợ chồng này bày tỏ khó có thể tồn tại cặp bài trùng “tốt mà rẻ”, nhưng bên bán dịch vụ nên cân nhắc đến chất lượng. Chỉ quan tâm đến việc kéo khách hàng bằng “giá rẻ” mà không giữ được chất lượng cần có thì cũng là cách chia tay khách dễ dàng nhất.
Bội chi và nguy cơ mất tiền mua bực mình có thể là “bẫy” mà mỗi người có nguy cơ mắc phải khi lựa chọn dịch vụ/sản phẩm sale off, khuyến mại, ưu đãi.
(Theo Sức khỏe)