- Theo kết luận của thanh tra có thể thấy, cách thu chi tài chính “ngoạn mục” của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM khiến nhiều người phải sửng sốt về mức độ giàu có và chi sai nguyên tắc của một trường tư thục. Điều đáng nói, kinh phí nhà trường bỏ ra không nhằm mục đích nâng chất lượng dẫn đến...bị dừng tuyển sinh năm 2012.
TIN LIÊN QUAN
UBND TP.HCM đình chỉ chức vụ ông Đặng Thành Tâm
Mất đoàn kết, ĐH Hùng Vương bị dừng tuyển sinh
Đề nghị xử hình sự vụ giam lỏng GĐ Sở Nội vụ
Trường ĐH Hùng Vương sau 17 năm hoạt động chưa có cơ sở riêng cho mình. (Ảnh Bee.net.) |
Trường thuê, thầy mượn
Được thành lập và hoạt động từ 1995, trải qua gần 17 năm phát triển, số tiền thu được từ học phí rất lớn, nhưng Trường ĐH Hùng Vương vẫn chưa có cơ sở vật chất cho riêng mình, phải đi thuê cơ sở đào tạo.
Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho thấy, từ năm 1995 đến 2006, doanh thu của nhà trường gần 116 tỉ đồng.
Thu được nguồn tiền khổng lồ nhưng việc “chi bạo” là nguyên nhân dẫn đến tiền nhiều mà dành chẳng được bao nhiêu.
Năm học 2008-2009, nhà trường thu học phí, lệ phí được 46,954 tỉ đồng (đã bao gồm tiền lãi ngân hàng) nhưng chi hết 42,541 tỉ đồng. Năm học 2009-2010, trường thu được 57,995 tỉ đồng nhưng cũng chi hết 51,844 tỉ đồng, theo kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT ngày 20/5/2011.
Số tiền chi cho cơ sở vật chất rất lớn: 11,899 tỉ đồng (năm 2008-2009), 11,599 tỉ đồng (năm 2009-2010). Nếu tính cả tiền khấu hao, sửa chữa thì số tiền còn lớn hơn nữa: thêm 4,159 tỉ đồng năm 2008-2009, 4,780 tỉ đồng năm 2009-2010 dành cho sửa chữa cơ sở vật chất.
Năm học 2009-2010, chi phí lương hết hơn 14 tỉ đồng, chi cho ban giám hiệu và Hội đồng quản trị (HĐQT) hết hơn 566 triệu đồng, chi họp hội đồng khoa học và đào tạo hết hơn 207 triệu đồng, chi hoạt động đoàn thể hơn 1,1 tỉ đồng.
Với những con số như trên, Bộ GD-ĐT đã chỉ ra thiếu sót của trường trong kết luận thanh tra: trường chưa đầu tư xây dựng được cơ sở vật chất để ổn định, phát triển, cơ sở đào tạo hầu hết đi thuê, diện tích sàn xây dựng mới đảm bảo 1m2/SV, trang thiết bị dạy học hạn chế.
Thêm vào đó, Bộ cũng chỉ ra hạn chế về đội ngũ giáo viên: giảng viên cơ hữu còn thiếu nhiều, mới đáp ứng được khoảng 50% khối lượng chương trình giảng dạy, có ngành chỉ đáp ứng được 30% khối lượng giảng dạy.
Có một số giảng viên bố trí không đúng chuyên ngành như thạc sĩ Văn hóa học được bố trí làm giảng viên khoa Tài chính- Ngân hàng, thạc sĩ Luật làm giảng viên khoa Công nghệ kỹ thuật xây dựng!
Trốn thuế
Theo kết luận thanh tra của thành phố, ĐH Hùng Vương được thành lập và hoạt động từ tháng 8/1995 nhưng đến tháng 5/2008 mới thực hiện đăng ký khai nộp thuế.
Qua thanh tra thuế các năm học từ 2007 đến 2010, cục thuế thành phố đã truy thu phạt thuế với tổng số tiền hơn 5,5 tỉ đồng.
ĐH Hùng Vương cũng không kê khai số tiền hơn 6,2 tỉ đồng là doanh thu năm học 2007-2008 đến nay của hai trung tâm trực thuộc trường (Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và Khoa quản trị bệnh viện).
Trách nhiệm trên thuộc về Hiệu trưởng, trưởng phòng tài chính- kế toán và các cá nhân có liên quan, kết luận thanh tra cho biết.
Hiệu trưởng lập quỹ riêng
Theo báo cáo tài chính đến ngày 31/12/2009 đã được kiểm toán, số dư của Quỹ dự phòng tài chính là hơn 7,5 tỉ đồng, Quỹ đầu tư phát triển hơn 7,7 tỉ đồng, Quỹ khen thưởng- phúc lợi hơn 1,4 tỉ đồng.
Riêng quỹ hiệu trưởng, số dư đến cuối năm 2005 là hơn 293 triệu đồng, năm 2007 đã chuyển hết vào Quỹ khen thưởng- phúc lợi.
Theo kết luận của thanh tra thành phố, nội dung sử dụng các quỹ của trường không có quy định riêng, trường chưa xây dựng quy chế quản lý tài chính áp dụng cho loại hình trường tư thục.
Điều đáng nói là, chịu trách nhiệm cao nhất là HĐQT nhưng hội đồng cũng không nắm rõ các loại quỹ này.
Ngày 7/3, Bộ GD-ĐT chính thức ban hành quyết định về việc ngừng tuyển sinh năm 2012 đối với trường. Lý do của quyết định này là bộ máy lãnh đạo của nhà trường đã mất đoàn kết nghiêm trọng, dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường.
- Tú Uyên