Sau 27 năm vận hành, các nhà khoa học vẫn khẳng định, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có thể chống chịu được với động đất mạnh 7 độ Richter. PGS. TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt khẳng định trong bài phỏng vấn mới đây trên báo Lâm Đồng.

Khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản, một số lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện Fukushima bị nổ, ông có nhận định gì về sự cố này?

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền: Đây là một sự cố thật sự đáng tiếc cho các nhà máy điện hạt nhân nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi sóng thần và động đất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, theo những thông tin tôi nắm được đến nay cho thấy các chuyên gia vận hành các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện Fukushima thuộc tỉnh Fukushima vừa phát nổ ở lò số 1 và số 3 họ vẫn hoàn toàn kiểm soát được.

PGS. TS Nguyễn Nhị Điền.
Thực chất của vụ nổ hai lò phản ứng hạt nhân (1 và 3) là họ chủ động cho nổ chứ không phải là nổ bị động. Vụ nổ là do lớp hydro tích lũy dưới mái của lò phản ứng phát nổ, trước đó họ đã tiến hành làm mát bằng nước biển. Do vậy, ít nhiều họ đã tính toán được mức độ thiệt hại từ việc chủ động cho nổ lò phản ứng.

Ông đã từng đến Nhà máy điện Fukushima nơi vừa xảy ra vụ nổ mới đây chưa?

Tôi đã đến nhiều nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản. Tuy nhiên, riêng nhà máy điện Fukushima thì tôi chưa tới, nhưng những đồng nghiệp đang công tác tại Viện thì đã nhiều người tới nhà máy này.

Ông có nhận xét gì về những nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản mà ông đã từng tới?

Nhật Bản là một cường quốc có trình độ phát triển điện hạt nhân rất cao, lại nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra động đất và sóng thấn nên họ luôn có ý thức đặt sự an toàn khi vận hành các nhà máy điện hạt nhân lên hàng đầu. Những nhà máy điện của họ ngoài được trang bị hiện đại còn có một đội ngũ chuyên gia vận hành có kiến thức và kinh nghiệm.

Tuy nhiên, một số nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản hiện nay, trong đó có nhà máy điện Fukushima đã được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, công nghệ lò phản ứng ít nhiều đã lạc hậu nên khi xảy ra sự cố thì công tác làm lạnh lò chậm hơn.

Nếu nhà máy này sử dụng công nghệ mới hiện nay thì khi xảy ra sự cố lò phản ứng sẽ tự làm lạnh trong vòng 72 giờ và sẽ không xảy ra sự cố kiểu này.

Ông nhận xét việc rò rỉ phóng xạ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và đời sống người dân Nhật Bản thưa ông?

Theo những thông tin tôi biết được thì mức độ phóng xạ là 20 microsivert như vậy là nhỏ. Khi vụ nổ xảy ra chỉ một vài người làm việc trực tiếp bị ảnh hưởng. Có lẽ người dân thì không bị ảnh hưởng bởi mức phóng xạ như vậy là thấp.

Vậy mức phóng xạ từ bao nhiêu thì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân?


Tiêu chuẩn quốc tế đã quy định rồi. Ví dụ người dân thì không quá 1 microsivert/năm, người thường xuyên làm việc, tiếp xúc với phóng xạ là không quá 20 microsivert/năm.

Tuy nhiên, trong những trường hợp sự cố thế này thì có thể cho phép cao hơn một số lần. Chẳng hạn, theo số liệu hiện nay ở cổng lò phản ứng số 1 của nhà máy điện Fukushima đo là 0,59 microsivert thì có nghĩa là gấp không nhiều so với cho phép là 1 microsivert/năm nhưng đây chỉ tiếp xúc trong một thời gian ngắn nên cũng chẳng có ảnh hưởng gì.

Sau khi xảy ra sự cố về nổ một số nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản, Bộ KH&CN, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã yêu cầu 2 đơn vị của mình là Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội tổ chức tốt việc quan trắc phóng xạ môi trường tại 2 trạm quốc gia do 2 đơn vị này quản lý. Việc này đơn vị đã thực hiện như thế nào thưa ông?

Về nguyên tắc thì trạm do chúng tôi quản lý không có sự cố gì cũng quan trắc thường xuyên. Tuy nhiên, tầng suất lấy mẫu thì hằng tuần và hằng tháng mới đo, còn sau khi xảy ra sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản thì chúng tôi quan trắc thường xuyên, thậm chí là cứ vài ba tiếng đồng hồ là phải xuống xem có hiện tượng gì bất thường về phóng xạ không. Nếu phát hiện bất thường thì ngay lập tức sẽ đưa phin lọc đi đo ngay.

Cho đến nay đã là ngày thứ 5 xảy ra nổ nhà máy điện hạt nhân ở Nhật nhưng chúng tôi vẫn chưa phát hiện điều gì bất thường, máy vẫn chạy liên tục 24/24.

Thưa ông, giữa lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản vừa xảy ra nổ có gì khác nhau?

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: TTO.
   
          
Khác rất nhiều. Vì lò của chúng ta là lò nghiên cứu, làm việc với áp suất thường, có công suất rất thấp là 500KW nhiệt, còn lò phản ứng hạt nhân số 1 của nhà máy điện Fukushima của Nhật là 460 MW điện, tức khoảng 1.500MW nhiệt. Còn lò phản ứng số 3 mới nổ thì khoảng gần 800MW điện, tức là hơn 2.000MW nhiệt, nghĩa là gấp rất nhiều lần so với lò phản ứng Đà Lạt, cho nên hai lò hoàn toàn khác hẳn nhau về mức độ an toàn cũng như mức độ sự cố có thể xảy ra.

Với thiết kế của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện nay, nếu xảy ra động đất ở Việt Nam thì có thể chịu được tối đa là bao nhiêu độ richter?

Theo tính toán về mặt lý thuyết chứ chưa ai dám khẳng định cụ thể là bao nhiêu, nhưng trong báo cáo phân tích an toàn của chúng tôi, lò có thể chịu đựng được động đất ở 6 – 7 độ richter, còn lớn hơn nữa chúng tôi chưa dám phân tích một cách cụ thể, nhưng về nguyên tắc khi xảy ra sự cố như vậy thì lò sẽ dừng một cách tự động. Tuy nhiên còn tùy thuộc tâm chấn động đất rơi vào chỗ nào, nó có trực tiếp lên vùng có lò hay không.

Trong suốt thời gian vận hành, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã triển khai những gì để đảm bảo an toàn vận hành lò một cách tốt nhất?

Đối với mỗi lò phản ứng hạt nhân đều có các quy phạm vận hành. Riêng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt tuy là lò nhỏ nhưng đã có trên 10 quy phạm khác nhau liên quan đến vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, sử dụng. Nếu tuân thủ tất cả các quy phạm này thì xác suất xảy ra sự cố và rủi ro càng ít.

Đã bao giờ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để xảy ra rò rỉ nguồn phóng xạ chưa thưa ông?

Cho đến nay lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã qua 27 năm vận hành nhưng chúng tôi chưa lần nào để rò rỉ phóng xạ ra bên ngoài. Lò đang vận hành rất tốt và rất an toàn.

Thưa ông, qua một số vụ nổ lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt có được những bài học gì?
Trước hết là phải lựa chọn công nghệ. Hiện nay cả thể giới có gần 450 lò phản ứng hạt nhân phát điện, họ đã qua nhiều thế hệ công nghệ nên mình phải lựa chọn những công nghệ tốt nhất. Thứ hai, phải đảm bảo vận hành đúng các quy trình, quy phạm của lò phản ứng hạt nhân. Thứ ba là phải có một đội ngũ cán bộ hiểu biết để trong một tình huống xấu nhất có thể giải quyết những vấn đề tốt nhất.

Chẳng hạn như ở Nhật Bản, tôi cảm thấy họ giải quyết các công việc rất bài bản chính vì họ có kiến thức, có kinh nghiệm nên sự cố giảm đi rất nhiều. Qua hai vụ nổ nhưng không làm chết người nào chứng tỏ họ rất có kinh nghiệp trong giải quyết vấn đề này.

Theo Baolamdong