Số phận mảnh đất vàng hơn 3.500m2 đất ở phố Trần Quang Khải bây giờ ra sao, khi sang tay nhiều ông chủ địa ốc có máu mặt.

Trước biến động của thị trường bất động sản như đồ thị hình sin, thì không một nhà đầu tư nào có thể ngồi yên vị. Đặc biệt là những lô đất vàng, có giá trị nhiều nghìn tỷ đồng.

Lô đất rộng 3.557 m2 ở địa chỉ 210 Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng được liệt vào danh sách trên. Nhưng số phận của lô đất này vẫn hào quang hơn nhiều lô đất ế ẩm khác khi cỏ mọc um tùm.

Trở lại lô đất 210 Trần Quang Khải, thì sau 4 "khởi công" thì đến nay, dự án này vẫn lẹt đẹt ở khâu "vận động" - tức là ở phần móng.

{keywords}

Bên trong dự án 210 Trần Quang Khải chỉ có 1 chiếc máy xúc hoạt động. Ảnh Thanh Bình

Một điều lạ, mặc dù được phê duyệt là tòa nhà văn phòng nhưng hiện nay phía biển quảng cáo của dự án đã chưng biển Dự án khách sạn Park Hyatt Hà Nội.

Quay lại thời gian nhiều năm trước đó, ngày 9/1/2012 UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 183/QĐ-UBND về việc thu hồi 3,557 m2 đất tại số 210 phố Trần Quang Khải và số 17 phố Tôn Đản, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Ban đầu, diện tích đất này thuộc sở hữu Nhà nước do Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý, cho Cty Thực phẩm Miền Bắc thuê để kinh doanh giao Cty CP Him Lam sử dụng diện tích đất thu hồi nói trên để xây dựng tòa nhà văn phòng làm việc và cho thuê theo Dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 23/10/2009.

Theo đó, khu đất “vàng” tại quận Hoàn Kiếm có diện tích 3.557 m2, để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tòa nhà làm việc và văn phòng cho thuê hiện đại hạng A, sử dụng riêng; thời hạn sử dụng là 50 năm kể từ ngày 26/2/2009.

{keywords}

Tấm biển này đã minh chứng, một khách sạn hạng sang sẽ hiển hiện trong vài năm tới tại ô đất 210 Trần Quang Khải. Ảnh Thanh Bình

Đến ngày 21/9/2012, Công ty CP Him Lam đã được cấp GPXD số 78/GPXD cho dự án tòa nhà văn phòng làm việc và cho thuê với quy mô 22 tầng, trong đó chiều cao mái khối ngoài 6 tầng là 21,2m; đến mái khối ngoài 8 tầng (phía phố Trần Quang Khải) là 28m.

Đang trong quá trình chuẩn bị khởi công thì dự án này của Cty CP Him Lam đã bị tạm dừng triển khai vì nằm trong danh sách những dự án công trình cao tầng loại II, theo Thông báo 202/TB-VPCP ngày 19/7/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng công trình cao tầng trong 4 quận nội thành và văn bản số 8987/UBND-XD của UBND thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, bằng nhiều phương thức, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo chấp thuận với đề xuất của Sở Quy hoạch kiến trúc và cho dự án tiếp tục triển khai.

Trở lại với thực tại, theo quan sát của Phapluatplus.vn ngày 7/9/2016, thì từ khi được cấp GPXD, khởi công đến nay sau gần 4 năm triển khai, dự án vẫn “ì ạch” xong phần móng. Bên trong khu vực công trường, chỉ có một chiếc máy xúc, và nhiều vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang. Trong khi đó, phần thông tin biển bảng dự án bên ngoài công trường đã được đổi tên thành Dự án khách sạn Park Hyatt Hà Nội.

Dự án khách sạn Park Hyatt Hà Nội do Tập đoàn ThaiGroup của ông Nguyễn Đức Thụy – Chủ tịch HĐQT làm chủ đầu tư. ThaiGroup có tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành do ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) làm Chủ tịch HĐQT.

Thông tin trên tờ Cafef.vn thì tháng 2/2016 trong chuyến làm việc ở Mỹ, bầu Thụy cũng đã ký kết hợp tác với Hyatt để xây dựng thương hiệu khách sạn Park Hyatt. Đây sẽ là một khách sạn hạng sang thương hiệu Park Hyatt ở khu trung tâm nội đô Thủ đô. Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 165 triệu USD với gần 300 phòng xa xỉ và các phòng tổng thống. Dự kiến công trình được hoàn thành vào năm 2018.

Được biết, dự án Khách sạn Park Hyatt Hà Nội được thiết kế 4 tầng hầm, 18 tầng nổi.

Ẩn sau trong những toan tính, phát triển dự án của bầu Thụy còn nhiều vấn đề cần mổ xẻ, đặc biệt là tính pháp lý của dự án này.

Xuất phát từ việc tái cấu trúc Xuân Thành Group, thành lập từ năm 1976 do ông Nguyễn Xuân Thành (bố bầu Thụy) một tay gây dựng nên có tiền thân là một hợp tác xã xây dựng, kinh doanh xi măng…Bên cạnh việc rót hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án xi măng, bầu Thụy đang nổi lên như một “tay chơi” đáng gờm trong lĩnh vực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.

Theo giới thiệu của ThaiGroup, năm 2007 Xuân Thành Group do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch bao gồm 12 công ty thành viên. Đến tháng 5/2015 Xuân Thành Group đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiGroup, có vốn điều lệ lên tới 2.500 tỷ đồng. Ngoài một số lĩnh vực truyền thống, ThaiGroup đang lấn sân mạnh mẽ và tham gia sâu vào lĩnh vực mới là khách sạn, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp…

Theo Báo Pháp luật