Sau hơn 1 năm phát động, kết quả bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất, tồi nhất vừa được VCCI công bố. Có 30 quy định tốt nhất, 30 quy định tồi nhất nằm ở các thông tư, nghị định, dù tốt hay xấu đều tác động đến hoạt động kinh doanh của DN.
Cuộc khảo sát được phát động từ cuối năm 2015, đến nay mới công bố kết quả. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận được 9.297 đề cử các quy định từ 1.739 cá nhân và tổ chức. Sau khi sàng lọc, có 114 quy định tốt và 123 quy định tồi đã được đề cử.
Thay vì bình chọn 10 quy định tốt nhất, tồi nhất như dự định ban đầu, vì nhiều lý do khác nhau, Ban tổ chức đã quyết định đề cử 30 quy định tốt nhất và 30 quy định tồi nhất.
VCCI lưu ý: “Các số thứ tự trong bảng biểu được đánh ngẫu nhiên, không được hiểu là tốt nhất hay kém nhất”.
Nhiều văn bản tồi bị gọi tên
Trong các quy định tồi nhất có gọi tên Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương, quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, được nhiều ý kiến cho là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do kinh doanh của các DN, khiến người tiêu dùng mua ô tô nhập khẩu phải trả giá cao. Quy định này đã làm tăng chi phí xã hội và tạo thế độc quyền cho một số nhà phân phối.
Thông tư 20 về quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống lọt vào danh sách quy định tồi nhất |
Yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô tại Thông tư 57/2015 của Bộ Công an, được đánh giá là gần như không đạt được mục tiêu, khiến người sử dụng phương tiện không biết phải đặt bình cứu hỏa ở đâu trong xe, gây bất tiện, thậm chí còn gây mất an toàn.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, để áp dụng quy định này thì với 3,5 triệu ô tô theo ước tính hiện tại thì chi phí xã hội phải bỏ ra lớn hơn nhiều so với lợi ích thu lại được.
Quy định “Giấy vàng - Giấy trắng” trong đăng ký DN tại Luật Doanh nghiệp 2014 cũng được đánh giá là thiếu rõ ràng, tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính và đi ngược lại tinh thần cải cách thể hiện trong Luật DN 2014.
Khoản 2, Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 quy định, DN phải đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương, làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, là một trong những quy định tồi. Theo Ban tổ chức, công đoàn là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động, một bên đối trọng với người sử dụng lao động. Yêu cầu DN đóng tài chính, để duy trì hoạt động của công đoàn là chưa phù hợp.
Với các quy định tốt nhất, Bộ luật Hình sự 2015 bỏ tội kinh doanh trái phép tại Điều 159 của Bộ luật Hình sự năm 2005 được nhiều ý kiến đánh giá rất tốt. Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cũng được nhiều ý kiến hoan nghênh.
Việc Bộ Công an yêu cầu trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô cũng không đạt được mục tiêu chính sách, chưa kể còn bị phản đối |
Giảm tần suất kê khai thuế theo quí, thay vì theo tháng đối với DN có doanh thu năm liền trước từ 20 ttỷ đồng đến 50 tỷ đồng trong Điều 4.3 Nghị định 91/2014/NĐ-CP; mở rộng cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam, Luật Nhà ở 2014 cũng là những quy định được đánh giá rất tốt.
Chịu sức ép lớn
Danh sách các quy định tốt và tồi này được gửi cho 17 cơ quan soạn thảo và ban hành để lấy ý kiến, Ban tổ chức đã nhận được 12 công văn phúc đáp.
Trong số 5 cơ quan không phúc đáp, có 3 cơ quan không có đề cử quy định tồi là TANDTC, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế; 2 cơ quan còn lại không có công văn phúc đáp là Bộ GD-ĐT và Bộ NN-PTNT.
Trong khi các DN chủ yếu bầu chọn những quy định tồi nhất vì ảnh hưởng tiếp đến hoạt động kinh doanh của họ, thì các bộ ngành lại chủ yếu bầu chọn cho những quy định tốt nhất.
Nhiều văn bản pháp luật được xây dựng nhưng cơ quan soạn thảo và ban hành chưa quan tâm đến tính hiệu quả và hiệu lực của nó. |
Các con số thống kê cũng cho thấy, ý kiến đánh giá tốt chiếm tỷ lệ cao nhất, thuộc về các quy định luật với 43%, trong khi ý kiến đánh giá các quy định kém nhiều nhất thuộc về nghị định với 37% và thông tư là 33%. Như vậy, chất lượng pháp luật ảnh hưởng đến kinh doanh nằm ở thông tư và nghị định, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét.
“Nếu đề cử tốt thì không phản ứng lắm, nhưng cứ đề cử không tốt thì có khá nhiều ý kiến, có cả những sức ép không hề nhỏ”, ông Tuấn nói thêm.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế TƯ, qua khảo sát cho thấy, có nhiều văn bản pháp luật được xây dựng nhưng chưa quan tâm đến tính hiệu quả và hiệu lực của nó.
Các quy định đặt ra nhiều khi chỉ vì một mục tiêu mơ hồ nào đó. Xã hội ngày càng thông minh, thì nhà lập pháp cũng cần phải thông minh. Thực tế từ các quốc giá phát triển cho thấy, chỉ ban hành các quy định khi chứng minh được chi phí thấp hơn lợi ích đạt được, còn nếu không thì không ban hành. Tránh tư duy quản lý bằng mọi giá, làm tăng chi phí của đối tượng bị điều chỉnh – ông Hiếu nói.
Trần Thủy