- ‘’Những giờ lên lớp chuyên ngành không có giáo trình, bài giảng được chuẩn bị sẵn của phía người dạy sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn trong hành trang kỹ năng nghề của người học. Đó là lý do lớn khiến hầu hết sinh viên sáng tác âm nhạc của Việt Nam chỉ cố lết được tới ngày tốt nghiệp bằng một tác phẩm giao hưởng rồi chấm dứt ý định viết nhạc thính phòng’’, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.


Nằm trong hoạt động Festival Âm nhạc mới Á – Âu, sáng 8/10 tại Học viện âm nhạc Quốc gia đã diễn ra hội thảo quốc tế “Đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay’’ với sự tham gia ngoài các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu âm nhạc trong nước và quốc tế.

{keywords}
Các nghệ sĩ quốc tế tham dự Hội thảo.

Có rất nhiều tham luận của các nghệ sĩ được đưa ra trong hội thảo nhưng đáng chú ý là những chia sẻ của ông Bjorn Bolstad – Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Na Uy về dự án hợp tác nghệ thuật và giáo dục giữa Hội nhạc sĩ Na Uy, Dàn nhạc giao hưởng Oslo và các trường âm nhạc thuộc quốc gia này.

“Hàng năm, các nhạc sĩ cố vấn, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chỉ huy dàn nhạc sẽ có những buổi dạy học và giao lưu với các em học sinh thuộc khối các trường phổ thông trung học. Sau hai tháng họ sẽ có những buổi hòa nhạc để các học sinh biểu diễn và các nhạc sĩ sẽ đánh giá.

Dự án này đã được duy trì từ 7 năm nay và không chỉ mang đến cho thế hệ trẻ những kiến thức về dàn nhạc giao hưởng cũng như về các nhạc sĩ sáng tác đương thời mà thực tế mỗi năm con số các học sinh đăng ký thi vào các trường Nhạc viện cũng tăng lên đáng kể” – ông Bjorn Bolstad tiết lộ.

{keywords}

Ông Bjorn Bolstad.

Về phía Việt Nam – là một trong những nhạc sĩ trẻ được ghi nhận bởi tình yêu và những đóng góp cho lĩnh vực phối khí và sáng tác khí nhạc, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng gây sự chú ý khi đưa ra những vấn đề nổi cộm trong khâu dạy sáng tác âm nhạc trong một số trường âm nhạc của Việt Nam. 

“Hầu hết các môn học quan trọng trong gói hành trang kỹ năng mà nhà trường trao cho sinh viên vẫn loanh quanh ở những kiến thức có từ việc dịch sách của Nga hoặc Đông Âu từ trong khoảng thời gian Thế chiến thứ hai tới nay đã lộ rõ sự hạn hẹp và lỗi thời. Do vậy hầu hết sinh viên sáng tác lúng túng khi tập viết nhạc”, nhạc sĩ nói. 

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng chỉ ra bản tính bảo thủ của người dạy và thái độ bằng lòng với hệ thống giáo trình sách vở cũ của đa phần các tổ bộ môn kiến thức âm nhạc của các trường nhạc lớn. “Có những môn học mới mẻ bị từ chối đưa vào giảng dạy cho sinh viên ví dụ như môn soạn tổng phổ trên máy tính chẳng hạn.

{keywords}
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong hội thảo.

Cách đây hơn một thập kỷ có một môn học rất quan trọng đối với người học sáng tác có tên tiếng Anh là Arrangement (tạm dịch là “chuyển soạn’’) cũng bị các thầy cô giao và ban giám đốc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ chối đưa vào chương trình giảng dạy mặc cho vị giáo sư châu Âu mất bao công sức mang cả bộ giáo trình quý sang Việt Nam”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nêu rõ.

Cũng theo nhạc sĩ, đã có rất nhiều lý do để đổ lỗi cho sự khan hiếm các tác phẩm và tác giả mới của dòng nhạc thính phòng - giao hưởng - nhạc kịch hiện nay ở nước ta nhưng cũng cần thêm một lý do mới đó là chất lượng đào tạo chuyên ngành sáng tác của Việt Nam đang thấp khiến hầu hết sinh viên chỉ cố gắng viết cho xong bài tốt nghiệp rồi lấy bằng đi làm việc khác.

{keywords} 

“Chính tôi đã từng bị một sinh viên giấu mặt đặt viết tác phẩm tốt nghiệp nên tôi tin có nhạc sĩ nhẫn tâm làm việc này”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Sơn Hà
Ảnh: Huy Phương