Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với các khó khăn trong việc lắp đặt các vũ khí tối tân trên các đảo phía tây bắc và củng cố sự sẵn sàng của quân đội khi cần thiết trong trường hợp nổ ra xung đột với Triều Tiên.

Đảo Yeonpyeongdo bị pháo kích trong cuộc đụng độ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên năm 2010
Theo các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Seoul vẫn chưa thể triển khai các tên lửa dẫn đường chính xác, một máy bay do thám và máy bay không người lái như đã lên kế hoạch do các vấn đề về kỹ thuật và chính trị kể từ sau vụ pháo kích lên đảo Yeonpyeongdo mà Triều Tiên tiến hành năm 2010.

Một loại tên lửa dẫn đường chống tăng của Israel là Spike vẫn đang bị nghi ngờ về hiệu quả khi vẫn đang phải kiểm định và không thích hợp trong trường hợp tìm kiếm các mục tiêu là đơn vị pháo binh của Triều Tiên được ngụy trang.

Tờ Koreal Herald của Hàn Quốc cho biết Seoul và Washington chưa phác thảo nên kế hoạch tác chiến chung như đã lên kế hoạch từ trước, trong trường hợp có diễn biến bất thường trên biển Hoàng Hải.

Thứ Sáu tới đây sẽ là kỷ niệm 2 năm ngày Triều Tiên nã pháo vào hòn đảo của Hàn Quốc giáp biên giới hai nước, khiến bốn người phía Hàn Quốc thiệt mạng.

Kể từ sau vụ đụng độ năm 2010, tiềm lực quân sự của Triều Tiên ngày càng được củng cố.

Triều Tiên đã thiết lập một căn cứ gồm có một hạm đội gồm các tàu đệm không khí ở Goampo, phía nam tỉnh Hwanghae. Hạm đội các tàu này có thể tiếp cận các đảo phía tây bắc của Hàn Quốc bao gồm cả đảo Baekryeong, gần với Đường Ranh giới phía Bắc (NLL) chỉ trong vòng 20 phút.

Triều Tiên có khoảng 70 máy bay trực thăng tấn công luôn trong trạng thái sẵn sàng triển khai. Theo nhiều nguồn tin từ phía Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đang củng cố tiềm lực tấn công và huấn luyện tàu ngầm ở khu vực phía tây bắc Hàn Quốc.

Trong khi đó, Hàn Quốc có các máy bay trực thăng tấn công AH-1 Cobra có thể đối trọng với các tàu đệm không khí của Triều Tiên, nhưng giới quan sát nói rằng các máy bay AH-1 có tiềm lực tác chiến rất hạn chế trong điều kiện ban đêm.

Bên cạnh các bệ phóng đa hỏa tiễn, các rađa săn pháo, các bích kích pháo K-9 cũng được lắp đặt ở vùng tây bắc Hàn Quốc cùng với khoảng 1000 binh sĩ.

Các quan chức Hàn cho biết trong năm qua khu vực này không được triển khai các vũ khí mới nào.

Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc cho rằng đảo Yeonpyeong của mình rất dễ bị Triều Tiên tấn công và vì các thiết bị quân sự ở đây còn nhiều khiếm khuyết.

Các bích kích pháo K-9 đã hoạt động rất kém trong suốt đợt đáp trả pháo kích của Triều Tiên. Tương tự vậy, các hệ thống rađa của Hàn Quốc định vị pháo Triều Tiên đã không hỗ trợ nhiều về mặt kỹ thuật cho các binh sĩ.

Các bích kích pháo K-9 vốn là tuyến phòng thủ chính của Hàn Quốc trên các đảo phía tây bắc cách biệt và không có nhiều nguồn lực. Phải mất hai giờ đồng hồ thì quân đội Hàn Quốc mới có thể tới các đảo phía tây bắc nếu di chuyển từ sân bay Incheon (trong khi Triều Tiên chỉ mất 20 phút đi bằng tàu đệm không khí đã có thể tiếp cận các đảo này).

  • Lê Thu (theo Koreal Herald/ ANN)