-Trong ngày 26/8, các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục đưa ra những thông tin liên quan tới đề án đưa máy tính bảng vào trường học của Sở GD-ĐT TPHCM.

Với tiêu đề “Lộ máy tính bảng giáo dục AIC giá bèo”, báo Tuổi Trẻ TP.HCM cho biết đã phát hiện một chiếc máy tính bảng có tên Smart Education (giáo dục thông minh) mang thương hiệu AIC Group tại một công ty có trụ sở ở TP.HCM. Người sở hữu chiếc máy tính bảng này cho biết: “Một công ty ở Đài Loan muốn chào hàng tôi mẫu máy tính bảng của họ. Họ đã lấy mẫu máy tương tự lô hàng máy tính bảng mà một công ty ở VN đã nhập về qua cảng Hải Phòng gửi cho tôi dùng thử”.

  {keywords}

Máy tính bảng AIC Group có tên là Smart Education - Ảnh: Tuổi trẻ

Điều đáng nói, nó có nhiều thông số y hệt chiếc máy tính bảng trong đề án sách giáo khoa điện tử của TP.HCM, và được báo giá 45 USD (khoảng 900.000 đồng), nếu mua với số lượng lớn giá có thể chỉ còn khoảng 500.000 - 700.000 đồng.

Theo tìm hiểu của báo Tuổi Trẻ TP.HCM, thông tin từ Cục Hải quan Hải Phòng cho hay trong tháng 7/2014 có một lô hàng máy tính bảng nhập từ Đài Loan cập cảng Hải Phòng và được gửi trong kho của Tân Cảng Đình Vũ. Theo tờ khai vận đơn, đơn vị nhận lô hàng là Công ty AIC Advanced International Joint Stock (Công ty cổ phần Quốc tế Tiến bộ) có địa chỉ tại số 69 đường Tuệ Tĩnh, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, lô hàng này gồm 3.500 máy tính bảng được đóng trong một container 40 feet, cập cảng Hải Phòng ngày 21/7. Đơn vị cung cấp lô hàng này là một công ty của Đài Loan có tên Star Max Technology Ltd.

Cục Hải quan Hải Phòng cho biết thêm, hiện đã quá thời hạn làm thủ tục thông quan nhưng đơn vị đứng tên trong tờ khai vận đơn nhận lô hàng vẫn chưa đến khai báo để làm các thủ tục cần thiết. Hải quan Hải Phòng đã liên hệ với phía Công ty cổ phần Quốc tế Tiến bộ đề nghị nhanh chóng làm các thủ tục thông quan.

Cũng theo thông tin từ Tuổi Trẻ, chiều ngày 25/8, sau khi nhận được hình ảnh mẫu máy tính bảng mà báo chí đang đề cập, lãnh đạo Công ty CP Quốc tế Tiến bộ (AIC) đã xác nhận đây là mẫu máy tính bảng do công ty đặt hàng sản xuất tại Đài Loan. Vị này cũng cho biết công ty có nhập máy tính bảng từ Đài Loan về để phục vụ trong nội bộ; việc cài đặt phần mềm sách giáo khoa trong máy này nhằm đào tạo cho nhân viên công ty làm quen với công nghệ thông tin

Cùng ngày, trên báo Pháp luật Việt Nam ngày 26/8, trước thông tin nghi vấn AIC cùng NXB giáo dục “hậu thuẫn” cho TPHCM thực hiện đề án 123 (đưa SGK và máy tính bảng vào các trường tiểu học công lập) nhằm trục lợi, bán thiết bị, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, TGĐ AIC khẳng định AIC “chưa bao giờ nhập loại máy tính bảng nào 7 inch với giá 900.000 VND/ chiếc để đưa vào bất cứ dự án giáo dục nào tại TPHCM hay các địa phương khác”.

  {keywords}

Bà Nhàn tham dự hội thảo với tư cách khách mời(bà Nhàn ngồi cạnh chuyên gia đến từ Đài Loan)

Bà Nhàn cũng bày tỏ sự “ngạc nhiên” khi cho rằng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo lần này là lần thứ hai để lấy ý kiến, lần thứ nhất tổ chức vào ngày 18/7/2014 do công ty AVITECH và Intel trình bày, lần thứ hai là là do Samsung và tư vấn nước ngoài trình bày về toàn bộ mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo. Công ty AIC đến dự với từ cách là khách mời, nhưng “Sau các hội thảo này, tôi không thấy các báo chí hay các trang mạng nhắc đến tên của AVITECH hay SamSung, Intel mà chỉ thấy nhắc đến tên Công ty chúng tôi”.

Theo bà Nhàn thì “để có thể triển khai một vấn đề mới thì không bao giờ là dễ dàng cả; nhưng nếu vấn đề đó mà có lợi cho cộng đồng, cho xã hội thì chúng ta quyết tâm làm và trong quá trình triển khai, nếu có bước đi phù hợp, biết tiếp thu kinh nghiệm của các nước đã đi trước đồng thời  rút kinh nghiệm của chính mình cộng với sự đồng thuận chung của xã hội vì một mục tiêu tốt đẹp hơn thì chúng ta sẽ làm được”.

Ngân Anh tổng hợp